Nhượng bộ doanh nghiệp sữa đến bao giờ?
Hơn 2 năm trở lại đây người tiêu dùng phải chấp nhận mua sữa với giá cao. Sự vào cuộc của cơ quan quản lý trong đó có Bộ Tài chính với giải pháp áp trần giá sữa cũng chỉ khiến cho giá sữa giảm nhẹ. Vì sao các doanh nghiệp sữa vẫn đứng ngoài cuộc "siết giá”, trong khi mặt hàng này có tác động lớn đến xã hội?
* Sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm giá mạnh: Giá sữa nội vẫn “ngất ngưởng”
* Giá sữa dễ lên, khó xuống
Người tiêu dùng vẫn đang phải mua sữa với giá cao
|
Cuộc chiến với giá sữa
Chi phí nguyên liệu chế biến sữa, nhất là giá sữa bột nguyên kem đang trên đà giảm nhiệt mạnh (giảm đến 2,57%). Điều này đồng nghĩa với việc giá sữa trong nước có thể giảm, nhưng điều đáng nói là giá sữa trong nước vẫn án binh bất động. Việc để người tiêu dùng vẫn phải mua sữa với giá cao cho thấy chủ trương đưa sữa vào tầm kiểm soát chưa được thực hiện triệt để. Giá sữa vẫn một mình một chợ, neo cao.
Cũng theo cách điều hành mới về mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, từ ngày 1-12 tới, mặt hàng này sẽ thực hiện việc kê khai giá thay vì đăng ký giá như hiện hành. Việc thực hiện đăng ký giá và kê khai giá về cơ bản sẽ không có sự khác biệt lớn. Cục quản lý giá Bộ Tài chính cũng có đề nghị các công ty, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa rà soát tiết giảm các chi phí, đặc biệt là chi phí quảng cáo. Nhưng kết quả được gì? Ngoài biện pháp áp trần như hiện tại cũng như cách can thiệp sâu thị trường bằng biện pháp hành chính để buộc DN giảm giá sữa thì phương pháp điều hành quản lý mặt hàng sữa chưa có đột phá nào hơn khi trên thị trường có 552 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được cơ quan quản lý công bố giá tối đa và giá đăng ký giảm 0,1- 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Nay giá sữa thế giới tiếp tục giảm mà giá sữa thành phẩm vẫn đứng im.
Thị phần sữa Việt Nam hiện nay do công ty nhập khẩu thành phẩm gồm Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu HP Việt Nam và 2 DN nội địa nữa. Có thể nói, mức giá nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm sữa thành phẩm ra sao chỉ có DN biết. Nhiều nghi vấn được đặt ra: các DN sữa đang bắt tau nhau cùng làm giá mặt hàng cho trẻ em này. Khi cùng có những đợt tăng giá như nhau và cùng có mức giảm giá nhẹ giống nhau.
Việc kiểm soát giá thành sữa nguyên liệu, sữa bột, hay các thành phần dầu bơ đang diễn ra khá chồng chéo và mất thời gian. Theo ông Vũ Vĩnh Phú, nguyên giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cơ quan quản lý không dễ tìm ra được chứng cứ chứng minh DN đưa ra mức giá bất hợp lý.
Giá sữa nguyên liệu thế giới giảm, sữa trong nước vẫn "lờ” giảm giá
|
Lợi ích doanh nghiệp quá lớn
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, quản lý giá sữa không quá khó. Các nước trên thế giới quản được mặt hàng này thì không có cớ gì Việt Nam không quản lý được. Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, lợi ích nhóm DN trong mặt hàng sữa quá lớn. Mục đích của DN là kinh doanh có lãi, và các DN tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Biện pháp áp giá trần chưa đủ mạnh buộc các DN giảm giá sát với chi phí thực tế.
Các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi hiện nay là các sản phẩm công thức. Mà đã là công thức thì mỗi nhà sản xuất pha chế với hàm lượng vi chất rất khác nhau cho từng sản phẩm, thị trường khác nhau. Trong khi năng lực cơ quan quản lý cứ theo báo cáo giá của DN gửi lên rồi ngồi xem xét, đối chiếu. Bảng báo giá sẽ được đưa lên cao, sau đó cơ quan quản lý điều chỉnh với xu hướng xuống. Về căn nguyên vấn đề chỉ có duy nhất DN biết được chi phí thực tế ra sao, cơ quan quản lý không đủ năng lực để tìm hiểu và so sánh được với giá thế giới.
Rõ ràng các DN, cá nhân sản xuất và kinh doanh sữa đang thành công lớn trong việc tối đa hóa lợi nhuận của mình. Sau đợt giảm giá nhẹ từ ngày 1-6 đến nay, giá mặt hàng sữa không hề thay đổi. Bối cảnh giá nguyên liệu sữa thế giới đang giảm, làn sóng dư luận phản ứng về mặt hàng sữa giá cao cũng đã lắng dần. Với diễn tiến này chỉ có duy nhất người tiêu dùng là chịu thiệt.
Thúy Hằng
đại đoàn kết
|