Tích lũy cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan
Trên cơ sở kết quả kinh doanh tích cực hay vị thế của ông lớn. Các chuyên gia khuyến nghị nên mua vào và nắm giữ một số cổ phiếu như DHC, CSV, HPG và CMG.
Tích lũy DHC
CTCK Rồng Việt (VDS) khuyến nghị tích lũy cổ phiếu của CTCP Đông Hải Bến Tre (HOSE: DHC) do dự báo kết quả kinh doanh quý 2/2015 tiếp tục khả quan.
Theo VDS, trong 2 tháng đầu quý 2/2015, đà gia tăng trong nhu cầu giấy carton tiếp tục là nhân tố thúc đẩy kết quả kinh doanh của DHC. Mặt khác, định hướng cơ cấu tỷ lệ giấy Testliner lên 50% cũng đem lại những cải thiện tích cực. Tính đến hiện tại, tỷ lệ Testliner đã chạm mốc 46% trong khi năm 2014 chỉ 30%.
Về yếu tố đầu vào, trong quý 1/2015, DHC đã tận dụng cơ hội sụt giảm của giá OCC (170USD/tấn) để dự trữ với khối lượng lớn. Trong tháng 4 và ước tính tháng 5, DHC sẽ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế khoảng 5.5 tỷ đồng/tháng, Như vậy 5 tháng đầu năm DHC đã hoàn thành 51% kế hoạch năm. Theo đó, lợi nhuận quý 2 sẽ ở mức 16 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
VDS cũng đánh giá dự án Giao Long II là nhân tố quan trọng nhất trong bước tiến dài hạn của DHC.Cụ thể, sau giai đoạn chọn nhà thầu cung cấp máy móc tại Trung Quốc, DHC đã gần như thống nhất công suất thiết kế 500,000 tấn/ngày với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Dự kiến gói thầu cung cấp và lắp ráp sẽ kéo dài 1.5 năm và bắt đầu vận hành thương mại từ giữa năm 2017.
VDS đưa ra giá mục tiêu của DHC là 26,200 đồng/cp và khuyến nghị tích lũy cổ phiếu này.
>> Xem báo cáo chi tiết
CMG đang trên đà tăng trưởng, tiếp tục mua
CTCK Ngân hàng VPBank (VPBS) khuyến nghị mua cổ phiếu CMG của CTCP Tập đoàn công nghệ CMC do đang trên đà tăng trưởng tốt về lợi nhuận.
Theo VPBS, CMG đang đạt những bước tăng trưởng lợi nhuận tích cực, xuất phát từ việc cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh chính. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty mẹ 2014 đạt 101 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với năm trước. Trong niên độ kế toán 2015, CMG tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hơn 26% nữa.
VPBS cho biết thêm, vừa qua, CMC Telecom, công ty con của CMG đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc bán 25% cổ phần (12.5 triệu cổ phiếu) cho đối tác Tập đoàn Time DotCom Berhad của Malaysia theo hình thức phát hành thêm với giá trị 12 triệu USD. VPBS kỳ vọng đây là động lực để tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh của mảng viễn thông trong những năm tới.
Một nhân tố hỗ trợ khác là đường giá cổ phiếu CMG đã break-out ra khỏi kênh tích lũy tăng giá để chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mạnh. Các tín hiệu kỹ thuật trung hạn đều đang ở trạng thái tích cực. CMG có hỗ trợ trung hạn tại ngưỡng 13,000 đồng/cp và kháng cự trung hạn tại 20,000 đồng/cp.
>> Xem báo cáo chi tiết
Mua CSV với giá mục tiêu 24,200 đồng
CTCK Bảo Việt (BVS) đưa ra khuyến nghị tích cực với cổ phiếu của CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam (HOSE: CSV) và giá mục tiêu với cổ phiếu này là 24,200 đồng.
Theo BVS, nguồn cung hóa chất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Trong đó nhu cầu sản phẩm Xút NaOH vốn là sản phẩm chủ đạo của CSV rất lớn. Đây cũng là một trong những sản phẩm trọng tâm trong quy hoạch phát triển ngành hóa chất Việt Nam với công suất cung ứng trong tương lai dự kiến khoảng 900,000 tấn/năm.
Hiện CSV đang giao dịch tại mức P/E hấp dẫn hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành hóa chất. Cổ phiếu CSV có lợi thế về các chỉ tiêu hoạt động khi so sánh với các công ty hóa chất niêm yết như DGC, LAS, HVT. Tỷ trọng lãi gộp, lãi hoạt động và lãi ròng đều cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tình hình tài chính lành mạnh, dòng tiền dồi dào.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý đến rủi ro di rời bắt buộc 3 nhà máy tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 của CSV 2018 – 2020. Ước tính CSV sẽ cần khoảng 2,700 tỷ đồng – 3,000 tỷ đồng để thực hiện di rời nhà máy, gây áp lực tài chính lớn và cổ phiếu sẽ bị pha loãng nếu CSV thực hiện tăng vốn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc tới rủi ro giá nguyên liệu tăng và áp lực cạnh tranh cao tại một số sản phẩm hóa chất của CSV.
>> Xem báo cáo chi tiết
HPG: Môi trường cạnh tranh ngày càng bất lợi
CTCK Bản Việt (VCSC) giữ khuyến nghị khả quan với cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát nhưng hạ giá mục tiêu xuống 30,400 đồng/cp.
Nguyên nhân VCSC hạ giá mục tiêu giảm 11% xuống 30,400 đồng là do áp lực từ thép nhập khẩu của Trung Quốc lên giá thép vẫn chưa có tín hiệu suy giảm. VCSC điều chỉnh giảm giả định giá thép năm 2016 từ 11.6 triệu đồng/tấn xuống 11.4 triệu đồng/tấn. VCSC không nhận thấy giá cổ phiếu HPG có thể tăng mạnh trở lại nếu giá thép không phục hồi.
Theo VCSC, vấn đề đáng lo ngại là giá thép tại Trung Quốc đã giảm sâu hơn so với mặt hàng tương tự ở Việt Nam, giúp cho các công ty Trung Quốc thu lợi nhiều hơn khi xuất khẩu sang Việt Nam. Tuy nhiên, VCSC nhìn nhận, quá trình mở rộng lò cao giai đoạn 3 của HPG khi hoàn tất vào tháng 3/2016 sẽ đưa HPG lên vị trí 65 trong số 100 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Với quy mô này, VCSC tin tưởng mức tăng trưởng EPS 2 con số sẽ xuất hiện trở lại.
Về cạnh tranh với thép xây dựng của Formosa (FHS), VCSC cho biết chi phí sản xuất của FHS chỉ thấp hơn HPG 2.8%. Sản lượng thép dài 1.2 triệu tấn của FHS có thể sẽ được bán trong nước hoặc xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, FHS dự kiến sẽ thay thế các công ty thép quy mô nhỏ hoặc đối đầu trực tiếp với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. VCSC vẫn ước tính tăng trưởng thị phần của HPG sẽ đạt 23.7% vào năm 2016 so với mức 22,9% hiện tại (tháng 3/2015), Tuy nhiên các yếu tố khả biến sẽ là áp lực giảm giá đối với biên lợi nhuận trong trường hợp hai.
>>Xem báo cáo chi tiết
Duy Hoàng tổng hợp
|