Bộ GTVT "phản pháo" kết luận của Thanh tra Bộ KH-ĐT về 2 dự án BOT
Bộ GTVT cho rằng thông tin phản ánh kết luận của Thanh tra Bộ KH-ĐT có nội dung về xác định tổng mức đầu tư của 2 dự án BOT chưa chính xác, gây thiệt hại cho ngân sách...
* Nhà đầu tư dọa tẩy chay dự án BOT giao thông
Trạm thu phí Hoàng Mai trên tuyến đường dự án BOT Nghi Sơn-Cầu Giát - Ảnh: VnEconomy
Ngày 9-9, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) ra thông cáo báo chí cho biết vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh một số nội dung về kết luận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao); trong đó, có nội dung về xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác, gây thiệt hại, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Bộ GTVT khẳng định: Tổng mức đầu tư chỉ là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn; phục vụ đàm phán lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát hoặc lãng phí và càng không thể khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí.
Bộ GTVT khẳng định: Đối với một số dự án BOT mà Bộ KH-ĐT tiến hành thanh tra, ngay sau khi có dự thảo và kết luận thanh tra, Bộ GTVT đã có văn bản giải trình Bộ KH-ĐT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm làm rõ cách xác định Tổng mức đầu tư cũng như xác định giá trị quyết toán để điều chỉnh thời gian hoàn vốn dự án. Công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư các dự án BOT được lập bởi các đơn vị tư vấn hàng đầu, có năng lực như TEDI, TEDIS, Tư vấn Trường Sơn.
Theo lý giải của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư được duyệt chỉ mới là giá trị đàm phán, xác định thời gian hoàn vốn ban đầu với Nhà đầu tư; quá trình thực hiện đầu tư, nhằm chuẩn xác giá trị thực tế thực hiện dự án, công tác thẩm tra dự toán được giao cho các đơn vị có năng lực kinh nghiệm như Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng thực hiện; đồng thời, Bộ GTVT đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ giá thành, chất lượng tiến độ, đã thành lập các tổ thường xuyên rà soát trình tự thủ tục, dự toán các dự án BOT và đã có các văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện kết luận của các tổ rà soát.
“Theo quy định tại tất cả các Hợp đồng BOT đã ký kết thì giá trị quyết toán cuối cùng được cấp có thẩm quyền chấp thuận mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư ký kết Hợp đồng điều chỉnh nhằm xác định thời gian hoàn vốn cho dự án”- Bộ GTVT cho biết.
Về kết luận của Thanh tra Bộ KH-ĐT xác định kinh phí đầu tư một số hạng mục trong tổng mức đầu tư chưa chính xác gây thiệt hại cho ngân sách, Bộ GTVT cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14-12-2009 của Chính phủ: "Tổng mức đầu tư là chi phí dự tính của dự án. Tổng mức đầu tư là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình". Trong bước lập dự án đầu tư, không thể tính toán chính xác chi phí thực tế đầu tư xây dựng công trình và tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng thậm chí còn cho phép tính tổng mức đầu tư dựa trên suất vốn đầu tư xây dựng công trình.
“Do vậy, giá trị tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) không phản ánh đúng chi phí thực tế thực hiện công trình nên trong Hợp đồng BOT, Bộ GTVT và nhóm công tác liên ngành (gồm có Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, địa phương liên quan) đã quy định sử dụng giá trị quyết toán được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là giá trị cuối cùng để xác định thời gian hoàn vốn cho dự án”- Bộ GTVT khẳng định.
Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư chỉ là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn; phục vụ đàm phán lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát hoặc lãng phí và càng không thể khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí .
“Trong quá trình Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán một số dự án BOT cũng đã ghi nhận nội dung này và không kết luận thất thoát hay gây thiệt hại cho ngân sách”- Bộ GTVT khẳng định.
Ngày 28-4-2014, Bộ GTVT đã có văn bản số 4771/BGTVT-TC chủ động đề nghị Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán các dự án BOT để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại ngay trong quá trình thi công, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phòng ngừa, ngăn chặn những sai sót, gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thi công công trình và đến nay có 4 dự án đã có thông báo kết luận kiểm toán. Một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện dự án được Cơ quan Thanh tra kết luận, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.
“Đồng thời, Bộ GTVT đã có văn bản số 12028/BGTVT-ĐTCT ngày 8-9-2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng đối với một số nội dung kết luận của Thanh tra Bộ KH-ĐT”- Bộ GTVT cho hay.
Trước đó, ngày 24-8, trên Báo Đầu tư online có đăng bài “Dự án BOT Quốc lộ 1A: Khai vống tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thu phí”.
Báo Đầu tư cho biết Thanh tra Bộ KH-ĐT vừa ban hành 2 kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và triển khai dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên tuyến Quốc lộ 1A do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hai dự án trước mắt bị công bố là Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và BOT Hà Nội - Bắc Giang. Cả hai dự án Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và BOT Hà Nội - Bắc Giang đều bị phát hiện “ăn gian” tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn. Ngoài ra, Thanh tra Bộ KH-ĐT còn chỉ ra nhiều điều mà cơ quan này cho là không đúng với các quy định trong việc triển khai thực hiện hai dự án.
Văn Duẩn
người lao động
|