Vận động chính sách: Thượng sách trong kinh doanh?
Những câu chuyện như dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, giảm thuế thu nhập DN… là những ví dụ cho thành công của vận động chính sách. Vận động chính sách ngày càng cần thiết cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng biết cách vận động.
Sự ảnh hưởng của các chính sách đến DN ngày càng lớn. Ảnh: TRẦN VIỆT
|
Mở ra cơ hội làm ăn
Thông thường, DN chỉ quan tâm đến pháp luật khi quy định đó liên quan trực tiếp đến DN hoặc khi nảy sinh sự việc, như khi bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt… Tuy nhiên, trên thực tế, sự ảnh hưởng của chính sách và pháp luật đến các DN ngày càng lớn. Theo một điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự thay đổi về chính sách có tác động lớn thứ hai đến hoạt động của các DN, chỉ sau sự thay đổi về tỷ giá, lạm phát và lãi suất. Những sự thay đổi này có thể mang lại lợi nhuận cho những DN biết nắm bắt thời cơ, nhưng cũng có thể sẽ khiến nhiều DN điêu đứng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, câu chuyện về trần chi phí quảng cáo là một ví dụ điển hình cho chính sách mở ra cơ hội làm ăn. Trước đây, Luật thuế Thu nhập DN chỉ cho phép một DN chi tối đa 10% tổng số chi được trừ (đối với DN thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong 3 năm đầu, kể từ khi được thành lập) cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới… Nếu vượt quá con số này sẽ không được tính chi phí hợp lý để khấu trừ thuế. Tuy nhiên, sau quá trình vận động chính sách, khi mức trần này được dỡ bỏ năm 2013, các DN quảng cáo đã phát triển tốt hơn, các DN khác được chủ động làm chủ chi phí quảng cáo của mình để nâng cao hình ảnh sản phẩm, khẳng định vị thế của DN, bán được nhiều hàng hơn, nộp vào ngân sách Nhà nước nhiều thuế hơn.
Ở một ví dụ khác, ông Tuấn cho biết, trước đây, các DN vận tải biển luôn phải lưu trữ hàng chục ngàn vận đơn, hợp đồng vận tải, hợp đồng thuê tàu, hợp đồng hoán đổi chỗ để phục vụ công tác thanh tra kiểm tra thuế. Tuy nhiên, sau khi một số DN trong lĩnh vực này kiến nghị, Bộ Tài chính đã sửa đổi quy định và DN chỉ còn phải lưu trữ vận đơn điện tử. Theo tính toán, quy định này giúp DN giảm công sức quản lý từ 208 ngày làm việc xuống dưới 10 ngày làm việc mỗi năm.
Theo dõi thông tin chính sách
Từ những ví dụ trên có thể thấy, việc DN tham gia vào xây dựng chính sách, pháp luật là hoàn toàn có thể và mang lại lợi ích thực tế. Tuy nhiên, chia sẻ của PGS.TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) tại buổi Hội thảo “Vận động chính sách trong bối cảnh mới” vừa được tổ chức tại Hà Nội lại cho thấy một khía cạnh khác. Ông Huệ nói: Trên thế giới, không có quốc gia nào lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự, nhưng Việt Nam đã dành 4 tháng lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật này. Chúng ta muốn lấy ý kiến của nhân dân nhưng lại ít ý kiến góp ý. Chúng tôi chỉ nhận được một số ý kiến của hiệp hội, hoặc nhà chức trách mà không nhận được ý kiến của DN nào. Lý giải vấn đề này, đại diện DN cho rằng, việc theo dõi các chính sách tiêu tốn khá nhiều thời gian của các chủ DN. Theo dõi thông tin đã tốn kém, đến khi tham gia góp ý kiến cũng tiêu tốn công sức của DN, chưa kể đến khả năng “đấu tranh thì tránh đâu”, DN sẽ bị một vài cơ quan Nhà nước “để ý”, gây khó dễ trong những công việc khác.
Tuy nhiên, theo đại diện của VCCI, việc tham gia vận động chính sách đúng cách sẽ hạn chế tối đa thời gian, tiền bạc cũng như các nguy cơ phát sinh từ việc tham gia xây dựng pháp luật. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, theo dõi thông tin về chính sách và pháp luật là bước đầu tiên DN cần phải làm. Kinh nghiệm cho thấy, DN biết đến chính sách mới càng sớm thì càng tận dụng được những cơ hội mà nó mang lại. Nếu DN biết đến chính sách từ giai đoạn soạn thảo thì có thể tham gia ý kiến, tác động thay đổi dự thảo mang lại lợi ích chung cho xã hội. Đặc biệt, theo các chuyên gia, DN còn có thể vận động từ trong giai đoạn ý tưởng chính sách. Một ví dụ thành công về vấn đề này là khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý định sửa đổi Luật DN, cơ quan chủ trì đã tiến hành tham vấn DN và chuyên gia khi chưa có dự thảo. Hoạt động này đã khiến Luật DN được sửa đổi trúng vào những nội dung DN quan tâm với tính cải cách cao như cho DN quyết định số lượng, hình thức con dấu, bổ sung DN xã hội hay quy định cấm sở hữu chéo…
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, sau khi tiếp cận được dự thảo văn bản pháp luật có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, DN sẽ xem xét các văn bản đó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, DN chỉ đọc văn bản với mục đích nắm bắt thông tin để chuẩn bị cho những mục đích kinh doanh trong tương lai. Chỉ một số ít người đọc các quy định này và phát hiện ra những điểm bất cập và tìm cách thay đổi. Do đó, cách tiếp cận văn bản để có những vận động chính sách hợp lý cũng là kỹ năng quan trọng cần rèn luyện của DN, bởi phát hiện, vận động để chỉnh sửa chính sách mới là thượng sách trong kinh doanh, còn thay đổi để thích nghi chính sách mới chỉ là hạ sách.
Hồ Huệ
Hải quan
|