Thứ Sáu, 12/06/2015 07:51

Mỹ tăng tốc đầu tư vào Việt Nam: Tính toán của Washington

Khi bắt được nhịp sẽ thành đối tác nhưng khi không đáp ứng được sẽ phải nhường sân, chịu sự thôn tính, lệ thuộc.

Cách đây ít ngày Tập đoàn Intel (Mỹ) cho biết đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Costa Rica sang Việt Nam với quy mô vốn rất lớn lên tới 1 tỷ USD. Trên thực tế, những năm gần đây vốn Mỹ đổ vào Việt Nam tăng và dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới ở tất cả các lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khu lưu trú, công nghiệp nặng, hàng tiêu dùng.

Điều này không khiến các nhà chuyên gia kinh tế bất ngờ. Theo Th.s Bùi Ngọc Sơn, về trung hạn từ 1 tới 3 năm tới Mỹ chắc chắn là nhà đầu tư số 1 của Việt Nam xét trên cả hai phương diện: địa chính trị và kinh tế.

Vì sao Mỹ chọn Việt Nam?

Th.s Bùi Ngọc Sơn phân tích: Thứ nhất, về vị trí địa chính trị có thể thấy khi Trung Quốc đủ mạnh, muốn thực hiện chiến lược bành trướng của mình sẽ trở thành đối thủ mạnh nhất của cả Mỹ và Châu Âu.

Intel chuyển bản doanh về Việt Nam

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiến theo phía Bắc sẽ gặp Nga. Sang phía Tây gặp Ấn Độ. Đi ra phía Đông là Nhật bản và Hàn Quốc, là những đối thủ nặng ký về phát triển kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng rất vững với sự chống lưng của Mỹ đằng sau.

Đi qua Việt Nam được coi là con đường duy nhất và dễ nhất với Trung Quốc. Do đó, không khó để nhận ra Mỹ đầu tư vào Việt Nam giai đoạn này nhằm hai mục đích: cản bước chân bành trước cả về địa chính trị cả về chiến dịch phổ cập hàng hóa toàn cầu của Trung Quốc. Đây là ý thức rất rõ ràng trong chiến lược xoay trục của Mỹ.

Nhìn từ góc độ kinh tế, khu vực Châu Á được xem là khu vực rất năng động. Nằm trên trục giao lưu kinh tế quốc tế, thuận lợi. Việt Nam lại là nước có tài nguyên, lao động rẻ, an ninh chính trị ổn định… những lợi thế trên đủ yếu tố để nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư dài hạn.

Hơn nữa, khi Việt Nam tham gia vào TPP, Mỹ đầu tư là để tận dụng những lợi thế, ưu đãi về thuế xuất và bán hàng.

Đã có nhiều doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, linh kiện, nhân công, nguyên vật liệu của Trung Quốc nhưng lại mượn danh người Việt để đầu tư, đăng ký sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam. Thực tế là họ đón đầu những lợi thế, ưu đãi về thuế xuất, nhân công giá rẻ…Việt Nam chỉ xuất khẩu hộ, cái được rất ít, lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc hưởng.

Với Mỹ cũng vậy, đầu tư sản xuất tại Việt Nam mà chi phí rẻ hơn sản xuất ở Mỹ, lại có lợi thế về nhân công, thuế xuất, nên Mỹ chọn Việt Nam.

Nhìn vào cơ cấu đầu tư Mỹ hướng tới nhiều lĩnh vực từ bán hàng lẫn sản xuất. Thế giới hiểu rõ nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi, có tiềm năng phát triển tốt hơn, thị trường tiêu thụ sôi động hơn, người dân giàu có hơn. Khi tới ngưỡng nhất định, các nhà đầu tư cao cấp sẽ tham gia tìm kiếm cơ hội nhiều hơn.

Nếu trước đây, chủ yếu là phân khúc tiêu dùng cấp thấp, các nhà đầu tư chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thì nay đã có những sản phẩm phân khúc cao cấp của Nhật, Mỹ. Nhìn vào thị trường tiêu thụ ôtô phân khúc hạng sang, các dòng sản phẩm cao cấp…không quá khó hiểu khi nói Việt Nam tiêu tiền nhiều hơn cả Mỹ hay “máu chơi” hơn cả Mỹ. Vì vậy, không khó hiểu nếu Mỹ lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.

Một yếu tố nữa khiến Mỹ lựa chọn Việt Nam một phần có sự ảnh hưởng từ sự bất ổn của Châu Âu. Đồng Yên Nhật đang giảm mạnh. Nhật muốn thu hút đầu tư quay ngược lại trong nước để hưởng giá sản xuất rẻ hơn. Vì vậy, nếu đầu tư từ Châu Âu hay Nhật vào Việt Nam sẽ trở lên rất đắt.

Theo ông Sơn, thu hút đầu tư từ Mỹ đang là lựa chọn ưu thế và nếu nhận định trung hạn từ 1-3 năm nữa, chắc chắn đầu tư Mỹ sẽ nổi lên vì đồng tiền Mỹ rất có giá trị so với giá trị của đồng Việt Nam.

Xét về lợi thế so sánh, đồng USD so với đồng Yên hay Euro đều đang chiếm ưu thế rất mạnh. Trong khi Nhật và Châu Âu đang suy yếu, chính trị khủng hoảng, Mỹ lựa chọn đầu tư vào Việt Nam là phương thức rất khôn ngoan và có lợi cho nước này.

Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Mỹ chuyển hướng đầu tư mạnh vào Việt Nam rõ ràng đã mang lại những cơ hội lớn từ nguồn lực, vốn đầu tư, việc làm, cơ hội chuyển giao công nghệ… nhưng làm thế nào để Việt Nam tận dụng được cơ hội này?

Đó là lý do khiến các nhà chuyên môn lo ngại. Chính sách mở toang cửa thu hút nhưng lại không có một sự chuẩn bị nào để đón khách. Sau bao nhiêu năm thu hút FDI nhưng tới nay công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn không có gì. DN trong nước vẫn không lớn được; thị trường bán lẻ bị nước ngoài thâu tóm; DN nhà nước vẫn được bao che... theo ông Sơn thì "cuối cùng vẫn là đào mỏ đem bán, cạn kiệt tài nguyên, kinh tế dậm chân tại chỗ".

Th.S Bùi Ngọc Sơn nhận định, "cơ hội đến với Việt Nam rất nhiều nhưng nếu không biết nắm bắt, không thể nắm bắt thì sẽ biến cơ hội thành thách thức”.

Khi tham gia vào một sân chơi có nhiều nhà đầu tư lớn, nghĩa là có nhiều cơ hội lớn cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro lớn. 

"Khi bắt được nhịp, theo kịp công nghệ hiện đại sẽ thành đối tác nhưng khi không đáp ứng được sẽ phải nhường sân, chịu sự thôn tính, lệ thuộc", ông Sơn lo ngại.

Vậy Việt Nam phải chơi kiểu gì? Cụ thể với Intel ông Sơn cho rằng khi vào sản xuất tại Việt Nam, Intel sẽ đi tìm những đối tác liên kết cung cấp linh kiện, phần mềm, lao động.... cho họ. Để chuẩn bị nhập cuộc, Việt Nam phải có những chính sách hỗ trợ đào tạo cho những doanh nghiệp đã có nền công nghệ, đào tạo lao động cao…

"Nếu không thay đổi Mỹ hay bất cứ nước nào đầu tư vào cũng chỉ để bán hàng, mua sức lao động, tài nguyên. Việt Nam cuối cùng vẫn trắng tay", ông Sơn nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, mấu chốt của vấn đề là phải thay đổi chính sách tỷ giá. Việt Nam cứ neo vào đồng USD và hầu như không có thay đổi gì nhiều trong chính sách tỷ giá trong khi Trung Quốc từng phá giá đồng Nhân dân tệ tới 40% khiến hàng hoá của họ luôn rẻ hơn Việt Nam.

Trong khi, chế độ tỷ giá của Việt Nam luôn ở trạng thái làm cho sản xuất trong nước bị đắt, trong khi Trung Quốc tỷ giá thuận lợi, bán rẻ hơn thì đương nhiên người ta sẽ nhập về và lúc ấy nó bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Một chiếc cốc sản xuất trong nước có giá 10.000 đồng, trong khi nhập khẩu chỉ có 5.000 đồng thì sản xuất trong nước làm sao sống được?

Tuy nhiên, theo ông Sơn thay đổi chính sách tỷ giá là cả thách thức lớn. Bởi, đây là chính sách bảo vệ doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước chủ yếu mua nguyên liệu, thiết bị lắp ráp rồi bán hàng ra, không sản xuất. Nếu nâng tỉ giá lên đồng nghĩa với những doanh nghiệp nhà nước không sản xuất sẽ chết. Điều này chẳng khác nào chúng ta đang cầm dao đằng lưỡi, tự mình vướng vào lưới của mình. Gỡ được không phải dễ.

Phải có cơ chế sàng lọc dự án

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Thu – ĐHKT-TP.HCM cũng cho rằng Mỹ lựa chọn Việt Nam vì nhiều lý do.

Thứ nhất, để đón đầu hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, cung cấp những sản phẩm cho khu vực này.

Ví dụ hàng hóa từ Trung Quốc đưa vào Mỹ, phải chịu thuế dệt may khoảng 12%. Nhưng khi Việt Nam tham gia TPP, hàng hóa từ Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ có thuế xuất bằng 0%. Đó là lợi thế.

Thứ hai cũng là sự chuẩn bị cho sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang VN. Vì Trung Quốc đang thực hiện nhiều chính sách siết chặt đầu tư nước ngoài. Ép buộc doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao một phần công nghệ cao cho Trung Quốc; đồng nhân dân tệ tăng nhanh; giá nhân công đắt hơn Việt Nam… khiến Mỹ cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Vì thế đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam và các nước lân cận.

Tuy nhiên, lợi thế của nhà đầu tư nước ngoài lại trở thành yếu điểm của doanh nghiệp trong nước. Điều này khiến bà Thu băn khoăn:

“Nếu chỉ có nhân công giá rẻ, ưu đãi đến hụt hơi để thu hút bằng được… doanh nghiệp nội địa đã lép vế lại càng lép vế.

Thứ hai, Mỹ vào vẫn là lắp ráp và bán hàng. Không sản xuất, không liên doanh vậy cuối cùng Việt Nam sẽ được gì?

Thứ ba, nếu Mỹ vào để sản xuất công nghệ hỗ trợ nhưng không có chính sách bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ, hứng chịu hậu quả vô cùng lớn.

Mặt trái của phát triển công nghiệp hỗ trợ là nguy cơ gây ô nhiễm. Trong dệt may là nhuộm, dệt. Cơ khí là thoi, bào... xử lý môi trường còn khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều lần số tiền đã đầu tư. Đó là lý do vì sao các nước phát triển tìm đến Việt Nam đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Điển hình là Trung Quốc”.

Vì vậy bà Thu cho rằng, vấn đề của Việt Nam bây giờ là phải có chính sách sàng lọc, phân loại dự án. Dự án nào được ưu tiên, ưu tiên tới đâu, không phải ưu tiên tất cả, ưu tiên tới hụt hơi dẫn tới bị phụ thuộc vào nước ngoài.

“Phải dứt khoát nói không với dự án không đạt tiêu chuẩn về môi trường, công nghệ”, bà Thu thẳng thắn.

Vũ Lan

đất việt

Các tin tức khác

>   Cần có cơ quan chuyên biệt để quản lý lĩnh vực PPP (12/06/2015)

>   Công ty Nhật muốn mở trung tâm thương mại ngầm tại Tp.HCM (11/06/2015)

>   Thêm một “đại gia” điện máy sắp bị thâu tóm? (11/06/2015)

>   Hơn 3 triệu hộ kinh doanh biến đi đâu? (11/06/2015)

>   Bộ trưởng Công Thương: Giá điện sẽ còn tăng nữa (11/06/2015)

>   6 tháng cuối năm: Tăng trưởng xuất khẩu khả quan (11/06/2015)

>   Hút đầu tư vào nông nghiệp sạch nhưng trừ… DN Trung Quốc (11/06/2015)

>   Ôtô trong nước lại chịu thêm các loại phí mới? (11/06/2015)

>   Ngành dệt may nhập khẩu bông tăng đột biến (11/06/2015)

>   VN chiếm thị phần lớn hàng may mặc tại Hàn Quốc (11/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật