Cổ phiếu Ngân hàng: Điều chỉnh mạnh là cơ hội hay rủi ro?
Cổ phiếu Ngân hàng liên tục có những phiên điều chỉnh mạnh sau nhịp tăng trưởng khá dài bắt đầu từ tháng 12/2014. Liệu đợt sụt giảm này đã làm thay đổi xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu này, hay đây chỉ là những nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn?
Phân tích chỉ số VS-Banking và các cổ phiếu nổi bật hy vọng có thể giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về xu hướng của nhóm cổ phiếu này cũng như chiến lược cho giai đoạn sắp tới.
Chỉ số VS-Banking
Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy nhịp điều chỉnh hiện tại của VS-Banking đang được ủng hộ bởi nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là phân kỳ giá xuống của MACD và +DI với giá. Vì vậy, nguy cơ chỉ số nhóm cổ phiếu Ngân hàng điều chỉnh tiếp tục vẫn còn trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, MACD đang lao dốc nên có thể sẽ phá vỡ ngưỡng 0 trong 1 – 2 tuần tới. Chỉ báo ADX cũng quay đầu giảm mạnh đều cho thấy xu hướng tăng của VS-Banking đang yếu đi và có khả năng bị đảo ngược.
Xem xét trên góc độ dài hạn, VS-Banking đã test đỉnh cũ tháng 10/2009 và thoái lùi khá mạnh. Đây được coi là ngưỡng kháng cự dài hạn quan trọng nên giá khó có thể phá vỡ nhanh chóng trong ngắn hạn. Thất bại trong việc phá vỡ ngưỡng kháng cự dài hạn có thể khiến thời gian điều chỉnh kéo dài hơn dự kiến.
Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng dài hạn vẫn tiếp tục được duy trì khi mà SMA100 (vùng 106 – 108 điểm) liên tục tăng trưởng ổn định. Như vậy, các chỉ báo kỹ thuật đều nghiêng về khả năng VS-Banking sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng không có nhiều rủi ro đảo ngược xu hướng dài hạn.
Phân tích cổ phiếu Ngân hàng nổi bật
BID - Ngân Hàng TMCP Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam
Tín hiệu kỹ thuật: BID đã có những phiên sụt giảm liên tục khi test lại vùng giá cao nhất trong lịch sử 18,000 – 19,000, được xác lập vào thời điểm chào sàn.
Mẫu hình nến Island Cluster Reversal đã hình thành trên đồ thị của BID (Daily chart). Mẫu hình này là mẫu hình đảo chiều giảm giá điển hình nên sự xuất hiện của nó khiến rủi ro ngắn hạn tăng lên.
Chỉ báo MACD cắt xuống dưới đường tín hiệu và Bollinger Bands bung nén mạnh là các dấu hiệu củng cố thêm cho khả năng điều chỉnh. Trước mắt, BID được kỳ vọng sẽ có lực hỗ trợ tương đối vững chắc ở vùng 14,500 - 15,000, vùng xuất hiện khoảng trống (window, gap) trong giai đoạn BID bứt phá và có sự hiện diện khá dày đặc các mức đỉnh cũ trong quá khứ.
Khuyến nghị: Mua vào khi test lại vùng 14,500 – 15,000 và nhanh chóng thoát ra khi vùng này bị xuyên thủng. Trong trường hợp BID tiếp tục tăng trưởng khi bật lên trở lại từ vùng hỗ trợ thì vùng 18,000 – 19,000 sẽ tiếp tục đóng vai trò kháng cự mạnh.
CTG – Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam
Tín hiệu kỹ thuật: Vùng 15,900 – 16,400 có sự hiện diện của Rising Window (Runaway Gap) và trùng với ngưỡng Fibonacci Retracement 50.0%, nên sẽ đóng vai trò hỗ trợ tương đối vững chắc cho giá.
Tuy điều chỉnh mạnh nhưng các tín hiệu kỹ thuật trên CTG không quá tiêu cực. MACD vẫn chưa phá vỡ ngưỡng 0 và giá vẫn duy trì trên SMA100 (vùng 14,600 – 14,800) cho thấy xu hướng tăng vẫn đang duy trì. Mặt khác, bên mua hầu như đều chủ động trên 55% tổng lệnh khớp trong các phiên gần đây nên rủi ro không quá lớn.
Thanh khoản của CTG liên tục duy trì ở mức rất cao và tăng trưởng trong những nhịp giảm điểm vừa qua. Điều này cho thấy lực cầu vẫn khá dồi dào và khả năng CTG có thể bật lại từ vùng 15,900 – 16,400 là khá cao. Nếu vùng này bị phá vỡ hoàn toàn thì SMA100 (vùng 14,600 – 14,800) sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh.
Khuyến nghị: Mua vào trong vùng 15,900 – 16,400 và nhanh chóng thoát ra khi vùng này bị xuyên thủng.
EIB - Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu VN
Tín hiệu kỹ thuật: Dư mua áp đảo và gấp hơn 5 lần so với dư bán trong phiên ngày 04/02/2015. EIB hiện đang test lại nhóm MA dài hạn (SMA100, SMA200) ở vùng 12,200 – 12,700. Vùng được kỳ vọng sẽ trụ vững trong đợt điều chỉnh lần này của EIB.
Tuy nhiên, giá đã rơi xuống dưới đường middle của Bollinger Bands trong khi dải này đang có dấu hiệu bung nén mạnh mẽ cho thấy EIB đang quay lại xu hướng giảm điểm.
Bên cạnh đó, EIB có tín hiệu kỹ thuật tiêu cực hơn các cổ phiếu khác là ADX đã giảm xuống vùng khá thấp (dưới 25), trong khi -DI cũng đã cắt lên +DI. Do đó, nếu ADX có dấu hiệu tăng trở lại thì sẽ là tín hiệu cho thấy xu hướng giảm của EIB bắt đầu mạnh dần lên.
Khuyến nghị: Mua khi giá test vùng 12,200 – 12,700 và nhanh chóng thoát ra khi vùng này bị xuyên thủng. Ngưỡng cản ngắn hạn là vùng 13,700 – 14,500 (đỉnh cũ gần nhất).
MBB - Ngân Hàng TMCP Quân Đội
Tín hiệu kỹ thuật: Sau khi +DI cho tín hiệu phân kỳ giá xuống, MBB đã rơi xuống vùng 12,900 – 13,500. Đây là vùng có sự hội tụ của các đường SMA100, SMA200 và là vùng giao dịch dày đặc (congestion zone) trong giai đoạn tháng 09 - 12/2014. Do đó, MBB có khả năng sẽ bật lại sau khi test vùng hỗ trợ mạnh này. Đây là cơ hội mua vào hiếm có cho các nhà đầu tư theo trường phái bắt đáy.
Thanh khoản MBB cũng được cải thiện khá tích cực trong hai phiên gần đây. Bên cạnh đó, Stochastic Oscillator cũng đã rơi vào vùng oversold, cũng như ADX chưa cho thấy xu hướng giảm có dấu hiệu mạnh dần lên.
Khuyến nghị: Mua vào khi test lại vùng 12,900 – 13,500 và nhanh chóng thoát ra khi vùng này bị xuyên thủng. Ngưỡng cản ngắn hạn: 14,000 – 14,300 (middle của Bollinger Bands)
VCB - Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam
Tín hiệu kỹ thuật: Đã xác lập mẫu hình Double Top với đặc trưng thanh khoản giảm dần theo thời gian. Do đó, giá VCB có thể rơi xuống vùng mục tiêu của mẫu hình (vùng 31,000 - 32,000). Vùng này cũng tương ứng với ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2%.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Falling Window thì nhiều khả năng đà giảm sẽ còn kéo dài. Nếu khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì bên trên mức trung bình 20 phiên (tương đương 1.28 triệu đơn vị) thì khả năng giảm sâu sẽ được hạn chế.
Khuyến nghị: Mua vào khi test lại vùng giá 31,000 – 32,000 và nhanh chóng thoát ra khi vùng này bị xuyên thủng. Trong trường hợp VCB tiếp tục tăng trưởng thì vùng đỉnh cũ 37,000 – 39,000 sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh.
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|