Thứ Bảy, 13/06/2015 14:28

Nhiều không gian chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam sẽ lần lượt cắt giảm thuế quan về 0% ở hầu hết các mặt hàng với hơn 50 nước có quan hệ thương mại hiện nay, đồng thời phải cam kết với các nước về các điều kiện kinh doanh và đầu tư theo thông lệ quốc tế.

Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Chính sách thương mại quốc tế VCCI


Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư khẳng định, không gian chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước vẫn còn rất phong phú để có thể tận dụng.

Thưa ông, vấn đề được rất nhiều DN quan tâm hiện nay là sau khi ký các FTA, cơ quan Nhà nước sẽ duy trì các biện pháp bảo vệ DN trong nước như thế nào?

- Sau khi gia nhập WTO, chúng ta mở cửa tương đối nhanh, dẫn đến kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh, điều này một phần do chúng ta thiếu biện pháp hạn chế nhập khẩu những mặt hàng chưa phù hợp với nhu cầu trong nước. Còn trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các FTA kiểu mới, cuối năm lại gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì yêu cầu hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất rất quan trọng.

FTA mở ra cơ hội cho ngành này nhưng có thể sẽ khép lại cánh cửa phát triển với ngành khác, đây đang là mối lo ngại của một số DN, ví dụ như DN ngành mía đường?

- Tôi cho rằng, đàm phán mở cửa hiểu nôm na là đánh đổi, chúng ta chấp nhận cơ hội cho ngành này phát triển thì sẽ phải đánh đổi cho ngành kia. Tư duy sâu xa hơn là chúng ta không thể phát triển theo mô hình “quả mít”, không thể phát triển dàn trải tất cả các ngành mà chỉ nên tập trung ngành nào có ưu thế có thể thu hút nhà đầu tư chiến lược. Thời gian gần đây, những ngành như điện tử, công nghệ cao, chế biến nông - thủy sản được ưu tiên phát triển đã thể hiện tư duy mạch lạc của Chính phủ trong vấn đề này.

Có thể trong quá trình mở cửa, có ngành, có DN gặp khó khăn, phá sản nhưng nếu đánh đổi lại sẽ có nhiều DN có cơ hội phát triển hơn, chủ động hơn trong các cuộc chơi thì tôi cho đó là sự đánh đổi hợp lý.

Nhưng ngay cả với những ngành chủ lực thì bên cạnh cơ hội cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn do FTA hạn chế quyền bảo hộ, ưu đãi của Việt Nam với các DN trong nước. Ông đánh giá thế nào về không gian chính sách hỗ trợ của chúng ta hiện nay?

- Không gian chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước còn tương đối phong phú, các công cụ mới và không trái với cam kết quốc tế còn nhiều. Quan trọng là khi chúng ta xây dựng các biện pháp bảo hộ, phải đảm bảo minh bạch để DN biết được họ chỉ được hỗ trợ trong bao lâu và không trái cam kết. Chúng ta phải chủ động tìm kiếm các công cụ này và vận hành cho hiệu quả. Chính phủ phải đóng vai trò định hướng cho DN. Mặt khác, để có những chính sách hỗ trợ thiết thực thì trong quá trình đàm phán hội nhập, việc tham vấn DN là rất quan trọng. Để Nhà nước và DN đồng hành thì cần có sự gắn kết giữa các hiệp hội và các cơ quan đàm phán.

“Theo kết quả những FTA đã ký thì không gian chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế của Việt Nam còn nhiều, có những chính sách ta chưa khai tốt như các ưu đãi thuế quan tại thị trường các nước ta đã ký, ngoại trừ FTA ký với ASEAN và Hàn Quốc là chúng ta khai thác tương đối tốt. Nguyên nhân là cơ quan Nhà nước hướng dẫn chưa tốt đôi khi do trình độ, nhưng nhiều khi do DN còn thụ động, có công cụ rồi mà không biết tận dụng”

Có ý kiến cho rằng, dường như Việt Nam đang quá hăng hái tham gia các FTA trong khi nhiều ngành sản xuất trong nước còn non yếu. Theo ông, chúng ta nên ứng xử như thế nào cho phù hợp?

- Hăng hái tham gia hội nhập là tốt nhưng cần lưu ý việc chuẩn bị về thông tin, đánh giá tác động, các biện pháp kỹ thuật để phòng vệ, biện pháp nâng cao năng lực cho DN... Những việc này dường như chúng ta chưa làm thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Hội nhập là một công cụ của phát triển và đây là xu hướng không thể tránh của thế giới, nhưng ta phải làm chủ được cuộc chơi, tận dụng được cơ hội từ hội nhập. Nếu chỉ hiểu hội nhập đơn thuần là mua gì, bán gì với giá rẻ hơn thế nào thì khó có sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam được tiêu dùng tại các thị trường khu vực và thế giới. Mà cần hiểu hội nhập là tạo điều kiện cho trao đổi giữa các nước, để có hàng hóa “made in Việt Nam” ra thế giới thì phải có chính sách để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho DN. Cả DN và cơ quan Nhà nước đều phải có sự chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt.

Xin cảm ơn ông!

“Hội nhập là xu thế chung của thế giới, DN Việt Nam phải tham gia vào quá trình này dù muốn hay không. Tuy nhiên, chúng tôi rất băn khoăn khi năng lực của nhiều DN hiện nay chưa đủ mạnh, dễ bị “đo ván” trên sân nhà. Các nhà đàm phán cần xây dựng lộ trình hội nhập phù hợp để các DN có thêm thời gian chuẩn bị, từng bước thực hiện cam kết từ 50 - 70%, tiến tới thực hiện 100% chứ không nên quá vội vã” .

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng

Giám đốc Xí nghiệp Phụ tùng, Công ty Xích líp Đông Anh

 

“Trước xu thế hội nhập hiện nay, rất nhiều DN bán lẻ trong nước gặp khó khăn về mặt bằng bán lẻ, giá thuê mặt bằng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quá cao, chiếm đến 20 - 25% tổng doanh thu thì rất khó cạnh tranh với DN ngoại”.

 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam


Trang Anh thực hiện

KINH TẾ ĐÔ THỊ

Các tin tức khác

>   Biết chấp nhận cuộc chơi (13/06/2015)

>   Cây mắc ca và lời hứa của Bộ trưởng (13/06/2015)

>   Những dự án 'nhúng chàm' của siêu tổng công ty VEC (13/06/2015)

>   Liệu có tiếp cận vốn tốt hơn? (13/06/2015)

>   Đề xuất xây tuyến cao tốc TPHCM-Mộc Bài theo hình thức BOT (13/06/2015)

>   Buôn lậu không thể tới 20 tỉ USD? (13/06/2015)

>   EVFTA: Thách thức lớn với ngành da giày (13/06/2015)

>   Thị trường thức ăn nhanh… xì hơi  (13/06/2015)

>   Cay đắng dự án thép tỷ đô: Phá sản là may (13/06/2015)

>   Đồng Nai thu hút gần 4 tỷ USD vốn FDI từ doanh nghiệp Nhật Bản (13/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật