Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: BVS - CTCP Chứng Khoán Bảo Việt
Nếu giá test lại trendline dài hạn (tương đương vùng 11,000 – 12,500) thì nhà đầu tư có thể mua vào vì vùng này đồng thời cũng trùng với cận dưới của kênh giá ngắn hạn nên khả năng trụ vững rất cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần duy trì quan điểm bán ra nhanh chóng nếu giá phá vỡ hoàn toàn vùng này.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Trendline dài hạn trụ vững trong những đợt sụt giảm sâu. Trendline dài hạn duy trì từ tháng 02/2012 đến nay với nhiều lần test thành công vào tháng 11/2012, tháng 09/2013… Gần đây nhất là trong đợt sụt giảm tháng 05/2014, ngưỡng này đã trụ vững. Giá đã bứt phá rất mạnh sau khi test trendline dài hạn và đà tăng trưởng vẫn duy trì cho đến nay.
Đường trendline dài hạn đang duy trì trong vùng 11,000 – 12,500 nên nếu giá test lại vùng này thì sẽ là cơ hội mua vào khá hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Vẫn chưa phá vỡ SMA100. Chỉ báo này đã test lại đường SMA100 trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa phá vỡ ngưỡng này.
SMA100 hiện đang duy trì trong vùng 14,700 – 15,000. Trong quá khứ ngưỡng này từng đóng vai trò kháng cự mạnh khá hiệu quả nên dự kiến BVS sẽ khó có thể phá vỡ nhanh chóng ngưỡng này.
Ngắn hạn: Thanh khoản duy trì mức thấp và giảm đến 50% nếu so với giai đoạn tháng 08/2014. Điều này cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư đang tăng lên trong bối cảnh xu hướng vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Stochastic Oscillator có thể rơi khỏi vùng overbought. Chỉ báo Stochastic Oscillator đã duy trì trong vùng overbought trong thời gian khá lâu. Vì vậy, nếu trong những phiên tới Stochastic Oscillator rơi khỏi vùng này thì nguy cơ điều chỉnh sẽ tăng cao.
Kênh giá ngắn hạn cũng đang duy trì tốt nên dự kiến giá vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong kênh này trong những tuần tới.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci (dùng cho trung và dài hạn):
• Ngưỡng 0% : 16,800
• Ngưỡng 23.6% : 14,900
• Ngưỡng 38.2% : 13,900
• Ngưỡng 50.0% : 13,000
• Ngưỡng 61.8% : 12,000
• Ngưỡng 100.0%: 9,000
Chiến lược trading: Nếu giá test lại trendline dài hạn (tương đương vùng 11,000 – 12,500) thì nhà đầu tư có thể mua vào vì vùng này đồng thời cũng trùng với cận dưới của kênh giá ngắn hạn nên khả năng trụ vững rất cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần duy trì quan điểm bán ra nhanh chóng nếu giá phá vỡ hoàn toàn vùng này.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Lợi nhuận năm 2014 tăng trưởng 52%. Năm 2014, tổng doanh thu của BVS đạt 305 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động môi giới tăng mạnh hơn 2.4 lần đạt 109 tỷ đồng, hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn tăng trưởng 21.7% đạt 61 tỷ đồng, hoạt động khác đóng góp nhiều nhất vào doanh thu với 126 tỷ đồng tăng 24.8%.
Chi phí trực tiếp hoạt động kinh doanh chứng khoán và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 60.3% và 19.4% tương ứng ở mức 114 tỷ đồng và 59 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng của chi phí vẫn thấp hơn so với doanh thu nên lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh đạt 131.3 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2013. Do BVS vẫn còn đang lỗ luỹ kế nên BVS tiếp tục không phải chi phí thuế thu nhập. Do đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng đạt 131 tỷ đồng, tăng 52.8 % so với năm trước.
Vượt kế hoạch năm 2014. Với kết quả doanh thu đạt 305 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 131 tỷ đồng đạt được trong năm 2014, BVS đã vượt 54% kế hoạch doanh thu và vượt 45.5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2014.
Lượng tiền mặt gia tăng. Tính đến cuối năm 2014, lượng tiền và tương đương tiền của BVS ở mức 710.5 tỷ đồng, tăng 32.8% so với cuối năm 2013; trong đó, chủ yếu là tiền gửi nhà đầu tư với gần 482 tỷ đồng, tăng mạnh 45.6% so với 2013. Như vậy, tiền và tương đương tiền thuộc sở hữu của BVS đến cuối năm 2014 là 228.5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013.
Giảm mạnh đầu tư ngắn hạn, gia tăng đầu tư dài hạn. Tổng giá trị khoản mục đầu tư ngắn và dài hạn của BVS đến cuối năm 2014 là 647 tỷ đồng, giảm 31.1% so với đầu năm. Trong đó, BVS giảm mạnh hoạt động đầu tư ngắn hạn trong khi gia tăng đầu tư dài hạn.
Cụ thể, khoản mục đầu tư ngắn hạn đạt gần 390 tỷ đồng, giảm mạnh 50% so với cuối năm 2013, chủ yếu do giảm khoản mục đâu tư ngắn hạn ủy thác của nhà đầu tư. Dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn là 107 tỷ đồng, chiếm đến 27.4% tổng đầu tư ngắn hạn. Khoản mục đầu tư dài hạn của BVS đạt gần 258 tỷ đồng, tăng 63.5% so với năm 2013. Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn là 38.2 tỷ đồng, chiếm 14.8% tổng giá trị đầu tư dài hạn.
Hoạt động đầu tư của BVS tập trung chủ yếu vào trái phiếu với gần 170 tỷ đồng, cổ phiếu 114 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ gần 106 tỷ đồng, chứng khoán khác 80.9 tỷ đồng, tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng là 70 tỷ đồng.
Gia tăng hoạt động hỗ trợ khách hàng. Khoản mục phải thu ngắn hạn khách hàng cuối năm 2014 của BVS đạt 657 tỷ đồng, tăng 42.8% so với cuối năm 2013. Dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi là 17.7 tỷ đồng, chiếm 2.7% tổng khoản mục phải thu ngắn hạn.
Trong đó, phải thu khách hàng về giao dịch chứng khoán tăng mạnh nhất với 73% trong kỳ lên mức 622 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là phải thu cho vay margin là 444 tỷ đồng và phải thu ứng trước cho khách hàng là 176 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy BVS cũng đã gia tăng hoạt động hỗ trợ khách hàng trong năm 2014, tìm kiếm lãi từ hoạt động cho vay và không có gì bất ngờ khi doanh thu khác chiếm tỷ trọng lớn nhất trong năm vừa qua.
Nắm hơn 51% thị phần giao dịch trái phiếu tại HOSE năm 2014. Năm 2014, BVS nắm giữ 51.3% thị phần giao dịch trái phiếu tại HOSE và nắm 3.87% về giá trị giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.
Giao dịch và Định giá. Gần đây, giao dịch của BVS có dấu hiệu suy yếu so với giai đoạn trước đó, với khối lượng giao dịch thấp hơn hẳn so với trung bình phiên 52 tuần ở mức 776 ngàn đơn vị. Chỉ số định giá P/E và P/B hiện tại lần lượt đang ở mức 8.15 lần và 0.80 lần, tại thời điểm cuối năm 2014 lần lượt là 7.49 lần và 0.73 lần.
Kết quả kinh doanh và Chỉ số tài chính tóm tắt của BVS (Nguồn: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|