Chọn cổ phiếu phù hợp để đầu tư
Các chuyên gia khuyến nghị nên mua đầu tư dài hạn một số cổ phiếu cơ bản tốt như VIC, STK và PVB. Riêng ACB được khuyến nghị đưa ra khỏi vùng mua.
Mua STK đón đầu TPP
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu STK của CTCP Sợi thế kỷ với giá mục tiêu 31,268 đồng/cp để đón đà tích cực từ Hiệp định TPP.
Theo DAS, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết như TPP, FTA Việt Nam – EU... Riêng đối với hiệp định TPP, tính đến tháng 4/2015 thì đàm phán đã hoàn thành hầu hết các nội dung. Về phía Việt Nam, mục tiêu đặt ra là kết thúc đàm phán TPP trong 6 tháng đầu năm.
Đối với STK, đến cuối tháng 3/2015, Nhà máy Trảng Bàng 3 đã hoàn thành 90% hạng mục công trình và đã ký hợp đồng mua toàn bộ máy móc thiết bị. Dự án vẫn đang theo đúng tiến độ và sẽ chính thức khai thác 50% công suất từ tháng 7/2015 nâng tổng công suất lên 44,500 tấn/năm trong năm 2015 và 52,000 tấn/năm trong năm 2016.
Đối với dự án mở rộng mới - nhà máy Trảng Bàng 4, Công ty dự kiến sẽ đầu tư thêm 12.5 triệu USD (tương đương 273 tỷ đồng) cho nhà máy Trảng Bàng 4 để nâng công suất thêm 8,000 tấn/năm. Nhà máy dự kiến được xây trong năm 2016 và đi vào hoạt động trong năm 2017, nâng tổng công suất của công ty lên 60,000 tấn/năm.
Biên lợi nhuận gộp tiếp tục tăng trong quý 1/2015 (16%) so với năm 2014 (15%) và năm 2013 (12%) nhờ tăng tỷ trọng hàng cao cấp và khả năng kiểm soát giá mua nguyên vật liệu và giá bán thành phẩm. DAS thực hiện cập nhật định giá cổ phiếu STK với đánh giá mua và đưa ra mức giá mục tiêu mới là 31,268 đồng/cp cao hơn 30% so với mức giá IPO bình quân là 24,124 đồng/cp.
>> Xem báo cáo chi tiết
Mua PVB với giá mục tiêu 12 tháng đạt 80,000 đồng/cp
CTCK Vietinbank (CTS) đưa ra khuyến nghị mua vào cổ phiếu của CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) với giá mục tiêu 12 tháng đạt 80,000 đồng/cp.
CTS khuyến nghị mua cho mục tiêu đầu tư trong trung và dài hạn cổ phiếu PVB dựa trên 3 cơ sở. Thứ nhất, kết quả kinh doanh tiếp tục khởi sắc khi quý 1/2015 PVB đạt 402 tỷ đồng doanh thu và gần 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 124% và 100% so với cùng kỳ năm 2014, nhờ hoàn thành đúng kế hoạch dự án bọc ống Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1.
Thứ hai, kế hoạch kinh doanh năm 2015 được đảm bảo hoàn thành nhờ giá trị của các hợp đồng đã ký kết, một số hợp đồng lớn còn đảm bảo doanh thu cho công ty tới năm 2017 và cuối cùng giá dầu đang tăng trở lại và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối 2015, là cơ hội cho ngành dầu khí đẩy mạnh sản xuất, tăng nhu cầu bọc ống dầu khí.
Bên cạnh đó, CTS đánh giá PVB là doanh nghiệp đầu tiên cũng là doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực bọc ống dầu khí tại Việt Nam. Là Công ty con của PVGas (GAS), PVB có nhiều lợi thế trong hoạt động cung cấp các dịch vụ bọc ống cho nhiều dự án của Tập đoàn dầu khí (PVN) và các công ty thành viên. Song, CTS cũng đưa rủi ro tại PVB như đang nhập khẩu 40% nguyên liệu từ nước ngoài, biến động tỷ giá và giá nguyên liệu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PVB.
>> Xem báo cáo chi tiết
Mua VIC với giá mục tiêu 68,000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC) đưa ra khuyến nghị mua vào cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup – CTCP (HOSE: VIC) với giá mục tiêu 68,000 đồng/cp.
Theo VCSC nhìn nhận, đầu tư vào Vingroup (VIC) cho phép nhà đầu tư tiếp cận vào hai lĩnh vực hấp dẫn - bất động sản và bán lẻ.
VCSC đánh giá khả năng tiếp cận vào thị trường vốn rộng lớn giúp VIC liên tục duy trì hoạt động xây dựng và mở rộng quỹ đất bất chấp thị trường khó khăn, nhờ đó mà VIC sẽ dẫn đầu trong bối cảnh thị trường BĐS phục hồi hiện nay.
Doanh số từ kinh doanh bất động sản nhà ở dự báo sẽ đạt trung bình 38,000 tỷ đồng/năm từ năm 2015-2017 so với mức 16,400 tỷ đồng năm 2014. Lợi nhuận sau thuế dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2016 khi một lượng lớn nhà được bàn giao cho khách hàng. Các nguồn thu nhập thường xuyên được dự báo tăng trưởng nhanh, giúp tăng cường sự ổn định trong hoạt động kinh doanh. Và lĩnh vực bán lẻ có tiềm năng lớn - VIC có thể thống lĩnh lĩnh vực này thông qua sự kết hợp giữa mô hình thương mại điện tử và cửa hàng.
>> Xem báo cáo chi tiết
Không mua vào ACB
Bên cạnh các khuyến nghị mua vào, VCSC cũng khuyến nghị đưa cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu ra khỏi vùng mua do kết quả kinh doanh quý 1/2015 trái chiều.
Theo VCSC, kết quả kinh doanh quý 1/2015 của ACB có những xu hướng trái chiều trong hầu hết các khoản mục - 600 tỷ đồng của ngân hàng E (ACB không tiết lộ danh tính ngân hàng này) đã thu hồi được trong quý 1/2015, nhưng ACB là bắt đầu trích dự phòng cho ngân hàng B, lợi suất các khoản cho vay là một chỉ tiêu khó tính toán nhưng có vẻ khoản này đã giảm mạnh trong quý 1/2015, chi phí tiền gửi cũng có vẻ không thể hạ thấp hơn các ngân hàng khác, nhưng lại được bù đắp bởi thu nhập từ chứng khoán và lãi suất liên ngân hàng. Sẽ cần thêm một quý nữa để biết được liệu ACB có đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với những ngân hàng Nhà nước khác trong ngành bán lẻ hay không.
Các khoản xử lý nợ xấu trong tài khoản dự phòng cụ thể tăng cao trong quý 1/2015, cùng với sự tăng vọt của khoản mục chứng khoán giữ đáo hạn cho thấy ACB đã bán nợ cho VAMC trong quý 1, và nhiều khả năng chiếm tỷ trọng khá lớn trong khoản mục này.
Tương phản với các ngân hàng nhà nước, ACB cũng như STB và EIB đang gặp khó khăn khi phải tăng trích dự phòng cụ thể.
Ngoài ra, tính thanh khoản của cổ phiếu tiếp tục bị kiềm hãm, với khối lượng giao dịch chỉ khoảng 7% trung bình ngành xét trên khía cạnh khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày so với tổng số lượng cổ phiếu được tự do giao dịch. VCSC áp dụng tỷ lệ giảm thanh khoản 5% để giảm giá mục tiêu của ACB từ 19,700 xuống còn 18,800/cổ phiếu.
>> Xem báo cáo chi tiết
Duy Hoàng tổng hợp
-----------------------------------------
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
|