Chuyển giao công nghệ chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng
82% hợp đồng chuyển giao công nghệ (CGCN) về quy trình công nghệ, 80% về bí quyết công nghệ, nhưng công nghệ nhập chủ yếu lại kèm theo máy móc, thiết bị, hầu như không có hợp đồng CGCN độc lập… Hoạt động CGCN ở Việt Nam thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế, lợi nhuận thu về ít - ông Bùi Văn Hùng, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
* Doanh nghiệp FDI đã chuyển giao công nghệ?
* Hợp tác đầu tư với Nhật: Thời điểm vàng
* Vì sao các “đại gia" công nghệ chọn Việt Nam?
Chính sách và môi trường thu hút FDI của Việt Nam chưa khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ
|
CGCN là hình thức mua và bán công nghệ trên cơ sở hợp đồng CGCN đã được thỏa thuận phù hợp với các quy định của pháp luật. Trong xu thế hội nhập, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về quốc gia nào biết ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh. Nhận thức tầm quan trọng của CGCN, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật về CGCN. Đồng thời cho phép CGCN dưới nhiều hình thức: nhập công nghệ, góp vốn bằng công nghệ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển các tổ chức trung gian, tư vấn và môi giới CGCN. Qua đó, CGCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên được khai thác và sử dụng tương đối hiệu quả.
Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, song theo ông Hùng: “CGCN ở Việt Nam vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế, giá trị gia tăng không cao, lợi nhuận thu về ít. Bên cạnh đó thì tính cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường quốc tế còn yếu kém do hầu hết các công nghệ được chuyển giao là các công nghệ đã và đang được sử dụng phổ biển”.
Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), từ năm 1990 đến nay tổng số hợp đồng được phê duyệt CGCN mới chỉ là 296 hợp đồng; số hợp đồng đăng ký tại Bộ KHCN là 529 hợp đồng; Hợp đồng đăng ký tại địa phương cấp là 235 hợp đồng. Điều đáng nói là 82% hợp đồng CGCN về quy trình công nghệ, 80% hợp đồng về bí quyết công nghệ, nhưng công nghệ nhập chủ yếu lại kèm theo máy móc, thiết bị, hầu như không có hợp đồng CGCN độc lập. Trình độ công nghệ nhập cũng chỉ ở mức trung bình và dưới trung bình so với các nước trong khu vực. Còn với số lượng công nghệ kèm theo quyền sở hữu trí tuệ rất thấp (dưới 21%).
Chung quan điểm với ông Hùng, nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả tiếp nhận và CGCN của DN trong nước còn hạn chế, nhất là đối với khu vực kinh tế dân doanh, thể hiện ở việc chủ yếu nhận chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị trong nước. Trong khi đó, rất nhiều các DN nước ngoài (FDI) không CGCN sau thời hạn ký kết. Thực trạng này không phải lỗi của các nhà đầu tư FDI mà cũng không phải lỗi của các DN Việt Nam. Vấn đề rộng hơn nằm ở chính sách và môi trường thu hút FDI của chúng ta không được thiết kế để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động CGCN.
Trước thực trạng đáng ngại nêu trên, các chuyên gia khuyến nghị: Chính phủ cần có chính sách khuyến khích việc chủ động thực hiện CGCN giữa các DN, với sự định hướng từ các cấp; từ quốc gia đến địa phương cũng như giữa từng DN hoạt động trong cùng lĩnh vực. “Các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ để có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu cho DN một cách hiệu quả như trợ cấp, giảm thuế cũng như có những can thiệp về pháp luật về bảo hộ sáng chế hỗ trợ DN xúc tiến hoạt động nghiên cứu áp dụng KHCN vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm”, GS. Finn Tarp, thuộc trường ĐH Copenhagen nhấn mạnh.
Thanh Tâm
công thương
|