Việt Nam sẽ lọt top 30 quốc gia về tiêu chí tiếp cận tín dụng trong năm 2015?
Đây là câu hỏi của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, dành cho ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong khuôn khổ Diễn đàn C.E.O 2015.
Diễn đàn C.E.O 2015 với chủ đề “Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều ngày 20/3/2015
|
Với vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết: “Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì Thống đốc cũng đã ban hành quyết định về chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện Nghị quyết 19”.
Sau một năm thực hiện, NHNN đã đạt được những thành công nhất định trong việc thực hiện Nghị định 19.
Tăng trưởng tín dụng sẽ lớn hơn trong năm 2015 và các năm tiếp theo
Thứ nhất, NHNN quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách, bằng việc thực hiện rà soát lại các Nghị định, Thông tư được ban hành trong năm 2014. Đồng thời, chú ý hơn đến việc cải cách hành chính. Nhờ vậy, theo xếp hạng của Bộ Nội vụ thì NHNN được xếp thứ hai về kết quả cải cách hành chính trong năm 2014.
Thứ hai, với nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, NHNN đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm điều tiết lượng tiền cung ứng, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và nâng cao giá trị VNĐ.
Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua kết quả đạt được với việc lạm phát giảm dần, lãi suất ngân hàng đã giảm từ 1.5-2% so với năm 2013, tương ứng với mặt bằng lãi suất trong khoảng thời gian năm 2005-2006, đồng thời tốc độ tăng trưởng tín dụng đều đạt trong những năm vừa qua. Và Phó Thống đốc cũng khẳng định, chắc chắn tăng trưởng tín dụng sẽ lớn hơn trong năm 2015 và các năm tiếp theo.
Khả năng tiếp cận tín dụng xếp hạng 36 trong năm 2014
Về thứ hạng tiếp cận tín dụng của Việt Nam, Phó Thống đốc cho biết, trong năm 2014 khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam xếp hạng thứ 36/189 quốc gia trên thế giới, tụt 6 hạng so với năm 2013. Tuy nhiên, mức xếp hạng này vẫn là mức cao so với các nước trong khu vực. Và trong các chỉ số về xếp hạng thì chỉ xếp sau chỉ số về cấp phép xây dựng và đăng ký tài sản.
Trong hàng loạt các chỉ số theo quan sát và đánh giá của World Bank (WB) thì có 2 nội dung Việt Nam bị đánh tụt so với năm trước.
Nội dung thứ nhất là về quy định của pháp luật trong việc bảo vệ người đi vay và người cho vay. Phần lớn trong các quy định của Luật Dân sự, cũng như các quy định có liên quan vẫn theo thiên hướng bảo vệ người đi vay hơn là bảo vệ người cho vay.
Nội dung thứ hai là về độ sâu tiếp cận thông tin tín dụng. Hiện nay ở Việt Nam có một trung tâm CIC của NHNN với độ phủ là 41.5% những người trưởng thành, đây được coi là độ phủ tương đối lớn về nội dung thông tin tín dụng. Tuy nhiên, về phía tư nhân thì mới chỉ có duy nhất 1 công ty tư nhân do 13 ngân hàng thương mại thành lập năm 2013 với độ phủ chỉ có 1.4%, do vậy chưa được WB đưa vào đánh giá xếp hạng.
“Thực chất, nếu xét theo điểm số đánh giá xếp hạng các quốc gia tiếp cận tín dụng thì điểm số của Việt Nam không thay đổi so với năm 2013, hay nói cách khác, khả năng tiếp cận tín dụng của nước ta là không đổi so với năm trước. Tuy nhiên, việc tụt bậc trên bảng xếp hạng là do các nước khác cải thiện nhanh hơn các hoạt động quy định pháp luật liên quan đến các nội dung trong quy trình xếp hạng do vậy tiến nhanh hơn so với nước ta trên bảng tổng kết”, đánh giá chung của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh.
Và Phó Thống đốc cũng khẳng định, trong thời gian tới, cùng với việc sửa đổi bộ Luật Dân sự, NHNN sẽ tiếp tục khiến nghị về vấn đề này và với những thay đổi đó, xếp hạng của Việt Nam sẽ có những chuyển biến trong thời gian tới.
Minh Tuấn
|