Tám tháng, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp giải ngân 8,5 tỷ USD
Trong tám tháng qua, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam đăng ký đạt 13,33 tỷ USD, vốn giải ngân cũng có tín hiệu khởi sắc với 8,5 tỷ USD, tăng tương ứng 30,4% và 7,6% với cùng kỳ năm trước.
* Tăng lượng dự án, vốn FDI vẫn giảm
* DN FDI ngập ngừng đánh tiếng: Việt Nam đầy lợi thế
Theo Báo cáo từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là “điểm sáng” trong hoạt động xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu đạt 74,6 tỷ USD trong tám tháng (kể cả dầu thô), tăng 14,7% so với tám tháng của năm trước đó đồng thời chiếm tới 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Về nhập khẩu, kim ngạch tám tháng của khối đầu tư nước ngoài đạt 65,22 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 59,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, tính chung trong tám tháng của năm, khu vực FDI xuất siêu 9,38 tỷ USD.
Trong tổng số 1.608 dự án xin cấp phép mới và tăng vốn, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với 924 dự án đầu tư có số vốn là 10,35 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đáng chú ý, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục hấp dẫn dòng vốn ngoại và đứng thứ hai với 25 dự án, đạt số vốn 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn-bán lẻ, sửa chữa với 183 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 311 triệu USD.
Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong hoạt động đầu tư vào Việt Nam, vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư. Vương quốc Anh đứng vị trí thứ hai với số vốn là 1,25 tỷ USD chiếm 9,39% tổng vốn đầu tư.
Các tỉnh Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai là ba địa phương có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài mạnh nhất, với 6,88 tỷ USD, chiếm hơn 51% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 8 tháng qua
- Dự án Công ty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD, tại Khu công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình.
- Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD do Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH bất động sản Trần Thái Liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd -Vương quốc Anh, tại Thành phố Hồ Chí Minh và đầu tư vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản.
- Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ, tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.
- Dự án Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư Quần đảo-Vương quốc Anh, tại Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.
Hạnh Nguyễn
vietnam+
|