Thứ Sáu, 20/03/2015 22:14

Tâm tư bán nợ

Các ngân hàng đang phản ứng khác nhau trước văn bản của Ngân hàng Nhà nước ấn định số nợ xấu cụ thể mà từng ngân hàng phải bán cho VAMC trong năm nay.

 

Tuần trước mỗi tổ chức tín dụng đều nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo số nợ xấu cụ thể mà từng ngân hàng phải bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Văn bản nêu rõ, ngoài số nợ được ấn định, “Thống đốc NHNN yêu cầu ngân hàng phải xây dựng, báo cáo Cơ quan Thanh tra, giám sát kế hoạch xử lý nợ xấu từng tháng, triển khai đảm bảo đến ngày 30-6-2015 phải bán được tối thiểu 75% nợ xấu và đến ngày 30-9-2015 phải hoàn thành kế hoạch bán 100%”.

Một yêu cầu khác của Thống đốc là “các ngân hàng chủ động áp dụng các biện pháp thu hồi nợ - bao gồm: phát mãi tài sản, chuyển nợ thành vốn góp, nhận tài sản đảm bảo thay thế cho nghĩa vụ trả nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, bán nợ cho các tổ chức cá nhân khác. Số nợ xử lý bằng các biện pháp này được trừ vào số nợ xấu bán cho VAMC”.

Các ngân hàng đã phản ứng khác nhau trước văn bản chỉ đạo trên. Hầu hết đều thống nhất cần phải đưa nợ xấu hệ thống về mức 3%, nhưng cho rằng thời hạn đến cuối tháng 6 và cuối tháng 9 hơi gấp gáp. Những ngân hàng nào muốn bán nhiều hơn số nợ xấu được ấn định thì khả năng luôn mở, tức là muốn bán thêm bao nhiêu đều có thể thảo luận với VAMC. Đa số ngân hàng cho biết số nợ phải bán quá cao, họ chỉ có khả năng bán một phần tư đến một nửa số ấn định. Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP vốn được xếp vào danh sách nợ xấu cao, nói: “Trước khi có văn bản mới, VAMC đã nhiều lần đề nghị chúng tôi rà soát và bán thêm nợ. Chúng tôi đã bán hàng ngàn tỉ đồng rồi, còn đâu nữa mà bán”.

Nhìn trên báo cáo tài chính, nợ riêng nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của các ngân hàng hiện nằm trong mức phổ biến khoảng 500-3.000 tỉ đồng/đơn vị. Tâm lý chung, trừ những trường hợp đặc biệt, các ngân hàng ít muốn bán nợ nhiều cho VAMC vì hai lý do. Thứ nhất, bán càng nhiều, trích lập dự phòng rủi ro càng lớn. Thứ hai, bán càng nhiều, số lãi dự thu phải thoái ra càng to. Như vậy lợi nhuận bị ảnh hưởng cả hai đầu.

Giữa việc bán nợ xấu cho VAMC và đẩy nhanh thu hồi nợ, ngân hàng chọn cách thức thứ hai vì như thế còn tránh được “vạch áo cho người xem lưng”.

Tuy nhiên, một quan chức NHNN cho biết cơ quan quản lý sẽ kiên quyết và mạnh tay với đợt bán nợ lần này. Không nói rõ thời điểm, vị này khẳng định bán nợ là tiền đề để chuẩn bị cho việc kết thúc thời hạn thực hiện Quyết định 780 về cơ cấu nợ, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định của Thông tư 02, Thông tư 36 về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sở hữu chéo. Không nói thì ai cũng biết Quyết định 780 đã tạo điều kiện cho các ngân hàng tái cấu trúc nợ xấu. Nếu không còn 780 hoặc 780 thu hẹp phạm vi, bức tranh nợ xấu sẽ thay đổi khác biệt.

Một ngân hàng cho biết họ đang nỗ lực bán các tài sản thế chấp là bất động sản để thu hồi nợ. Giá chuyển nhượng các tài sản thế chấp chưa ngừng giảm, có ngân hàng đưa ra giá bán chỉ bằng 50% giá trị định giá trước đây, bằng đúng giá trị khoản nợ gốc cộng lãi. Ông nói: “Có ngôi nhà được định giá tới 11 tỉ đồng, chúng tôi cho vay gốc 4 tỉ đồng, nay chào giá bán chưa tới 6 tỉ đồng mà vẫn chưa tìm được người mua”. Bất chấp thông tin của các doanh nghiệp bất động sản khẳng định thị trường ấm lên, tài sản thế chấp là nhà đất tiếp tục khó phát mãi.

Việc chuyển nợ thành vốn góp cũng không hẳn xuôi chèo mát mái vì các ngân hàng muốn vốn góp được chuyển từ nợ ấy có thanh khoản, có đầu ra. Ngân hàng thường chọn doanh nghiệp niêm yết để có thể tận dụng cơ hội thoái vốn trên sàn hoặc thành chủ của các dự án có triển vọng bán được sản phẩm, kiểu nhà ở xã hội, nhà tái định cư, hoặc dự án gần đến giai đoạn hoàn thiện, sắp tung hàng ra thị trường. Giữa việc bán nợ xấu cho VAMC và đẩy nhanh thu hồi nợ, ngân hàng chọn cách thức thứ hai vì như thế còn tránh được “vạch áo cho người xem lưng”.

Có ngân hàng băn khoăn một khi không hoàn thành chỉ tiêu bán nợ sẽ bị chế tài, kể cả thanh tra, giám sát vào làm việc. Từ đây củng cố thêm các lập luận của cơ quan quản lý để tiến hành tái cơ cấu ngân hàng. Trên thực tế có sự chênh nhau giữa số liệu nợ xấu từng ngân hàng báo cáo với số nợ xấu được cơ quan thanh tra, giám sát đưa ra. Đối chiếu nợ giữa tổ chức tín dụng và NHNN để tìm ra số nợ xấu xác thực là quá trình phức tạp vì phải phân tích, đánh giá từng khoản vay cụ thể.

Đến nay, NHNN vẫn nhận định bán nợ là cơ hội cho các tổ chức tín dụng. “Tôi đưa cho anh một khoản tiền, tất nhiên anh phải trả lãi hàng năm, để anh có nguồn kinh doanh, làm ra lợi nhuận, lấy lợi nhuận đó xử lý nợ xấu, trong khi anh vẫn trực tiếp quản lý tài sản đảm bảo của khoản nợ, anh đâu có thiệt hại gì?” - một quan chức cấp cao NHNN từng phân tích. Các ngân hàng lại nhìn nhận việc bán nợ theo hướng “quyền tự chủ”. Lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ: “VAMC cân nhắc, xem xét rất kỹ trước khi mua nợ. Chất lượng khoản nợ, chất lượng tài sản thế chấp phải ở mức nào họ mới mua, mà giá mua cũng thường bị chiết khấu. Bán nợ rồi, ngân hàng vẫn phải lo thu hồi nợ đó. Mỗi khi có khả năng xử lý nợ, phải trình bày, xin phép VAMC”. Thủ tục là điều các ngân hàng muốn tránh và điều họ ngại hơn nữa là trích lập dự phòng.                  

Cần nhớ bán nợ cho VAMC chỉ là một khâu trong việc quy tập nợ xấu về một mối, mang tính kỹ thuật hơn là biến nợ thành tiền thật và đưa vào vòng quay lưu thông kinh tế. VAMC đại diện cho Nhà nước, đang trở thành một chủ đầu tư trường vốn “ôm” đống tài sản thế chấp chờ thời điểm bán ra khi thị trường bất động sản phục hồi. Thời gian “ôm” dài ngắn chưa thể biết. Trước mắt, chỉ thấy còn ngổn ngang lo toan của các ngân hàng khi họ phải “phơi” ra ngóc ngách nợ. Đấy là chuyện giới kinh doanh tiền tệ không bao giờ muốn! 

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đẩy mạnh chương trình cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà (20/03/2015)

>   Một số vấn đề pháp lý về tuân thủ đạo Luật tuân thủ thuế Hoa kỳ trong lĩnh vực ngân hàng (20/03/2015)

>   Cảng Cam Ranh: IPO ế, ngân hàng MSB sẽ gánh “cục nợ”? (24/03/2015)

>   Hà Nội: Tín dụng tháng 3 tăng 1.8% (20/03/2015)

>   Basel II tại Việt Nam: Từng bước tiệm cận với chuẩn quốc tế (20/03/2015)

>   Chính sách tỷ giá - đâu mới là mục tiêu thực sự? (20/03/2015)

>   Kiểm toán đề án tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước (20/03/2015)

>   Neo tỉ giá đang gây bất lợi cho xuất khẩu? (20/03/2015)

>   Đến lúc này phải dằn túi vài xấp đôla (20/03/2015)

>   Vàng yên, đô “chạy” vì sao? (19/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật