Cú “nhấn ga” của hàng xa xỉ
Với việc Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) đóng cửa hồi tháng 8 năm nay vì lý do kinh doanh ế ẩm, nhiều người dễ tưởng hàng hiệu, hàng xa xỉ đang ít “đất ” sống ở Việt Nam do nhu cầu thị trường giảm sút. Thực tế không phải như vậy.
* Mất 4,5 tỷ USD nhập hàng xa xỉ về Việt Nam
* Biệt thự 'khủng', hàng xa xỉ và những câu hỏi
* Người Việt 'tiêu' hàng tỷ USD cho hàng xa xỉ
Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 51.000 ô tô nguyên chiếc,
trị giá 1,118 tỉ đô la Mỹ.
|
Hàng xa xỉ là nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong chín tháng đã giảm 2,6% so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ. Nhóm hàng tiêu dùng có giá trị không lớn thì giảm nhưng hai mặt hàng là điện thoại di động và ô tô nguyên chiếc đã tăng mạnh, lần lượt là 13,9% và 93%.
Nhập khẩu điện thoại di động và linh kiện các loại ở mức đáng báo động. Theo thống kê của Tổng cục hải quan, từ đầu năm đến 15-10-2014, nước ta đã nhập 6,38 tỉ đô la Mỹ. Thống kê này không bóc tách số liệu nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc là bao nhiêu và nhập khẩu linh kiện để phục vụ sản xuất điện thoại là bao nhiêu. Song khó có thể nói rằng tất cả nhập khẩu linh kiện phục vụ cho sản xuất điện thoại của các nhà máy lớn như Samsung cũng được thống kê vào mục này. Bởi thống kê còn bóc riêng một danh mục nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị cao hơn gấp đôi mức nhập khẩu điện thoại và linh kiện.
Đây chỉ là những thống kê chính ngạch. Bởi nói riêng về mặt hàng điện thoại, nếu tính đúng, tính đủ cả thị trường nhập lậu, dưới tên gọi “hàng xách tay”, thì tổng nhu cầu tiêu thụ điện thoại di động, nhất là dòng điện thoại di động thông minh ở Việt Nam còn phải cộng thêm một con số tương đương mức thống kê kể trên. Hiện các dòng sản phẩm điện thoại mới như iPhone 6 hay iPhone 6 plus có giá từ 18-27 triệu đồng chưa được phân phối chính thức ở Việt Nam. Khi việc này bắt đầu, dự kiến trong trung tuần tháng 11 tới, lượng tiêu thụ điện thoại di động nguyên chiếc của Việt Nam sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Theo một lãnh đạo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đồng thời là các nhà nhập khẩu xe trên thị trường, tổng dung lượng thị trường của mặt hàng trong chín tháng đã tăng 59% tính trên doanh số bán ra, trong đó 30% là mức tăng của thị phần xe nhập khẩu.
Nhu cầu được đẩy mạnh này là do các mức thuế nhập khẩu theo cam kết của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - AFTA (nay là ATIGA) đang giảm dần trước ngưỡng cửa về 0% vào năm 2018. Hiện tại, mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam chỉ còn 50%. Mặt khác, theo cam kết giảm thuế trong WTO, mức thuế đối với các dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia WTO như Mỹ cũng đã giảm xuống còn 59% hoặc cao hơn chút (tùy loại) so với mức 70% hoặc cao hơn như trước kia.
Vị lãnh đạo VAMA cũng cho biết, số lượng nhập khẩu năm nay tăng đột biến hơn 2.000 xe còn do Bộ Công Thương buộc phải giải quyết nốt các kiến nghị của doanh nghiệp nhập khẩu xe từ năm 2011. Tại thời điểm tháng 6-2011, bộ này ban hành Thông tư 20 chỉ cho phép các nhà nhập khẩu có ủy quyền chính hãng được phép nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Song rất nhiều đơn hàng đã ký trước thời điểm này, đã thanh toán tiền và xuống tàu. Sau nhiều năm đấu tranh, các doanh nghiệp được phép nhập nốt số hàng đã ký trước thời điểm quy định.
Vấn đề là ở chỗ, nhập khẩu ô tô trong vài năm tới sẽ càng tăng vì càng gần tới thời điểm cắt giảm thuế về 0% theo ATIGA, giá xe sẽ hạ hơn, kích thích nhu cầu mua sắm xe mới trên thị trường.
Và không chỉ ô tô hay điện thoại di động, theo các cam kết giảm thuế khác cộng với nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ mỗi ngày một tăng ở một bộ phận dân cư, các mặt hàng thông thường khác như hoa quả, thịt nhập khẩu... sẽ còn nhập về nhiều hơn. Hạn chế hàng chính ngạch đã khó, hạn chế hàng xa xỉ nhập lậu, dưới tên gọi “hàng xách tay” còn khó hơn.
Vì sao nhập khẩu ô tô tăng mạnh?
Nếu năm ngoái, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (CBU) chỉ dừng lại ở mức từ 1.000-3.000 xe/tháng thì từ đầu năm đến nay, con số này tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 10-2014, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc ước đạt 7.000 chiếc với giá trị khoảng 150 triệu đô la Mỹ, nâng tổng số nhập khẩu ô tô từ đầu năm đến nay lên khoảng 51.000 xe với giá trị 1,118 tỉ đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng 76,1% về lượng và tăng 93% về giá trị.
Đây là mức tăng trưởng khá cao so với thị trường chung, bởi lẽ toàn thị trường ô tô trong chín tháng qua chỉ tăng khoảng 39% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng lượng ô tô lắp ráp trong nước (CKD) cũng tăng không tới 25% so với cùng kỳ.
Giới kinh doanh nhận định xe CBU nhập khẩu tăng cao một phần do thị trường ô tô chung tăng cao sau một thời gian dài sụt giảm mạnh, do kinh tế trong nước phần nào đã ổn định trở lại và việc tiếp cận vốn ngân hàng của người mua cũng dễ dàng hơn, lãi suất thấp hơn.
Một lý do khác, là vì từ ngày 1-1-2014, thuế suất thuế nhập khẩu các loại ô tô từ các nước ASEAN giảm về mức 50%, thay vì 60% như năm 2013. Do đó, xe nhập khẩu từ những nước có ngành công nghiệp ô tô mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan và Indonesia ngày càng gia tăng. Một số hãng xe, liên doanh lắp ráp ô tô trong nước trong thời gian qua cũng đã cho ngưng sản xuất một số dòng xe kém cạnh tranh như dòng xe nhỏ để nhập khẩu xe CBU từ các nước trong khu vực. Dòng xe bán tải (pick-up) hiện đã nhập hoàn toàn từ các nhà máy Thái Lan như Ford Ranger, Mazda BT-50, Toyota Hilux...
Ngoài ra, những hãng xe sang, đắt tiền ngày càng gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam với việc thiết lập và mở rộng mạng lưới phân phối. Trong vòng 18 tháng qua, hàng loạt thương hiệu ô tô hạng sang như Rolls-Royce, Bentley, Lexus, Infiniti, Mini, MG Car... đã chính thức bước vào thị trường nước ta.
Giới kinh doanh dự báo thị trường ô tô nhập khẩu từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục sôi động vì nhu cầu mua xe vào dịp cuối năm tăng cao, đặc biệt là khi triển lãm ô tô lớn nhất sắp diễn ra ở TPHCM với 50% đơn vị tham gia triển lãm là các đơn vị nhập khẩu.
Quốc Hùng
|
Ngọc Lan
tbktsg
|