Các nhà máy tham gia thị trường điện chiếm gần 40% tổng công suất
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, tính đến đầu tháng Tám này, có 60 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất 14.952MW, chiếm gần 40% công suất của toàn hệ thống điện.
Vận hành cấp điện cho các phụ tải ở huyện Hoài Đức và Từ Liêm của Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
|
Hiện Trung tâm đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho vận hành và giám sát thị trường phát điện cạnh tranh; trang bị hệ thống ghi sự cố trên hệ thống điện quốc gia; nâng cấp thiết bị đầu cuối trên hệ thống điện Quốc gia.
Cùng với đó, Trung tâm đang đẩy mạnh triển khai các dự án như “Đánh giá phân tích và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường độ ổn định và tin cậy của hệ thống điện Việt Nam,” “Thiết kế đặc tính kỹ thuật và tiêu chuẩn cho cấu hình hệ thống Rơle bảo vệ, thiết bị tự động hóa cho nhà máy điện và trạm biến áp của hệ thống truyền tải điện Việt Nam.”
Trung tâm cũng tập trung nghiên cứu áp dụng dữ liệu thời tiết vào công tác dự báo phụ tải và dự báo lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện được chính xác hơn, nghiên cứu những mô hình thị trường điện trên thế giới để vận dụng phù hợp cho thị trường điện cấp độ tiếp theo tại Việt Nam...
Như vậy, theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, tính đến thời điểm cuối tháng Bảy năm nay, các Trung tâm điều độ đang chỉ huy điều hành 107 nhà máy điện, với tổng công suất lắp đặt lên đến 37.594MW; 750 trạm biến áp 500/220/110kV có tổng dung lượng 99.914MVA, cùng hàng nghìn xuất tuyến đường dây. Tổng sản lượng điện năm năm nay ước đạt 163,1 tỷ kWh, dự kiến tăng 12,1 % so với năm ngoái.
Với quy mô ngày càng được mở rộng, yêu cầu cung cấp điện ngày càng cao, hệ thống điện Việt Nam đã đứng thứ 30 trên thế giới và thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng với trách nhiệm lớn là vận hành hệ thống điện, điều hành thị trường điện tại Việt Nam, ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào, Trung tâm đã lựa chọn những kỹ sư giỏi từ các cơ sở đào tạo hàng đầu trên cả nước và kể cả quốc tế.
Tiếp đó, các kỹ sư được đào tạo chuyên sâu trong vòng hai năm bằng hình thức giao việc cụ thể ở từng phòng, kết hợp với đi đào tạo thực tế tại các nhà máy điện, trạm điện trên cả nước.
Sau khi trải qua các kỳ thi từ cấp phòng chuyên môn đến cấp Tập đoàn, các kỹ sư sẽ được công nhận chức danh và đảm nhận công việc chính thức.
Chính vì vậy, trong 10 năm qua, hệ thống điện Việt Nam tăng trưởng gấp 4 lần, Trung tâm còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ điều hành giao dịch thị trường điện nhưng số lượng cán bộ nhân viên chỉ tăng thêm 25 người (xấp xỉ 20%).
Mai Phương
Vietnam+
|