Góc nhìn Point & Figure: Triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam là khá tốt
Theo các tín hiệu từ Point & Figure thì triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2015 là khá tốt. Tuy nhiên, cũng có một số mốc mà giới đầu tư cần lưu ý.
Khoảng thời gian tạo đáy kéo dài
Cả hai đồ thị của HNX-Index và VN-Index đều tạo nên nền (base) khá vững chắc và dài. Điều này cho thấy khoảng thời gian hình thành đã kéo dài rất lâu.
Đối với VN-Index, quá trình tạo nền (base) theo Point & Figure(*) đã kéo dài từ năm 2008 đến 2012. Như vậy là mất gần 4 năm để hình thành và chỉ mới bắt đầu tăng trưởng từ 2013 đến nay (thể hiện qua cột X gần nhất).
(*) Point & Figure (P&F) là phương pháp phân tích đồ thị khá hiệu quả trên thế giới nhưng đòi hỏi chuỗi dữ liệu khá lớn nên chỉ mới phổ biến ở Việt Nam trong vài năm gần đây.
Đồ thị P&F biểu thị cung cầu ở các mức giá. Mỗi cột X cho thấy cầu đang vượt cung (giai đoạn tăng giá), mỗi cột O cho thấy cung đang vượt cầu (giai đoạn giảm giá) và các cột có chiều cao thấp cho thấy cung cầu khá cân bằng.
Đối với HNX-Index thì quá trình tạo nền (base) được hình thành từ 2010 đến 2013. Quá trình tăng trưởng chỉ thực sự bắt đầu tư 2014 đến nay.
Chuẩn bị test các kháng cự mạnh
Vùng 600 - 650 điểm là rất quan trọng đối với VN-Index. Vùng này không chỉ là đỉnh cũ của năm 2009 mà còn là vùng cần phải vượt qua để hình thành mẫu hình Double Top(**). Nếu không vượt được vùng này thì khả năng chững lại đà giảm ngắn hạn là khá cao.
Một mẫu hình tương tự cũng sẽ hình thành trên HNX-Index nếu chỉ số này vượt vùng 90 - 95 điểm. Một điểm đáng lưu ý khác đối với HNX-Index là đường trendline 45 độ cũng đang duy trì trong vùng 90 – 95 điểm nên dự kiến đây sẽ là vùng kháng cự mạnh.
(**) Double Top của P&F có ý nghĩa ngược lại so với Double Top của đồ thị thông thường như đồ thị dạng đường, đồ thị dạng cột... Nếu ở các đồ thị thông thường, mẫu hình Double Top thường báo hiệu cho một đợt giảm điểm mạnh thì đối với đồ thị P&F mẫu hình này mang ý nghĩa tích cực và chuẩn bị có một đợt tăng giá mạnh sắp xuất hiện.
Tỷ lệ Reward to Risk là khá cao
VN-Index - Điểm vào là mức 590 điểm. Người viết giả sử điểm vào (entry) của nhà đầu tư là mức 590 điểm, cách tính mục tiêu dựa trên điểm breakout của ngưỡng 550 điểm. Ta sẽ có các tính toán như sau:
Vertical Count Target = 200 + (7x50x3) = 1,250
Horizontal Count Target = 200 + (4x50x3) = 800
Điểm cắt lỗ (Stop price) = 250
Reward to Risk (Vertical Count) = 650/340 = 1.91
Reward to Risk (Horizontal Count) = 200/340 = 0.58
Reward to Risk trung bình = 1.24
HNX-Index - Điểm vào là mức 86 điểm. Người viết giả sử điểm vào (entry) của nhà đầu tư là mức 86 điểm, cách tính mục tiêu dựa trên điểm breakout của ngưỡng 85 điểm. Ta sẽ có các tính toán như sau:
Vertical Count Target = 50 + (7x5x3) = 155
Horizontal Count Target = 50 + (4x5x3) = 110
Điểm cắt lỗ (Stop price) = 60
Reward to Risk (Vertical Count) = 68/16 = 4.25
Reward to Risk (Horizontal Count) = 23/16 =1.43
Reward to Risk trung bình = 2.84
Mặc dù thị trường đã tăng khá nhiều kể từ mức đáy nhưng theo các tính toán trên thì triển vọng tăng trưởng của thị trường Việt Nam vẫn còn khá cao và rủi ro là không quá lớn nếu so với mức lợi nhuận tiềm năng (Reward to Risk trung bình của 2 chỉ số đều trên 1).
Vì vậy, nhà đầu tư Việt Nam có thể tin tưởng vào triển vọng thị trường trong năm 2015. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các vùng kháng cự 600 – 650 điểm và 90 – 95 điểm vì các chỉ số thị trường có thể rung lắc mạnh khi test lại các vùng này.
Nguyễn Quang Minh
|