Thứ Sáu, 20/03/2015 18:14

Một số vấn đề pháp lý về tuân thủ đạo Luật tuân thủ thuế Hoa kỳ trong lĩnh vực ngân hàng

Kể từ ngày 31/3/2015, phần lớn các tổ chức tài chính nước ngoài trong đó bao gồm tổ chức tài chính của Việt Nam sẽ phải cung cấp các thông tin về tài khoản/tài sản của khách hàng của mình cho Cục Thuế Vụ Hoa Kỳ để tránh việc bị khấu trừ thuế từ các khoản thu nhập có nguồn gốc Hoa Kỳ của chính mình.

Quy định trên là một trong những chế tài xử phạt đối với các tổ chức tài chính nước ngoài không tuân thủ quy định về cung cấp thông tin tại Đạo luật Tuân thủ thuế Hoa Kỳ (viết tắt là FATCA) – một Đạo luật do Quốc hội Hoa Kỳ ban hành ngày 18/3/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014 – một Đạo luật do Quốc hội Hoa Kỳ ban hành nhưng có tầm ảnh hưởng đối với tất cả các tổ chức tài chính nước ngoài có thu nhập từ Hoa Kỳ.

Mục đích của việc ban hành FATCA là nhằm ngăn ngừa các hành vi trốn thuế của đối tượng phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ. Để làm được điều này, Cục Thuế vụ Hoa Kỳ phải thu thập các thông tin về tài khoản/tài sản của đối tượng phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ tại các quốc gia trên thế giới để đảm bảo rằng họ thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình. Theo FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài có hai lựa chọn, một là cung cấp đúng và đầy đủ thông tin của khách hàng là người Hoa Kỳ cho Cục Thuế vụ Hoa Kỳ; hoặc Hai là, nếu từ chối cung cấp thông tin thì có khả năng phải chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập đánh trên (i) thu nhập từ chứng khoán có nguồn gốc tại Hoa Kỳ; (ii) tiền lãi từ tài khoản tiền gửi ngân hàng mở tại Hoa Kỳ hay chi nhánh nước ngoài của ngân hàng Hoa Kỳ; (iii) tổng các khoản thu từ mua bán chứng khoán của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã đưa ra hai hình thức lựa chọn để thực hiện cung cấp và trao đổi thông tin: (i) từng tổ chức tài chính trực tiếp ký các thỏa thuận Tổ chức Tài chính Nước ngoài (thỏa thuận FFIs) với Cục Thuế vụ Hoa Kỳ; (ii) cơ quan thuộc Chính phủ của quốc gia nơi có trụ sở tổ chức tài chính ký thỏa thuận Liên Chính phủ (IGA) với cơ quan thuộc Chính phủ của Hoa Kỳ. Đối với trường hợp (ii) có thể có các mô hình khác nhau tùy vào việc quốc gia ký kết và Hoa Kỳ đã có các thỏa thuận song phương về tránh đánh thuế hai lần hoặc tùy thuộc vào lựa chọn của các bên về đối tượng cung cấp thông tin cho Cục thuế vụ Hoa Kỳ (là cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ký kết hay chính bản thân tổ chức tài chính tại quốc gia đó).

Bài viết này sẽ tập trung vào các vấn đề pháp lý mà tổ chức tín dụng Việt Nam có thể gặp phải đối với hai hình thức tuân thủ FATCA.

I. Đối với hình thức ký trực tiếp Thỏa thuận FFI giữa các tổ chức tài chính nước ngoài với Cục Thuế vụ Hoa Kỳ

Đối với hình thức này, việc đầu tiên, các tổ chức tài chính nước ngoài trong đó bao gồm các tổ chức tín dụng Việt Nam phải đăng ký mã số GIIN với Cục Thuế vụ Hoa Kỳ. Hành động này được xem như là một sự chấp thuận của tổ chức tài chính nước ngoài về việc sẽ cung cấp bất kỳ thông tin về tài khoản có yếu tố Hoa Kỳ cho Cục Thuế vụ Hoa Kỳ.

Tiếp đó, các tổ chức tài chính phải ký kết Thỏa thuận FFIs để ràng buộc trách nhiệm báo cáo và trách nhiệm khấu trừ đối với các tài khoản chống đối – tài khoản của các chủ tài khoản từ chối việc cung cấp/bổ sung thông tin cho tổ chức tài chính báo cáo.

Các tổ chức tài chính phải tuân thủ bao gồm các tổ chức có hoạt động nhận tiền gửi; các tổ chức có hoạt động gửi giữ; các tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư; các tổ chức thực hiện hoạt động bảo hiểm; công ty quản lý quỹ và các quỹ… Tuy nhiên, một số đối tượng được loại trừ khỏi danh sách được coi là tổ chức tài chính gồm hầu hết cơ quan của Chính phủ; tổ chức phi lợi nhuận; một số tổ chức tài chính quy mô nhỏ, tổ chức tài chính địa phương; một số quỹ hưu trí…

Tính đến hết tháng 12/2014, theo thông tin từ trang điện tử của Cục Thuế vụ Hoa Kỳ, đã có khoảng 146 tổ chức tài chính Việt Nam và các chi nhánh của các tổ chức tài chính Việt Nam hay chi nhánh của tổ chức tài chính nước ngoài tại Việt Nam đã được Hoa Kỳ chứng nhận là tổ chức tài chính tuân thủ thông qua hình thức cấp cho mỗi tổ chức tài chính, chi nhánh một mã số GIIN.

Như đã đề cập, với việc đăng ký mã số GIIN, các tổ chức tài chính này cam kết sẽ cung cấp thông tin về chủ tài khoản khách hàng có dấu hiệu Hoa Kỳ cho Cục Thuế vụ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, một số quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực ngân hàng sẽ có thể trở thành rào cản đối với để các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện cam kết của mình, cụ thể như sau:

(i) Thông tin phải cung cấp là thông tin được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam

Khoản 2 Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Khoản 3 Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.

Khoản 15 Điều 5 Quyết định số 45/2007/QĐ-NHNN ngày 14/12/2007 về độ mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng quy định: “Tài liệu liên quan đến tiền gửi và tài sản khác của từng khách hàng tại các tổ chức tín dụng” là tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng thuộc độ “mật”.

Như vậy, theo quy định trên, các thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các thông tin liên quan đến giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng là những thông tin phải được bảo mật, không được tiết lộ cho bên thứ ba nếu không được (i) cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc (ii) không được sự chấp thuận của chính khách hàng.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là trong trường hợp nào và cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng và liệu ngay cả trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có được sự chấp thuận của chính khách hàng thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó có được đương nhiên cung cấp thông tin cho Cục Thuế vụ Hoa Kỳ hay không?

(ii) Quy định về trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng:

Khoản 4 Điều 5 Nghị định 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng quy định: “Tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng chỉ được cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ vào quy định ở trên, phạm vi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng chỉ gói gọn trong năm mục đích: (i) thanh tra, (ii) điều tra, (iii) truy tố, (iv) xét xử, (v) thi hành án.

Như vậy, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng cho một mục đích khác không thuộc một trong năm mục đích kể trên là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 70.

(iii) Quy định về việc cung cấp thông tin trong trường hợp nhận được sự đồng ý của khách hàng:

Mặc dù khoản 3 Điều 14 Luật các Tổ chức tín dụng có quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng.

Tuy nhiên, theo quy định đã trích dẫn ở trên, tài liệu liên quan đến tiền gửi và tài sản khác của từng khách hàng tại các tổ chức tín dụng là tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng thuộc độ “mật”.

Khoản 1 Điều 38 Luật Ngân hàng Nhà nước số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010 quy định : “Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lập danh mục, thay đổi độ mật, giải mật bí mật nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định; bảo vệ bí mật của Ngân hàng Nhà nước và của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.

Đồng thời, Điều 17 Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước quy định: “khi tiến hành chương trình hợp tác quốc tế có liên quan đến bí mật nhà nước thì phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ bí mật nhà nước”. Và điểm b khoản 2 Điều 11 Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1087/2003/QĐ-NHNN ngày 17/9/2003 quy định : “khi tiến hành chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ, nếu có yêu cầu phải cung cấp những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ theo nguyên tắc: b) Bí mật nhà nước thuộc độ Mật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước duyệt”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, các tổ chức nhận tiền gửi sẽ không được phép tự động cung cấp thông tin có liên quan đến tài sản, tài khoản tiền gửi của khách hàng cho cá nhân, tổ chức nước ngoài ngay cả khi có sự chấp thuận của chính chủ tài khoản bởi các thông tin này được bảo vệ theo chế độ mật và chỉ được thực hiện sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước duyệt và ngay cả khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước duyệt thực hiện, việc cung cấp thông tin đó cũng cần phải dựa trên cơ sở là nhằm tiến hành chương trình hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, một vấn đề nữa đặt ra ở đây là cần phải xác định phạm vi thông tin bởi phạm vi thông tin phải cung cấp theo quy định của FATCA có thể không trùng với với phạm vi thông tin được coi là “mật” theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vậy một câu hỏi nữa được đặt ra cho nhà quản lý đó là, đối với những thông tin không được coi là “mật” theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tổ chức tín dụng có được tự động cung cấp thông tin hay không? Vì vậy, khi đi vào triển khai thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước cần phải rà soát phạm vi thông tin cần phải cung cấp một cách cụ thể để có ứng xử phù hợp.

II. Đối với hình thức cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Thỏa thuận Liên Chính phủ (Intergovernmental Agreements - IGA) với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ:

Với hình thức này, Hoa Kỳ sẽ ký với Chính phủ các quốc gia một trong hai phiên bản IGA. IGA theo mô hình 1 là mô hình tổ chức tài chính báo cáo cho Cục thuế vụ Hoa kỳ thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước sở lại và IGA theo mô hình 2 là mô hình tổ chức tài chính báo cáo trực tiếp cho Cục thuế vụ Hoa kỳ. Cả hai mô hình này có thể được thực hiện ngay cả khi giữa quốc gia đó và Hoa Kỳ chưa có thỏa thuận về tránh đánh thuế hai lần.

Khi ký kết thỏa thuận theo một trong hai mô hình này, quốc gia ký kết phải cam kết gỡ bỏ tất cả trở ngại về mặt pháp lý để có thể tuân thủ các quy định của FATCA và phải giảm bớt gánh nặng cho các tổ chức tài chính có trụ sở tại quốc gia đó.

Việc một quốc gia lựa chọn hình thức ký kết thỏa thuận Liên chính phủ với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ không làm thay đổi nghĩa vụ buộc tổ chức tài chính nước ngoài phải đăng ký mã số GIIN trên trang thông tin điện tử về FATCA và phải thông báo cho cơ quan khấu trừ thuế mã số GIIN của mình. Đối với các quốc gia lựa chọn mô hình 1, thời hạn phải thông báo cho cơ quan khấu trừ thuế mã số GIIN của mình là ngày 01/01/2015. Còn đối với các quốc gia lựa chọn mô hình 2, tổ chức tài chính phải đăng ký mã số GIIN với Cục thuế vụ Hoa Kỳ và phải đồng ý tuân thủ các quy định như tại thỏa thuận FFIs.

Một điểm đáng lưu ý ở đây là tổ chức tài chính nước ngoài đã đăng ký mã số GIIN và ký thỏa thuận FFIs để cung cấp thông tin trực tiếp cho Cục thuế vụ Hoa Kỳ có thể thay đổi hình thức tuân thủ theo thỏa thuận IGA khi quốc gia nơi đặt trụ sở của tổ chức tài chính kỳ IGA theo mô hình 1.

Sự khác biệt giữa mô hình này là quy trình cung cấp thông tin. Trong mô hình 1, các tổ chức tài chính có trụ sở tại quốc gia nước đối tác cần phải rà soát, định dạng chủ tài khoản có dấu hiệu Hoa Kỳ và cung cấp các thông tin đó cho cơ quan có thẩm quyền của mình, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nước đối tác sẽ chuyển các thông tin nói trên cho Cục thuế vụ Hoa Kỳ.

Trong khi đó trong mô hình 2, cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia nước đối tác chấp thuận và cho phép tổ chức tài chính nước ngoài có trụ sở tại quốc gia đó trực tiếp gửi báo cáo các thông tin về chủ tài khoản có dấu hiệu Hoa Kỳ cho Cục thuế vụ Hoa Kỳ.

Như đã đề cập ở phần trên, việc lựa chọn hình thức ký Thỏa thuận Liên Chính phủ, dù theo mô hình 1 hay mô hình 2 cũng có thể gặp phải rào cản về mặt pháp lý bởi các quy định của pháp luật trong nước có khả năng xung đột với quy định của Thỏa thuận Liên Chính phủ.

Để giải quyết vấn đề này, khoản 1 Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế số 41/2005/QH11 ngày 14/6/2005 quy định: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.

Do vậy, nếu hình thức Thỏa thuận Liên Chính phủ (IGA) là Điều ước quốc tế thì xung đột luật đương nhiên được giải quyết do Điều ước quốc tế được ưu tiên áp dụng trực tiếp.

Như vậy, để thực hiện các quy định của FATCA, không chỉ các tổ chức tài chính – đối tượng trực tiếp chịu tác động mà ngay cả chính phủ quốc gia nơi có trụ sở của các tổ chức tài chính cũng chịu những sức ép để xây dựng cơ chế và chính sách, đảm bảo tổ chức tài chính có đầy đủ điều kiện để tuân thủ quy định tại FATCA. Về mặt khách quan, việc một đạo luật của nước ngoài có tầm ảnh hưởng đến một quốc gia khác là một việc khó chấp nhận, tuy nhiên, khi đã tham gia vào thị trường tài chính quốc tế, chắc chắn các tổ chức tài chính phải chấp nhận các rủi ro chính sách và cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia cần xem xét hỗ trợ một cách tốt nhất về mặt kỹ thuật để các tổ chức tài chính có thể hạn chế rủi ro này.

sbv

Các tin tức khác

>   Cảng Cam Ranh: IPO ế, ngân hàng MSB sẽ gánh “cục nợ”? (24/03/2015)

>   Hà Nội: Tín dụng tháng 3 tăng 1.8% (20/03/2015)

>   Basel II tại Việt Nam: Từng bước tiệm cận với chuẩn quốc tế (20/03/2015)

>   Chính sách tỷ giá - đâu mới là mục tiêu thực sự? (20/03/2015)

>   Kiểm toán đề án tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước (20/03/2015)

>   Neo tỉ giá đang gây bất lợi cho xuất khẩu? (20/03/2015)

>   Đến lúc này phải dằn túi vài xấp đôla (20/03/2015)

>   Vàng yên, đô “chạy” vì sao? (19/03/2015)

>   Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của Industrial Bank of Korea - Hà Nội là 140% (19/03/2015)

>   Nhân viên ngân hàng và công an phường phá cửa nhà dân xiết nợ (19/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật