Thứ Sáu, 12/06/2015 14:34

"Có khả năng Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ"

"Có khả năng chúng ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Điều này chúng tôi thấy hoàn toàn có khả năng".

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã khẳng định điều này khi trả lời câu hỏi của đại biểu trong phiên chất vấn sáng 12/6.

Theo đó, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa chúng ta đã quy hoạch và thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ cũ đã qua sử dụng, chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.

"Theo dự báo, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghiệp, việc quản lý và xử lý sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Liên quan đến vấn đề này Bộ khoa học và công nghệ chưa xây dựng hàng rào kỹ thuật, hoặc có những không khả thi, cụ thể như Thông tư 20, ngày 15/7/2014.

Trong chiến lược đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp, việc nghiên cứu đầu tư, chế tạo máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của Bộ khoa học và công nghệ nhằm hạn chế máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường tràn vào Việt Nam", Đại biểu nêu và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp để khắc phục.

Bộ trưởng KHCN khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành bãi rác công nghệ nếu không có hàng rào kỹ thuật

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân không ngần ngại thừa nhận: "Có khả năng chúng ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Điều này chúng tôi thấy hoàn toàn có khả năng, nếu như chúng ta không có những giải pháp, những hàng rào kỹ thuật".

Dẫn về cái khó của việc đưa ra hàng rào, Bộ trưởng cho biết: Năm 2014 Bộ đã xây dựng Thông tư 20. Tuy nhiên, ở đây cũng phải báo cáo với Quốc hội là cơ chế phối hợp của chúng ta chưa tốt, khi xây dựng thông tư, tất cả các bộ, ngành đều đồng ý, ủng hộ những quy định như dự thảo, nhưng đến lúc ban hành thì chính những quy định này lại bất cập và lúc ấy các bộ, ngành lại cũng nói rằng có những điểm bất cập, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.

Chúng tôi cũng đã kịp thời báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi đã tạm dừng hiệu lực của thông tư này để điều chỉnh, bổ sung", Bộ trưởng Quân nói.

Ông cũng cho biết, hiện thông tư 20 đang trong giai đoạn hoàn thiện dự thảo cuối cùng.

"Báo cáo với Quốc hội, quan điểm của chúng tôi là chúng ta vẫn phải ban hành một văn bản để hạn chế và quản lý việc nhập khẩu thiết bị máy móc cũ đã qua sử dụng để tránh tình trạng chúng ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới", Bộ trưởng KHCN khẳng định.

Vị trưởng ngành KHCN cũng cho biết, ở dự thảo Thông tư này cũng tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục cho doanh nghiệp, tức là sẽ có cơ chế hậu kiểm.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp đã có chứng thư giám định về chất lượng ở nước ngoài thì thông quan bình thường. Nếu không có, doanh nghiệp được quyền cam kết đáp ứng các điều kiện về chất lượng cũng như xuất xứ năm sản xuất và sau đó được thông quan ngay.

Nhưng sau khi đưa thiết bị vào sử dụng phải chịu sự kiểm tra của cơ quan chức năng, cơ quan giám định do các bộ, ngành chỉ định.

"Nếu như họ có gian dối trong việc cam kết, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tháo dỡ tái xuất và thậm chí bị xử phạt vi phạm hành chính", ông Nguyễn Quân cho biết.

Tại đây, doanh nghiệp được lựa chọn 1 trong 2 tiêu chí, hoặc là thời gian sử dụng chưa quá 10 năm, hoặc là chất lượng còn lại phải trên 70%.

"Tôi tin là các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI sẽ ủng hộ quan điểm này của Chính phủ là phải quản lý. Còn một số ý kiến cực đoan cho rằng không nên quy định thì chúng tôi thấy không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định trước Quốc hội.

Trên thực tế nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ cũng từng được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Cụ thể chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu tra đổi với Đất Việt và cho rằng, chủ trương sáp nhập các DNNN của Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ và quá trình này chắc chắn có tác động tiêu cực đến Việt Nam.

"Trung Quốc càng tiến xa trong công nghệ càng đẩy lùi Việt Nam đi chậm lại phía sau. Điều tôi lo ngại là Trung Quốc hình như đang tìm cách đẩy công nghệ lạc hậu sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam thấy rẻ là mua mà không hiểu rằng càng ôm công nghệ lạc hậu sẽ càng tạo khoảng cách lớn với Trung Quốc", chuyên gia Trí Hiếu nói.

Như vậy trước cảnh báo này thì lo ngại của Bộ trưởng Nguyễn Quân là hoàn toàn có cơ sở.

Bích Ngọc

đất việt

Các tin tức khác

>   Tỉ lệ cung ứng nội địa VN tăng lên 32% (12/06/2015)

>   Bộ trưởng Công Thương: Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm (12/06/2015)

>   “Nhạc trưởng” không có quyền chỉ huy (12/06/2015)

>   Giá cá tra và tôm nguyên liệu giảm mạnh (12/06/2015)

>   Mỹ tăng tốc đầu tư vào Việt Nam: Tính toán của Washington (12/06/2015)

>   Cần có cơ quan chuyên biệt để quản lý lĩnh vực PPP (12/06/2015)

>   Công ty Nhật muốn mở trung tâm thương mại ngầm tại Tp.HCM (11/06/2015)

>   Thêm một “đại gia” điện máy sắp bị thâu tóm? (11/06/2015)

>   Hơn 3 triệu hộ kinh doanh biến đi đâu? (11/06/2015)

>   Bộ trưởng Công Thương: Giá điện sẽ còn tăng nữa (11/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật