Thứ Bảy, 13/06/2015 11:48

Buôn lậu không thể tới 20 tỉ USD?

Rất khó kiểm soát được hàng lậu, kinh tế ngầm trong giao thương giữa Việt Nam-Trung Quốc.

* Bộ trưởng Công Thương: Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm

* 20 tỷ USD từ Trung Quốc vào Việt Nam đi đâu mất?

“Tôi nghĩ số liệu buôn lậu giữa Việt Nam-Trung Quốc (VN-TQ) chỉ có thể là 2-5 tỉ USD chứ không thể lên đến 15-20 tỉ USD được” - bà Lê Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), nhận định như trên khi trao đổi với báo chí chiều 12-6.

Trước đó, tại phiên thảo luận hội trường ngày 8-6, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) đã đưa ra con số cho thấy riêng trong năm 2014, thâm hụt thương mại VN-TQ lên tới 15 tỉ USD. Đại biểu Tín cũng cho rằng riêng nhập khẩu, mức chênh lệch ước tính khoảng 20 tỉ USD không được ghi nhận.

Chưa biết ai đúng, ai sai

Thưa bà, tại sao số liệu thống kê giữa VN và TQ lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy?

Bà Lê Minh Thủy: Chênh lệch số liệu thống kê thương mại giữa VN-TQ không phải vấn đề mới. Tuy nhiên, sau khi đại biểu Quốc hội công bố mức chênh lệch cụ thể đã tạo ra sức hút với dư luận.

Nhìn nhận thực tế chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa giữa TQ và các đối tác là vấn đề phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng. Số liệu thống kê xuất nhập khẩu của VN-TQ cũng có sự chênh lệch, năm 2014 ở mức khá cao.

Vậy theo bà, số liệu thống kê của VN đúng hay TQ đúng?

Nhiều ý kiến cho rằng số liệu của TQ mới chính xác nhưng bản thân tôi cho rằng không thể khẳng định được ai đúng ai sai. Bởi mỗi nước đều có cách tính riêng. Cũng cần nói thêm rằng TQ có những chính sách thống kê riêng đối với từng nước trong quan hệ thương mại.

Tại sao VN và TQ không cùng ngồi lại với nhau để xác định đúng sai của số liệu?

Hiện nay cơ quan thống kê hai nước vẫn chưa có sự trao đổi, làm việc về số liệu chênh lệch này. Để xác thực số liệu giữa hai nước, cần có sự tham gia của ngành hải quan hai nước. Hải quan hằng ngày thống kê được lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới nên rất am hiểu quy tắc tính toán, quy trình áp dụng tính toán số liệu hàng hóa của nhau. Tuy nhiên, có thể bên mình tính thế này nhưng phía bên kia biên giới họ tính khác.

Lực lượng chống buôn lậu kiểm tra một vụ chở hàng lậu. Ảnh: TA

VN có áp dụng phương pháp thống kê theo chuẩn mực quốc tế không?

Thống kê xuất nhập khẩu của VN tổng hợp theo khuyến nghị của cơ quan thống kê Liên Hiệp Quốc, phiên bản năm 2010.

Nhưng thực tế cho thấy mức chênh lệch con số thâm hụt thương mại giữa hai nước VN-TQ tăng lên theo năm? Nguyên nhân vì sao?

Theo tôi có sáu nguyên nhân chênh lệch số liệu nhập khẩu của VN và xuất khẩu của TQ. Một là sự khác biệt phương pháp thống kê nước đối tác: Vì xuất khẩu thống kê theo “nước cuối cùng hàng đến” nên trường hợp hàng TQ - bao gồm hàng xuất xứ TQ hoặc xuất xứ nước khác - đưa sang VN được TQ thống kê là xuất cho VN; trong khi chúng ta chỉ thống kê những hàng hóa có xuất xứ TQ, các hàng hóa có xuất xứ nước khác được thống kê là nhập khẩu từ nước khác.

Hai là do phạm vi thống kê: Một số luồng hàng từ TQ vào VN nhưng không thuộc phạm vi thống kê.

Ba là do xác định trị giá thống kê khác nhau: Hai nước cùng áp dụng nguyên tắc xác định trị giá hải quan nhưng với một số trường hợp, hải quan TQ và VN có thể xác định trị giá lô hàng cao thấp khác nhau.

Bốn là hoạt động nhập khẩu lậu vào VN: Cũng như hầu hết các nước, hàng nhập khẩu lậu không nằm trong phạm vi thống kê của VN. Với biên giới đường bộ dài, khó kiểm soát được hàng hóa được nhập lậu từ TQ vào VN qua đường tiểu ngạch như rau quả, quần áo và trang phục, giày dép, đồ dùng gia đình...

Nếu phía TQ kiểm soát tốt hoạt động này bên kia biên giới thì hàng hóa được tính trong xuất khẩu của TQ nhưng không nằm trong thống kê nhập khẩu của VN. Có một vài nước thực hiện ước tính con số này trong số nhiều “hoạt động kinh tế ngầm”.

Năm là do gian lận thương mại: Nhiều doanh nghiệp (DN) VN khi nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt với các hàng hóa chịu thuế, đã thông đồng với DN đối tác khai giá thấp để hưởng mức thuế thấp. Ngược lại các DN TQ cũng có thể khai trị giá xuất khẩu cao để hưởng thuế khấu trừ cao.

Sáu là sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê: Một số sản phẩm có thể được VN tính vào dịch vụ nhưng TQ coi là hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến công nghệ thông tin như phần mềm, trò chơi điện tử vốn được lưu giữ trên băng, đĩa mềm. Trong nhiều trường hợp ranh giới phân biệt không rõ ràng nếu người khai hải quan không mô tả rõ.

Đúng là so với các năm trước 2010, những năm gần đây mức chênh lệch số liệu có xu hướng tăng cao.

Khó kiểm soát kinh tế ngầm

Liệu con số chênh lệch lên đến 15 tỉ USD, thậm chí 20 tỉ USD có phải phần lớn do hàng nhập lậu, thưa bà?

Nguyên nhân do hàng lậu góp phần đáng kể. Thế nhưng hàng lậu không ai kiểm soát được số lượng cụ thể bao nhiêu nên hầu hết không có nước nào đưa số liệu này vào thống kê. Có thể TQ kiểm soát tốt số lượng hàng lậu, gian lận thương mại nên họ đưa vào số liệu thống kê thương mại.

Nhiều người cho rằng số liệu chênh lệch trên chủ yếu là hàng lậu nhưng tôi nghĩ số liệu buôn lậu chỉ có thể là 2-5 tỉ USD chứ không thể lên đến 15-20 tỉ USD được.

Một số chuyên gia cho rằng chính sách biên mậu của Việt Nam (cư dân biên giới được mua hàng hóa 2 triệu đồng/lần) đã tạo kẽ hở cho TQ tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua VN?

Tôi nghĩ hàng hóa giao dịch biên mậu không nhiều, ít tác động đến con số nhập lậu vào VN. Hàng hóa qua cư dân biên giới thường diễn ra hằng ngày và có giá trị nhỏ. Số liệu nhập lậu lớn thường tập trung vào buôn lậu có tổ chức. Việc kiểm soát hàng lậu, kinh tế ngầm rất khó.

Xin cám ơn bà.

Thép Trung Quốc “lách luật” vào Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết trong số gần 4 triệu tấn thép nhập khẩu từ đầu năm đến nay, có tới hơn 2,3 triệu tấn nhập khẩu từ TQ, trị giá hơn 1,2 tỉ USD. Con số này đã tăng gần 80% về lượng và 45% về giá trị so với năm trước.

Đáng lưu ý, TTXVN dẫn nguồn từ VSA cho hay trong số thép nhập từ TQ, có lượng lớn thép bán dưới dạng “thép hợp kim” chứa nguyên tố bo, crôm... nên khi nhập khẩu vào VN không phải chịu thuế, giá bán rẻ hơn thép sản xuất trong nước.

Trong khi đó, các loại thép và tôn mạ này là những sản phẩm trong nước đã sản xuất được và vẫn còn dư năng lực.

Nhiều DN VN khi nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt với các hàng hóa chịu thuế, đã thông đồng với DN đối tác khai giá thấp để hưởng mức thuế thấp.

Bà LÊ MINH THỦY, Vụ trưởng

Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê)

 

Trà Phương ghi

Pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   EVFTA: Thách thức lớn với ngành da giày (13/06/2015)

>   Thị trường thức ăn nhanh… xì hơi  (13/06/2015)

>   Cay đắng dự án thép tỷ đô: Phá sản là may (13/06/2015)

>   Đồng Nai thu hút gần 4 tỷ USD vốn FDI từ doanh nghiệp Nhật Bản (13/06/2015)

>   "Có khả năng Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ" (12/06/2015)

>   Tỉ lệ cung ứng nội địa VN tăng lên 32% (12/06/2015)

>   Bộ trưởng Công Thương: Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm (12/06/2015)

>   “Nhạc trưởng” không có quyền chỉ huy (12/06/2015)

>   Giá cá tra và tôm nguyên liệu giảm mạnh (12/06/2015)

>   Mỹ tăng tốc đầu tư vào Việt Nam: Tính toán của Washington (12/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật