Bộ trưởng Công Thương: Giá điện sẽ còn tăng nữa
“Giá điện bán lẻ được giữ dưới giá thành quá lâu, do vậy để giá điện tiệm cận thị trường thì buộc phải tăng theo lộ trình”, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời tại phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội chiều 11-6.
Giá điện và xăng dầu là hai chủ đề nóng được các Đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong phần đầu của phiên chất vấn. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Giá cả các mặt hàng thiết yếu ở Việt Nam đã theo thị trường nhưng có một ngành rất lạ là giá chỉ có tăng mà không giảm đó là ngành điện, giá điện luôn có điệp khúc tăng và cứ tăng mãi, ngay từ khi khai sinh ngành điện đến nay”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
|
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải: “Giá điện luôn được cân nhắc và cẩn trọng để đảm bảo lộ trình giá thị trường, không bù giá nhưng không tác động đến người nghèo, khu vực nông thôn. Năm 2013 giá điện được điều chỉnh và được giữ giá suốt năm 2014, đến đầu năm 2015 mới tăng giá. Tăng giá điện là chủ trương của Chính phủ để đưa giá tiệm cận thị trường, đặc biệt khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong cơ cấu giá điện có một số yếu tố chính như tỉ giá, nhiên liệu, cơ cấu nguồn phát (thủy điện, nhiệt điện)…
Theo quy định, nếu các thông số đầu vào làm giá điện tăng dưới 10% thì Bộ Công Thương sẽ quyết định; nếu tăng trên 10%, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ. Trong lần tăng giá vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình ba phương án tăng 7,5%, 9,5% và 12%. Cuối cùng giá điện đã được điều chỉnh ở mức thấp nhất và lần này việc tăng giá điện đã được sự bàn bạc của 4 bộ: KH&ĐT, NHNN, Tài chính, Công Thương”.
Ông Hoàng cho biết lần này giá bán điện bắt đầu cao hơn giá thành nhưng chưa theo thị trường bởi lâu nay giá điện được bao cấp giá thấp quá dài.
Để làm rõ hơn, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Ý của Bộ trưởng là lâu nay chúng ta bao cấp giá quá dài, giờ phải tháo bao cấp đó nên phải tăng giá điện theo lộ trình; nghĩa là còn phải tiếp tục điệp khúc tăng giá?”
Bộ trưởng Hoàng chốt lại: “Năm 2016, giá điện sẽ theo thị trường”.
Liên quan đến giá xăng dầu, Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) hỏi: “Hiện giá xăng dầu vẫn có sự quản lý nhà nước. Giải pháp nào để đưa ra giá xăng dầu theo thị trường như các nước?”
Bộ trưởng Hoàng trả lời: Quan điểm của Chính phủ giá xăng dầu và điện sẽ theo thị trường nhưng có sự quản lý nhà nước. Giá xăng dầu đang thực hiện theo Nghị định 83/2014 đã từng bước đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu tiến tới thị trường. Cụ thể, bình quân 15 ngày, khi giá xăng dầu thành phẩm sản phẩm thị trường Singapore biến động, giá xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh tăng giảm.
Tuy nhiên xăng dầu là mặt hàng tác động lớn đến đời sống nên Nhà nước đã dùng các công cụ điều hành khác như thuế, quỹ bình ổn giá để bù đắp một phần, đó là cách để chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng.
Trà Phương
Pháp luật TPHCM
|