Thứ Năm, 13/08/2015 13:07

FTA EU-Việt Nam: Lo ngại về hàng dệt may giá rẻ từ Trung Quốc

Bình luận về việc Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), tờ Thời báo Tài chính (Anh) cho rằng các mặt hàng dệt may vẫn có thể gây khó khăn ít nhiều cho tiến trình thực hiện.

Các nhà đàm phán EU lo ngại Trung Quốc sẽ "tranh thủ" hiệp định này để đưa hàng dệt may giá rẻ tràn ngập thị trường châu Âu thông qua "cửa ngõ" Việt Nam.

Đầu tháng Tám vừa qua, EU đã kết thúc cơ bản đàm phán thỏa thuận mậu dịch quan trọng với phía Việt Nam, mở ra thêm nhiều cơ hội cho các công ty châu Âu tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, và một thị trường tiêu dùng với hơn 90 triệu dân.

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng trong vòng 5 năm tới, nhờ xuất khẩu mạnh, dân số trẻ và công nghệ phát triển nhanh.

Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 28 tỷ euro. Hiện EU đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Năm 2014, các nước EU nhập khẩu khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 22 tỷ euro từ thị trường Việt Nam.

FTA giữa EU và Việt Nam (EVFTA) cần phải được Nghị viện châu Âu thông qua. Khi đó, nó sẽ giúp dỡ bỏ 99% hàng rào thuế quan trong khoảng thời gian 10 năm.

Theo Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström, hơn 31 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, việc mở ra hướng tiếp cận dễ dàng hơn vào thị trường phát triển nhanh như Việt Nam, là một tin tốt đối với EU.

Nhiều công ty dệt may, giày dép và đồ thể thao của châu Âu lên tiếng hoan nghênh EVFTA, vì nó sẽ giúp cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa được sản xuất tại các nhà máy của họ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, dệt may vẫn có thể gây ra khó khăn, xuất phát từ những quan ngại rằng Trung Quốc sẽ "tranh thủ" thị trường Việt Nam như một kênh để đưa hàng hóa xâm nhập châu Âu.

Vì thế, các nhà đàm phán thương mại EU cho biết họ đã đưa ra những quy định chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để bảo đảm rằng nguyên liệu thô từ Trung Quốc phải được sản xuất bằng nguồn nhân lực tại Việt Nam trước khi tái xuất khẩu sang châu Âu.

Giới chức EU cho rằng EVFTA sẽ giúp các công ty châu Âu có thể tham gia đấu thầu những dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam như xây dựng đường, cảng..., đồng thời mở cửa lĩnh vực dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Giám sát quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: Nỗi lo từ cơ sở (13/08/2015)

>   Pakistan là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam (13/08/2015)

>   Đìu hiu bảo tàng: Kỳ vọng gì ở bảo tàng 11.000 tỉ đồng? (12/08/2015)

>   Thu hồi phù hiệu, đình chỉ hơn 2.000 xe qua thiết bị hộp đen (12/08/2015)

>   Đà Nẵng làm nhà ga hàng không 3.200 tỷ đón APEC (12/08/2015)

>   Becamex IDC sẽ phát triển KCN, đô thị lớn ở Bình Định (12/08/2015)

>   Có bao nhiêu du khách đi máy bay đến Phú Quốc? (12/08/2015)

>   Các dự án ODA đường sắt vẫn dẫn đầu về chậm tiến độ (12/08/2015)

>   Báo hiệu “cái chết” của ngành ô tô?: Cần chính sách hợp lý (12/08/2015)

>   TQ phá giá đồng nhân dân tệ: Xuất khẩu hàng Việt thêm khó (12/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật