Quảng Ninh: Lộ lỗ hổng môi trường trong khai thác than
Từ 5.700 ha mỏ than lộ thiên đang khai thác ở Quảng Ninh, các chuyên gia lo ngại thiên tai sẽ còn xảy ra.
* Lũ bùn ở Quảng Ninh: TKV là “nạn nhân” hay “thủ phạm”?
* Quản lý khai thác khoáng sản: Nhiều vấn đề “nóng”
Hoạt động khai thác than tại Quảng Ninh đang xung đột với các mục tiêu phát triển như rừng đầu nguồn, nuôi trồng thuỷ sản...
|
Từ thực tế 5.700 ha các mỏ than lộ thiên đang khai thác ở Quảng Ninh, các nhà khoa học lo ngại, nếu các yêu cầu về phát triển bền vững không được chú trọng, thiên tai sẽ còn xảy ra, tác động tiêu cực tới hệ sinh thái, môi trường và đời sống của người dân.
Hệ quả nhãn tiền
Kết quả thanh tra gần nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại một số doanh nghiệp ngành than, như công ty TNHH MTV than Quang Hanh, CTCP than Hà Tu, CTCP than Núi Béo… cho thấy, các doanh nghiệp này đều có chung vi phạm, như: chưa thông báo kế hoạch khai thác cho cơ quan chức năng của Nhà nước; khai thác không có thiết kế mỏ; khai thác ngoài ranh giới khu vực đã được cấp phép; chưa hoàn trả vốn Nhà nước đã đầu tư cho công tác thăm dò than trong diện tích khu vực được khai thác; khai thác vượt công suất… Trong đó, khai thác vượt công suất “khủng” nhất là than Núi Béo, với mức vượt trong các năm 2009, 2010, 2011 lần lượt là hơn 802 nghìn tấn; 406 nghìn tấn và 360 nghìn tấn.
|
Dọc con đường vào tổ 11, khu 4, phường Hà Tu, TP Hạ Long, hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang đến “lạnh gáy” khi những vật dụng gia đình như bàn ghế, giường chiếu, quần áo vẫn nằm yên dưới lớp bùn đất.
Đập vào mắt chúng tôi là cảnh bức tường dài lún, móng nghiêng hẳn ra đường được chủ nhà chống chéo bằng những thanh gỗ khô. Nhìn căn nhà chực chờ sập, không ai dám tới gần. Kế đó, hàng loạt nhà dân cửa đóng then cài im ắng, bên ngoài treo biển “nguy hiểm - cấm vào”. Nhiều nhà cắm luôn biển “bán nhà gấp”…
Một người dân tiết lộ, sự đổ nát của cả tổ dân phố không chỉ do mưa lũ gây ra mà phần nhiều là do trước đó Công ty CP than Núi Béo sử dụng mìn phá núi khai thác than trong thời gian dài khiến hàng chục ngôi nhà bị nghiêng đổ, tường nhà bị nứt toác và xuống cấp trầm trọng.
Bơ phờ trước đống đổ nát, bà Nguyễn Thị Nga (tổ 11, khu 4, phường Hà Tu) không còn tâm trí để trả lời câu hỏi của tôi. Ngồi kế bên, bà Hoàng Thị Sáu bức xúc: “Nhà tôi nằm ở vị trí cao nên không thiệt hại nhiều do mưa lũ. Nhưng căn nhà hai tầng kiên cố của gia đình dần bị kéo xuống hố sâu vì cơn dư chấn từ việc nổ mìn, khai vỉa của công ty than Núi Béo ngay sau nhà. Toàn bộ ngôi nhà giờ nghiêng mấy chục độ, đi trong nhà mà cứ phải bám víu, nhiều người còn bị nôn mửa vì độ dốc. Tường nhà thì bị nứt toang hoác, phần thì đổ sụp hẳn xuống đất, méo mó, ọp ẹp”.
Dẫn chúng tôi về nhà thị sát, anh Nguyễn Mạnh Hùng đưa tay vạch những mảnh bìa tạm bợ để lộ ra mảng tường trống không đã bị dư chấn mìn nổ của khai trường than Núi Béo kéo sụp xuống bờ suối, anh Hùng kể: “Trước đây, khi hai vợ chồng cùng mấy đứa cháu nhỏ đang lúi húi nấu ăn thì nghe rầm một cái, gạch rơi dồn đống, bụi trắng ngập ngụa cả khu bếp. Đàn cháu nhỏ hét thất thanh. May quá anh ạ, nếu nó đổ ụp vào trong thì mấy ông bà cháu đã nằm dưới đống gạch vụn rồi. Giờ thêm phần bùn đất tràn vào nhà nữa khiến ngôi nhà bị phá tan tành, có sửa cũng không thiết ở nữa vì nguy hiểm”.
Chưa hết lạnh người với cảnh đổ nát tại nhà anh Hùng, bà Sáu kéo tôi sang thăm nhà hàng xóm đã “tháo chạy” vì nhà tan cửa nát. Căn phòng rộng chừng 20 m² như chưa từng có người ở. Mái lợp phibrô xi măng bung bét, cánh cửa trơ khung sắt, méo mó vì đất lún. Với tay đẩy cánh cửa sổ chúng tôi bỗng nghe rầm một tiếng, bà Sáu nhảy vội ra xa, ai nấy đều thất thần.
Tại tổ dân số 12, khu 4, phường Hà Tu cũng nằm trong hoang cảnh tương tự, nhiều nhà dân sập trơ móng sắt. Bên lề đường, chiếc bể nước xi măng vỡ nham nhở là “sản phẩm” sau vụ sụt lún. Kế đó, đứng dưới con đường mới được san phẳng, ngước mắt nhìn lên trên là căn nhà cấp bốn rộng chừng 40 m2 nằm vắt vẻo chênh vênh như chòi canh đê…
Thiếu đánh giá tác động môi trường khai thác than
TS. Đào Trọng Hưng, Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam không ngạc nhiên với tình cảnh nhiều nhà dân bị nứt, sụt lún do nổ mìn trong quá trình khai thác than. “Nhiều người dân giờ muốn di dời đến nơi an toàn cũng khó có điều kiện mua nhà mới, ngoài ra họ cố bám víu vì còn gắn với việc mót than ngày ngày”, ông Hưng nói. Trong khi đó, ông Hưng cho biết: “không tìm ra được đánh giá tác động môi trường trong chiến lược của ngành than và đó là lỗ hổng nghiêm trọng”. Ông Hưng nhận xét, trách nhiệm chủ thể khai thác đối với tác động môi trường cũng chưa được thể chế hóa, dù đã từng xảy ra tai nạn chết người, sập nhà… Ngay cả những thống kê thiệt hại ở Quảng Ninh vừa qua, mới chỉ là về người, tài sản chứ về môi trường lâu dài vẫn chưa tính hết được.
“Thực tế tại Quảng Ninh cho thấy, hoạt động khai thác than gây xung đột rất lớn cho các mục tiêu phát triển khác như rừng đầu nguồn, nuôi trồng thủy sản, đô thị, hạ tầng giao thông, du lịch cũng như đời sống của người dân. Những mặt tiêu cực này tác động trực tiếp, lâu dài, khó có thể hồi phục lại được và đây chính là sự đánh đổi giữa mục tiêu phát triển và mục tiêu môi trường”, Th.S Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam nhận định.
Cũng theo ông Bái, chưa kể để giảm chi phí vận chuyển, nhiều công trình sử dụng than như nhà máy điện, xi măng, thậm chí tới đây là nhà máy hóa chất được xây dựng trong khu vực này. Bên cạnh sự ô nhiễm trong hoạt động khai thác than, các nhà máy nói trên cũng sẽ tạo ra một lượng lớn bụi, các hợp chất hữu cơ nằm trong than thải ra môi trường cũng như một số khí SO2, CO2, NOX… - là những chất dễ tạo ra mưa axit… “Đây là những hiểm họa lâu dài cho sự phát triển của khu vực”, ông Bái kết luận.
Hữu Tuấn - Thảo Nguyên
báo giao thông
|