Thứ Năm, 27/08/2015 08:23

Sờ gáy đại gia buôn ôtô trốn thuế, chuyển giá

Tổng cục Thuế có công văn gửi các Cục thuế địa phương yêu cầu kiểm tra, rà soát DN nhập khẩu, phân phối ô tô, xem có hành vi trốn thuế, chuyển giá hay không.

Đủ chiêu trò trốn thuế

Qua kiểm tra Công ty Euro Auto, nhà nhập khẩu và phân phối chính hãng xe sang BMW tại Việt Nam, Cục Thuế TP.HCM mới đây đã xử lý truy thu, phạt gần 6,6 tỷ đồng. Lý do được cơ quan thuế đưa ra là DN này đã điều chỉnh giá bán thấp hơn, so với giá giao dịch thông thường.

Đấy là cơ quan thuế mới chỉ kiểm tra sổ sách kế toán của Euro Auto năm 2013.

Trước đó, trong giới nhập xe đã xôn xao chuyện công ty này bị truy thu 83 tỷ đồng vào năm 2012, do những sai phạm trong giai đoạn sau thông quan từ ngày 1/1/2010 đến 29/6/2012. Lý do, DN này đã “quên” không khai báo nhiều khoản chi phí mà đáng ra, doanh nghiệp phải cộng vào để tính thuế.

Trước những sai phạm của Euro Auto, Tổng cục Thuế vừa yêu cầu Cục Thuế TP.HCM tiếp tục rà soát, kiểm tra niên độ năm 2014 và trước năm 2013 đối với công ty này.

Không những thế, các DN nhập khẩu ô tô khác cũng sẽ bị đưa vào "tầm ngắm" kiểm tra về hành vi trốn thuế, chuyển giá.

Theo một đại gia từng nhập khẩu ô tô, nay đã giải nghệ, thì hiện tượng trốn thuế, chuyển giá diễn ra ở hầu hết các DN nhập khẩu ô tô. Cách thức phổ biến nhất là làm giảm giá trị xe, từ đó giảm giá tính thuế.

Các mẫu xe nhập khẩu sẽ bị loại bỏ khá nhiều những trang thiết bị đắt tiền, chẳng hạn nhiều mẫu xe sang chỉ có nội thất đen (không có các tấm ốp vân gỗ), vành đúc, lốp chất lượng thấp,... các thiết bị như cân bằng điện tử, đo áp suất lốp, hệ thống trung hòa khí xả (nhằm đảm bảo cho khí xả đạt tiêu chuẩn EURO 4 trở lên),... cũng bị loại bỏ.

Sau khi về Việt Nam, làm thủ tục xong, xe nhập khẩu sẽ được lắp đầy đủ trang thiết bị đúng như thiết kế của nhà sản xuất. Các trang thiết bị này thường được nhập khẩu riêng và có thuế suất thấp.

Với cách làm này, giá tính thuế xe nhập khẩu giảm có thể tới trên 15%, qua đó các khoản thuế, phí phải nộp cũng giảm. Sau khi hoàn thiện đầy đủ trang thiết bị, giá lại được đẩy lên.

Cách làm thứ hai là trốn thuế qua khâu trung gian. Hiện nay, theo quy định của Chính phủ Việt Nam, để trở thành nhà phân phối xe nhập khẩu phải có giấy ủy quyền của chính hãng. Tuy nhiên, trên thế giới, nhiều hãng sản xuất ô tô lại phân chia việc phân phối theo khu vực cho một số công ty. Chẳng hạn như một công ty phân phối ô tô nhập khẩu từ CHLB Đức, có văn phòng tại Thái Lan, có thể phụ trách việc phân phối xe cho cả khu vực Đông Nam Á.

Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế thường được các DN thực hiện khi nhập khẩu ô tô, linh kiện từ các quốc gia có thuế suất thấp hơn Việt Nam

Công ty này có thể thành lập công ty con, hoặc chỉ định một công ty tại Việt Nam làm nhà phân phối độc quyền. Như vậy, việc xin giấy ủy quyền từ chính hãng không khó. Tuy nhiên, khi giao dịch, công ty tại Thái Lan có thể viết hóa đơn bán ô tô cho công ty tại Việt Nam, với giá khác giá mua từ chính hãng.

Chẳng hạn, công ty phân phối xe tại Thái Lan mua xe từ nhà sản xuất chính hãng với giá 20.000 USD/xe, nhưng khi bán cho công ty con tại Việt Nam, có thể ghi giá thấp xuống còn 15.000 USD/xe và giá này sẽ được coi là giá tính thuế xe nhập. Với cách làm như trên, chi phí thuế sẽ giảm theo.

Cần kiểm tra giá khi khai hải quan

Theo tính toán, một chiếc xe sang có dung tích xi lanh 3.0L, chỉ cần giảm giá tính thuế nhập khẩu 5.000 USD thì sẽ trốn được khoảng 10.000 USD thuế các loại.

Đó là những cách trốn thuế quen thuộc, dễ dàng mà các DN nhập khẩu ô tô thường thực hiện. Những cách làm này không có gì mới và đã được đề cập đến nhiều trong lĩnh vực kinh doanh ô tô thời gian qua, nhưng hầu như không có trường hợp nào bị phát hiện.

Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thời gian qua đã từng đề xuất các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Theo đề xuất này thì cần kiểm tra giá ôtô nhập khẩu khai hải quan. Mục đích chính là tránh hiện tượng các nhà nhập khẩu khai giá xe thấp để trốn thuế và gian lận.

Tuy nhiên, không chỉ các DN nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, mà tại các DN FDI cũng có tình trạng tương tự. Kết quả điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) năm 2014 cho thấy, tại Việt Nam, ngành ôtô và linh kiện có tỷ lệ chuyển giá cao lên đến 51%, xếp thứ 3, sau tài chính bảo hiểm và dệt may.

Do tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam còn thấp, nên các linh kiện chủ yếu phải nhập khẩu từ các công ty đa quốc gia và thường được định giá do công ty mẹ. Việc định giá cao bộ linh kiện nhập khẩu sẽ khiến cho chi phí đội lên, làm giá thành tăng, giảm lợi nhuận, qua đó các DN ô tô giảm được thuế thu nhập DN.

Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế thường được các DN thực hiện khi nhập khẩu ô tô, linh kiện từ các quốc gia có thuế suất thấp hơn Việt Nam, báo cáo do VCCI và USAID nhận xét.

Trà Phương

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Vinpa kiến nghị giảm thuế nhập khẩu dầu (26/08/2015)

>   Ít nhất 21 hàng hóa “miễn nhiễm” hiện trạng kinh tế Trung Quốc (26/08/2015)

>   Tám tháng, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp giải ngân 8,5 tỷ USD (26/08/2015)

>   Việt Nam-Israel phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên 2 tỷ USD (26/08/2015)

>   Xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng giảm gần 5% so với cùng kỳ (26/08/2015)

>   Hiệu quả từ việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (26/08/2015)

>   DN FDI ngập ngừng đánh tiếng: Việt Nam đầy lợi thế (26/08/2015)

>   DN dệt may, da giày Thái muốn vào thị trường VN (26/08/2015)

>   Hơn 50 năm nữa mới bắt kịp Thái Lan về năng suất lao động (26/08/2015)

>   Việt Nam rộng cửa mở đường bay quốc tế mới (26/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật