EVFTA: Thách thức lớn với ngành da giày
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ trong ngành da giày. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra đối với các DN trong quá trình hội nhập.
* Hóa giải thách thức nguyên phụ liệu da giày
* Tiếp tục lộ trình thuế quan FTA 2015-2018: Cơ hội và thách thức
* “Hóa giải” thách thức từ các FTA
Công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày được thúc đẩy khi EVFTA có hiệu lực
|
Cơ hội lắm…
Bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam- cho biết: Ngành da giày hiện đang đứng thứ 5 trong các ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đóng góp gần 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với năng lực 1.600 dây chuyền sản xuất 800 triệu đôi giày, dép các loại, 120 triệu túi, cặp…, ngành da giày đã thu hút được hơn 1 triệu lao động.
Thị trường xuất khẩu chính của da giày Việt Nam là EU với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2013. Tiếp theo là Mỹ với 3,3 tỷ USD, Nhật Bản 533 triệu USD... Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, đứng thứ 3 về số lượng, chỉ sau Trung Quốc và Italia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất đối với giày dép Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU.
EVFTA được ký kết cũng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện các DN da giày chủ yếu vẫn nhập nguyên phụ liệu đầu vào. Với EVFTA và các FTA khác, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để hưởng ưu đãi theo xuất xứ, nhờ đó Việt Nam có thể cải thiện được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
… Thách thức nhiều
Tỷ lệ gia công cao (70%) khiến lợi nhuận ngành da giày thấp và hạn chế sự năng động của DN. Trong khi đó, công tác tiếp thị, thiết kế mẫu mã, phát triển thị trường sản phẩm còn yếu kém. Các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía EU, cùng với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, tuân thủ các thủ tục để được hưởng lợi thế FTA cũng làm tăng chi phí cho DN.
Tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm xuất khẩu chỉ đạt 40%, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển nên nguyên phụ liệu (da thuộc, vải làm giày, đế giày...) phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài trên 60%, chủ yếu từ Trung Quốc, đã làm hạn chế sự phát triển của ngành da giày.
Các DN phản ánh, hiện DN trong nước được hưởng lợi ít hơn so với DN FDI khiến khả năng phát triển của các DN da giày trong nước bị hạn chế. Với sản lượng xuất khẩu chiếm đến 75%, các DN FDI sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi có EVFTA, do đã đầu tư cả nhà máy sản xuất thành phẩm và nguyên phụ liệu. Trong 20% DN lớn của ngành da giày hiện nay, chỉ có tên vài DN Việt Nam.
Nhiều DN trong ngành da giày kiến nghị: Hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ cho DN không còn phù hợp với quy định của EVFTA. Việc hỗ trợ chỉ có thể thông qua đào tạo nguồn nhân lực và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ưu đãi về thuế, giá thuê đất, lãi suất vay ngân hàng…
|
Thúy Ngọc
công thương
|