Giám sát quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: Nỗi lo từ cơ sở
Việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về nguyên tắc sẽ tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp khi thị trường tiêu thụ rộng mở hơn, thậm chí là thị trường trong nước cũng lớn hơn khi một lượng vốn đầu tư nước ngoài đã đổ vào Việt Nam. Nhưng khi Đoàn giám sát Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên của WTO của UBTVQH đến làm việc với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và một số công ty tư nhân, đã nhận được nhiều nỗi lo từ cơ sở.
Doanh nghiệp đã “mệt mỏi”
Làm việc với Đoàn giám sát của UBTVQH, giám đốc một công ty cho biết, dù là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 5 trong cả nước theo bảng xếp hạng VNR 500 do Báo Vietnamnet và Vietnam Report công bố, nhưng đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Bởi công ty phải chịu mức thuế nhập khẩu cao vì tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, song việc này không giúp ngăn chặn được hàng nhập lậu. Hàng nhập lậu với giá bán thấp, có sức cạnh tranh cao hơn đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Hay như, Bộ Tài chính đã quyết định chuyển việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) sang theo quy trình kiểm tra trước, hoàn thuế sau từ giữa năm 2013. Với phương thức hoàn thuế này, doanh nghiệp phải chờ cơ quan thuế xác minh đến tận người bán đầu tiên mới được hoàn thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hiện đều mua qua nhiều khâu trung gian, nên một bộ hồ sơ hoàn thuế có liên quan đến cả chục khâu, nếu một khâu gặp vấn đề gì về hóa đơn hoặc thuế thì tất cả bị dừng lại. Do đó, sau một năm chờ đợi, hiện công ty vẫn chưa nhận lại được 70 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT, trong khi, hằng ngày vẫn phải trả tiền lãi suất vay ngân hàng, tốn chi phí để vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, sự mệt mỏi này không chỉ có ở một vài đơn vị, mà đã xuất hiện ở nhiều nơi. Thể hiện rõ nhất là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn giữa Nguyễn Kim với Tập đoàn của Thái Lan, Vinamilk tăng lượng cổ phần nắm giữ cho đối tác chiến lược nước ngoài, Tập đoàn của Nhật Bản mua lượng cổ phần lớn của hệ thống siêu thị Fivimart, Citimart... Đặc biệt, một số thương hiệu bánh kẹo, nước giải khát và hàng gia dụng lớn (Kinh Đô, Dạ Lan, Hải Hà...) đã được bán cho nước ngoài cũng vì lãnh đạo doanh nghiệp không còn động lực để tiếp tục đầu tư duy trì, phát triển thương hiệu, thậm chí là những thương hiệu gia truyền.
Đa số các địa phương và một số bộ, ngành đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe phản hồi về việc triển khai thực hiện chính sách, thủ tục hành chính... nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tại một số địa phương, nhờ sự tích cực vào cuộc của chính quyền cấp tỉnh, nên doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai sản xuất, kinh doanh, cũng như được bảo vệ quyền lợi, tài sản hợp pháp của mình. Nhưng khi làm việc với Đoàn giám sát của UBTVQH, lãnh đạo của một số doanh nghiệp vẫn khẳng định, chưa có cuộc làm việc nào với cơ quan quản lý nhà nước lại thấy vui và yên tâm như lần này. Bởi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu và các thành viên Đoàn giám sát không chỉ nghe báo cáo, mà đi sâu tìm hiểu những vướng mắc cụ thể trong chính sách, pháp luật liên quan đến ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phản hồi cụ thể về chính sách, pháp luật, cũng như quá trình triển khai ở các cơ quan quản lý của ngành, lĩnh vực, mà không phải lo bị gây khó dễ sau này.
Chính quyền địa phương đã thấy
UBND TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương thừa nhận, việc gia nhập WTO đã giúp thay đổi bộ mặt của địa phương, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển, song chưa thể yên tâm. Bởi doanh nghiệp trong nước quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu thị trường, nhân lực yếu, nên khả năng kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp. Các điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… của nhiều Hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết hay đang đàm phán chưa được doanh nghiệp trong nước quan tâm đúng mức. Trong khi đó, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của quá trình hội nhập kinh tế thế giới của nước ta trong thời gian qua, cũng như trong quá trình hội nhập sâu hơn sắp tới. Vì vậy, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang bày tỏ lo lắng khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước đang thấp hơn doanh nghiệp FDI, thậm chí thấp hơn so với doanh nghiệp ở trong khu vực.
UBND các tỉnh, thành phố này cũng nhận định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế là vì ngay sau khi nước ta gia nhập WTO, kinh tế thế giới bị suy thoái kéo dài cho đến hôm nay, trong khi lãi suất vay vốn cao, chi phí sản xuất cao (đất đai, điện lực, thực hiện thủ tục hành chính...). Do đó, phần nhiều doanh nghiệp chỉ bận lo những vấn đề trước mắt, không thể quan tâm đến kế hoạch trung và dài hạn. Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân còn thấp có nhiều nguyên nhân. Trong đó, dù đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính, nhưng trong chỉ đạo, điều hành vẫn nặng nề, nên doanh nghiệp phải chịu chi phí vốn, chi phí gia nhập và chi phí đất khá lớn.
TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương là hai địa phương luôn có năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các nỗ lực cải cách hành chính, thủ tục hành chính của những địa phương này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới của nước ta trong thời gian tới sẽ có những đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn gia nhập WTO, vì thế cần gắn cải cách hành chính công với quá trình này. Và trước mắt, cơ quan chức năng phải nhanh chóng thực hiện những cam kết của mình, có sự cầu thị khi tiếp nhận phản hồi về chính sách, pháp luật để doanh nghiệp không còn phải ngần ngại khi đưa ra.
Hải Thanh
Đại biểu nhân dân
|