Thứ Bảy, 13/06/2015 15:53

“Xã hội hóa hạ tầng giao thông không đồng nghĩa với tư nhân hóa”

“Hạ tầng giao thông dù làm bằng hình thức nào sau đó đều trả lại cho nhà nước nên không thể gọi là tư nhân hóa”.

* Hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không

* Sẽ huy động nhiều nguồn vốn xã hội hóa vào hạ tầng giao thông

* Tìm giải pháp hút vốn "khủng" cho hạ tầng giao thông

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Xã hội hóa cơ sở hạ tầng giao thông không đồng nghĩa với tư nhân hóa"

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của ĐBQH lo ngại việc xã hội hóa các cơ sở hạ tầng giao thông đồng nghĩa tư nhân hóa.

Xã hội hóa nhưng không buông lỏng quản lý của Nhà nước

Tiếp tục phiên chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, chủ trương xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước về đầu tư cải tạo và nâng cấp các hạ tầng giao thông được dư luận và nhân dân rất đồng tình, chất lượng hạ tầng giao thông phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

“Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại xã hội hóa có phải là tư nhân hóa cơ sở hạ tầng kinh tế của nhà nước hay không? Công trình giao thông khi xã hội hóa có tạo ra được quyền cho doanh nghiệp hay không? Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm, chủ trương và giải pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình xã hội hóa đúng lộ trình, đảm bảo được quyền quản lý của nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của nhân dân” – đại biểu chất vấn.

Trước lo ngại của ĐB và cử tri, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo báo cáo của Bộ GTVT, nhu cầu từ năm 2016 -2021 của ngành giao thông về hạ tầng giao thông lên đến 1.015.000 tỷ đồng, trong đó cân đối được 28%, còn thiếu 72%, bài toán đặt ra là xã hội hóa đầu tư thế nào?.

“Trước kia chúng ta đánh giặc, Đảng kêu gọi toàn dân, bây giờ làm kinh tế, xây dựng văn hóa, quốc phòng, an ninh cũng phải toàn dân. Theo hướng xã hội hóa như vậy tôi nghĩ rằng cần cho sự phát triển” – Phó Thủ tướng nêu quan điểm và khẳng định thêm, xã hội hóa không đồng nghĩa với tư nhân hóa, bởi vì hạ tầng giao thông làm bằng các hình thức như BOT xây dựng kinh doanh chuyển giao, BT xây dựng chuyển giao, PPP hợp tác công tư. Những hình thức này họ kinh doanh một thời gian nhất định, thu phí, hoàn vốn, sau đó trả lại cho nhà nước bằng 0 đồng, không thể gọi là tư nhân hóa.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi chất vấn cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về lo ngại có tạo ra độc quyền hay không, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lý giải, chúng ta xã hội hóa nhưng không buông lỏng vai trò quản lý của nhà nước, cụ thể là chất lượng dịch vụ, giá thu phí, chuyển nhượng phải có ý kiến nhà nước và đặc biệt là quản lý đất đai. Tất cả những ý đó nhà nước phải nắm, nhất là giá cả dịch vụ phục vụ nhân dân.

“Vậy, làm thế nào để tốt nhất, nhà nước phải làm gì? Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải có một khung pháp lý để thực hiện tốt việc xã hội hóa này, làm sao nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư cùng có lợi thì mới cùng phát triển được”.

Xã hội hóa phải đảm bảo chất lượng

ĐB Nguyễn Tiến Sinh tiếp tục đặt câu hỏi về Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang về đích trước thời hạn mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Trong bối cảnh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phân bổ cho các dự án mới đáp ứng khoảng gần 50%, còn lại là Chính phủ thực hiện phương án xã hội hóa.

“Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư vào các dự án này được thực hiện như thế nào? Cơ chế kiểm soát chất lượng công trình, chống thất thoát, lãnh phí, đội giá của các dự án quan trọng này. Bởi suy cho cùng, người phải trả tiền cho các dự án này chính là người dân?” – ĐB nêu quan điểm.

Trả lời ĐB, Phó Thủ tướng khẳng định, trong lúc gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ rất hoan nghênh ngành GTVT và các địa phương, các doanh nghiệp đã xã hội hóa việc này rất cụ thể. Để triển khai dự án này, có 50% trái phiếu Chính phủ, còn lại là xã hội hóa bằng hình thức BOT.

Phó Thủ tướng cho biết, cơ chế để làm con đường này là cơ chế BOT, xây dựng, kinh doanh, chuyển giao. BOT đồng nghĩa là đại diện Nhà nước ký với chủ đầu tư một thời hạn nhất định để làm khu vực đó, trên khoảng cách nhất định nào đó, đảm bảo chất lượng.

“Tuy là xã hội hóa nhưng yêu cầu đảm bảo chất lượng, ví dụ phải bảo hành 4 năm, giải ngân phải có 4 bên như ngân hàng, nhà đầu tư, nhà nước để giám sát lẫn nhau về chất lượng, có kiểm tra chéo về chất lượng. Đặc biệt, chọn nhà đầu tư phải minh bạch, có năng lực” – Phó Thủ tướng giải thích và yêu cầu ngành GTVT và nhân dân địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát việc chất lượng đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để tuyến này đảm bảo nguyện vọng chính đáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vượt tiến độ tốt, hoàn thành năm nay, nhưng đồng thời cũng đảm bảo chất lượng.

Hoài Thu

Giao thông

Các tin tức khác

>   FTA và cơ hội của ngành tôm Việt Nam (13/06/2015)

>   Kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng mạnh (13/06/2015)

>   Nhiều không gian chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (13/06/2015)

>   Biết chấp nhận cuộc chơi (13/06/2015)

>   Cây mắc ca và lời hứa của Bộ trưởng (13/06/2015)

>   Những dự án 'nhúng chàm' của siêu tổng công ty VEC (13/06/2015)

>   Liệu có tiếp cận vốn tốt hơn? (13/06/2015)

>   Đề xuất xây tuyến cao tốc TPHCM-Mộc Bài theo hình thức BOT (13/06/2015)

>   Buôn lậu không thể tới 20 tỉ USD? (13/06/2015)

>   EVFTA: Thách thức lớn với ngành da giày (13/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật