Góc nhìn 22/07: Khó khăn trong ngắn hạn
Thị trường nhiều khả năng điều chỉnh khi dòng tiền thu hẹp dần. Lực cầu giá thấp chủ động đẩy vào khi thị trường bị bán mạnh song điều đó có lẽ vẫn chưa đủ để giúp các chỉ số sớm hồi phục trong ngắn hạn.
Sẽ có nhịp phục hồi kỹ thuật
CTCK Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường sụt giảm dần về cuối phiên trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bảo hiểm giảm sàn và thanh khoản thị trường yếu. Khối ngoại tăng mạnh giá trị mua ròng trên HOSE, song bất ngờ bán ròng trên HNX. Khá nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán bị khối ngoại bán trong phiên hôm nay.
Thị trường có thể có nhịp phục hồi kỹ thuật vào phiên tới nhờ lực cầu lớn ở mức giá thấp và kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 2. Độ rộng thị trường cân bằng hơn cũng là 1 yếu tố hỗ trợ cho phiên tới.
Nhà đầu tư mạo hiểm có thể mở dần vị thế mua với các cổ phiếu hứa hẹn có kết quả tích cực trong quý 2. Tuy nhiên cũng cần thận trọng bán ra khi có tín hiệu không tốt. Nhà đầu tư thận trọng nên đứng ngoài thị trường.
Trạng thái điều chỉnh sẽ diễn ra sâu hơn
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Áp lực điều chỉnh tiếp tục diễn ra trên diện rộng đi kèm thanh khoản suy yếu khá mạnh trên cả hai sàn do kỳ vọng ngắn hạn đang giảm khiến lực cầu yếu đi rõ rệt và áp lực thoát hàng bảo toàn vốn của người cầm cổ đang mạnh dần lên. Xu hướng giao dịch này thể hiện rõ nhất tại nhóm các cổ phiếu bảo hiểm khi lực bán tháo hàng loạt nhằm thoát vị thế diễn ra mạnh mẽ đẩy các mã này đồng loạt giảm sàn sau khi tăng vài chục phần trăm chỉ trong vài tuần trước đó.
Quy mô nguồn tiền đang giảm đi kèm cùng các phiên điều chỉnh liên tiếp phá vỡ các mốc hỗ trợ ngắn hạn đem lại rủi ro về trạng thái điều chỉnh sẽ diễn ra sâu hơn do dòng tiền chưa nhìn thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tại các vùng tích lũy trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư nên tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn. Hành động bắt đáy tại thời điểm hiện tại chưa được khuyến khích do xu thế giảm ngắn hạn đang dần hình thành sau khi các mốc hỗ trợ ngắn hạn của hai chỉ số bị phá vỡ.
Đã hội tụ khá nhiều điểm tích cực để tăng trở lại
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Nhóm cổ phiếu lớn cũng đã phân hóa và rõ ràng tác động của nhóm có phần ít hơn đến thị trường. Giao dịch có dấu hiệu chậm lại và thanh khoản tiếp tục giảm xuống như kỳ vọng cũng đã diễn ra. Điểm đáng quan tâm hơn so với phiên trước chính là cầu mua giá thấp chủ động đẩy vào khi thị trường bị bán mạnh đẩy chỉ số VN-Index xuống 613.8 điểm (gần chạm 610 điểm). Điều đó cho thấy, dòng tiền vẫn tích cực và tiếp tục chờ đợi cơ hội khi thị trường điều chỉnh.
Những tín hiệu tích cực này báo hiệu khả năng tăng trở lại sẽ sớm diễn ra. Tuy nhiên, khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn còn điều chỉnh thì rõ ràng tác động là vẫn còn lớn. IVS cho rằng thị trường cũng đã hội tụ khá nhiều điểm tích cực để tăng trở lại nhưng điều đó sẽ xảy ra khi VN-Index tiếp cận gần hơn tới mốc 610 điểm. Sớm nhất có thể thị trường sẽ tăng lại một cách tích cực trong 1-2 phiên tới và điều đó sẽ phá vỡ xu thế điều chỉnh vừa qua. Ngược lại nếu thị trường tiếp tục sụt giảm liên tục cả về khối lượng và giá trị thì có lẽ chúng ta cần tính toán cho một kế hoạch khác.
Lực cầu bắt đáy có thể lại xuất hiện
CTCK SaigonBank Berjaya (SBBS): Trong phiên 21/7, VN-Index đã thử thách mốc hỗ trợ 613 điểm – tương đương đường MA20 và lực cầu bắt đáy đã giúp VN-Index trụ vững ở trên mốc này. Tuy nhiên, VN-Index vẫn đóng cửa giảm 3.93 điểm xuống 616.61 điểm; và SBBS cho rằng lực mua ở quanh khu vực 613 điểm không mạnh. Thêm vào đó, khối lượng trên HOSE tiếp tục sụt giảm xuống 95.96 triệu đơn vị - thấp nhất kể từ đầu tháng 7; tín hiệu này chứng tỏ dòng tiền có xu hướng thu hẹp lại.
MACD vẫn cho tín hiệu bi quan khi tiếp tục dịch chuyển ở dưới đường trung bình của nó và giảm xuống mức 11.02. RSI cho thấy áp lực bán vẫn chiếm ưu thế trong ngắn hạn. Trong khi đó, Stochastic Oscillator đã bắt đầu đi vào vùng quá bán; tín hiệu này cảnh báo rằng lực cầu bắt đáy có thể lại xuất hiện trong phiên tới và VN-Index sẽ giằng co quanh khu vực 613 điểm. Nhưng theo các tín hiệu kỹ thuật VN-Index sẽ khó giữ được mốc này.
Xu hướng trong ngắn hạn vẫn cần được thử thách
CTCK VNDirect (VND): Như nhận định lúc trước, VND tiến hành giải ngân khi chỉ số dao động trong vùng 612-620. Một số mã tăng mạnh thời gian trước như VCB, HCM, BVH, BMI, ACB đã chịu áp lực cung tương đối lớn trong phiên 21/7 gây ra sự hoài nghi về việc phá vỡ xu thế tăng ngắn hạn đối với nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, xu hướng trong ngắn hạn vẫn cần được thử thách trong 1-2 phiên tới.
Gia Nguyên tổng hợp
|