Góc nhìn 16/07: Bước vào trạng thái điều chỉnh?
Cả hai chỉ số đã suy giảm sau chuỗi tăng điểm mạnh nhưng thanh khoản vẫn giữ vững. Dưới biến động này, đa số các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn.
Bắt đầu trải qua trạng thái giằng co mạnh
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường suy yếu rõ rệt khiến VN-Index tiếp tục chinh phục không thành công vùng đỉnh được thiết lập từ tháng 9 năm ngoái. Áp lực chốt lời tại nhóm các mã trụ dẫn dắt đã tăng nóng thời gian qua nhanh chóng tạo hiệu ứng khiến đà điều chỉnh diễn ra trên diện rộng. Độ rộng thị trường cũng vì vậy bị thu hẹp khá mạnh đi kèm thanh khoản tiếp tục có xu hướng suy giảm do trạng thái thận trong dâng cao. Diễn biến tâm lý này khá dễ hiểu khi chỉ số áp sát đỉnh cũ nhưng lượng tiền không còn duy trì lực vào mạnh khiến lượng hàng thoát ra nhanh chóng tại vùng giá thấp để bảo toàn lợi nhuận. Sự phân hóa của dòng tiền cũng diễn ra khá mạnh. Dòng tiền không còn luân chuyển theo nhóm ngành mà chuyển hướng sang một số mã vừa và nhỏ mang tính cá biệt.
Thị trường đang bắt đầu trải qua trạng thái giằng co mạnh để kiểm định kỳ vọng cũng như sức mạnh của dòng tiền khi VN-Index tiệm cận đỉnh 5 năm sau thời quãng thời gian dài tăng điểm. Quan điểm thận trọng tiếp tục nên duy trì trong thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư nên tiếp tục chốt lãi từng phần đối với các mã đã tăng nóng, nhưng không nên bán bằng mọi giá nếu trạng thái dòng tiền chưa có dấu hiệu suy yếu mạnh.
Xu thế chính vẫn đang tăng
CTCK Sacombank (SBS): VN-Index đóng cửa tại 630 điểm và dù đã điều chỉnh khá sâu trong phiên 15/07 thì xu thế chính vẫn đang tăng với các mức đáy hỗ trợ đang dần tịnh tiến lên phía trên. Các nhóm cổ phiếu từ Mid Cap đến Bluechip theo SBS nhận thấy không mất giá nhiều vì vậy nhà đầu tư có thể tận dụng các các thời điểm giảm trong phiên để tích lũy trở lại và bán ra khi giá tăng vượt giá mua bình quân.
Tiếp tục điều chỉnh
CTCK Đại Dương (OCS): Chỉ số VN-Index điều chỉnh khá mạnh sau khi nỗ lực bứt phá ngưỡng 640 điểm không thành công với lực cầu mua lên rất yếu ớt. Nến hình thành trên đồ thị là một nến đen dài cho thấy bên bán áp đảo hoàn toàn trong phiên 15/07. Khối lượng giao dịch giảm về mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán vẫn ở mức vừa phải chưa tạo ra sự đột biến. Chỉ báo MFI(7) giảm sau 2 phiên đi ngang tiếp tục phát tín hiệu dòng tiền suy yếu. Chỉ báo giao động ngắn hạn stochastic giao cắt hướng xuống cho thấy khả năng chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh .
OCS tiếp tục lo ngại trước dấu hiệu suy yếu của dòng tiền trong vài phiên gần đây, điều này có thể khiến thị trường cần có thêm thời gian tích lũy để hấp thụ lượng cổ phiếu chốt lời ngắn hạn. Với quan điểm thận trọng, OCS cho rằng nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, với các nhà đầu tư có sử dụng nhiều đòn bẩy cao nên cân nhắc bán giảm tỷ trọng (ưu tiên bán các cổ phiếu đã tăng quá mạnh trong thời gian gần đây) để hạn chế rủi ro danh mục.
Tiếp tục điều chỉnh trong vài phiên tới
CTCK Vietinbank (CTS): Cả hai chỉ số điều chỉnh giảm mạnh khi thiếu cổ phiếu dẫn dắt, bên cạnh đó lực cầu ngoại yếu là nguyên nhân tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường phiên 15/07. Đà tăng có thể sẽ giảm, thị trường sẽ điều chỉnh và tích lũy trong một vài phiên tới.
Theo CTS, xu hướng ngắn hạn là giảm, còn xu hướng dài hạn tiếp tục tăng. Mốc kháng cự với VN-Index là 640 điểm, còn HNX-Index ở vùng 91-91.5 điểm. Vùng hỗ trợ với VN-Index là 600-610 điểm và HNX-Index là 85.5-86 điểm.
CTS khuyến nghị có thể chốt lời khi chỉ số tăng và tiến về vùng kháng cự, mua khi chỉ số điều chỉnh gần về vùng hỗ trợ. Trong dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và được hưởng lợi từ việc mở room khối ngoại cũng như các chính sách sắp được thực thi như cổ phiếu ngành bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản...
Triệu Linh tổng hợp
|