Vụ xây dựng chợ - TTTM Thành Công (Hà Nội):
Chủ đầu tư “tặng” UBND quận Ba Đình 10 tỉ đồng
Số tiền trên được chủ đầu tư “tặng” cho quận Ba Đình (Hà Nội) sau khi UBND quận phê duyệt kết quả trúng thầu cho đơn vị này thực hiện dự án xây dựng chợ - TTTM Thành Công.
* Hà Nội tạm dừng xây chợ-trung tâm thương mại Thành Công
Nhiều tiểu thương bức xúc về việc xây dựng chợ Thành Công thành chợ - trung tâm thương mại Thành Công.
|
Ông Đỗ Viết Bình - phó bí thư Quận ủy, chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) - xác nhận với Tuổi Trẻ có việc UBND quận Ba Đình nhận số tiền 10 tỉ đồng của chủ đầu tư trúng thầu thực hiện dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại (TTTM) Thành Công.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, số tiền 10 tỉ đồng trên được chủ đầu tư “tặng” quận Ba Đình sau khi UBND quận phê duyệt kết quả trúng thầu cho đơn vị này thực hiện dự án xây dựng chợ - TTTM Thành Công.
Ngày 15-10, tiểu thương chợ Thành Công phản đối chủ đầu tư đưa máy khoan vào chợ khoan khảo sát địa chất, đến nay việc xây dựng chợ - TTTM Thành Công vẫn chưa được người dân đồng thuận.
|
Trúng thầu dự án, hỗ trợ ngân sách quận 10 tỉ đồng
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ năm 2007 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt danh mục dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội, trong đó có chợ Thành Công (quận Ba Đình).
Về quy định chung, Bộ Tài chính cho biết theo Luật ngân sách thì không cấm tổ chức, cá nhân ủng hộ, biếu hay tặng tiền cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tiền này phải được nộp vào ngân sách và gọi đây là khoản tăng thu.
Để ủng hộ tiền cho địa phương, doanh nghiệp phải thể hiện đây là nguồn tiền hợp pháp. Đơn cử doanh nghiệp ủng hộ quận A, phường B từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp. Khoản tiền này không được tính vào các chi phí được trừ trước khi tính thuế.
Còn địa phương nhận ủng hộ phải có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích khoản ủng hộ theo như đề nghị của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không nêu mục tiêu gì thì địa phương phải đưa vào cân đối chung của ngân sách địa phương.
Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) cho biết qua theo dõi ngân sách, trên thực tế rất ít trường hợp doanh nghiệp ủng hộ địa phương bằng tiền mà thông thường hỗ trợ bằng các dự án, công trình như trường học, đường giao thông...
Dù hỗ trợ bằng tiền hay hiện vật nhưng khoản ủng hộ của doanh nghiệp phải từ nguồn hợp pháp. Giữa chính quyền - bên nhận ủng hộ - và doanh nghiệp - bên ủng hộ - phải có biên bản cụ thể về việc này.
L.Thanh
|
Ông Đỗ Viết Bình cho biết trên cơ sở các quy định của Nhà nước và của UBND TP Hà Nội, UBND quận Ba Đình đã thành lập tổ chuyên gia đấu thầu gồm đại diện các sở Kế hoạch - đầu tư, Công thương, Tài chính, Quy hoạch - kiến trúc để tổ chức triển khai công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng chợ - TTTM Thành Công.
“Quá trình mời thầu, đấu thầu đều thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch” - ông Bình khẳng định.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến tháng 3-2012 UBND quận Ba Đình có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng chợ - TTTM Thành Công.
Theo quyết định này, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao và Công ty cổ phần đầu tư T&M VN (liên danh Decotech - T&M VN) là đơn vị trúng thầu.
Đáng nói là sau khi UBND quận Ba Đình có quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu, chủ đầu tư dự án xây dựng chợ - TTTM Thành Công là liên danh Decotech - T&M VN đã “tặng” UBND quận Ba Đình số tiền 10 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Viết Bình xác nhận có việc UBND quận nhận 10 tỉ đồng của chủ đầu tư.
Khi được hỏi đây là tiền gì, quy định nào cho phép UBND quận nhận số tiền 10 tỉ đồng của chủ đầu tư, ông Bình trả lời: “Số tiền 10 tỉ đồng này là khi tổ chức đấu thầu, trong bài thầu có hỏi khi nhà đầu tư trúng thầu sẽ có chính sách gì đối với địa phương.
Vấn đề này hết sức công khai, nhà đầu tư cũng ra bài là khi trúng thầu sẽ hỗ trợ ngân sách quận 10 tỉ đồng. Vì vậy sau khi trúng thầu nhà đầu tư đã nộp 10 tỉ và UBND quận nộp ngay vào ngân sách nhà nước. Mà đã nộp vào kho bạc tức là tiền ngân sách nhà nước, phải quản lý theo ngân sách nhà nước”.
Ông Bình cũng cho rằng bản thân chủ đầu tư không muốn hỗ trợ cụ thể bằng công trình. “Chủ đầu tư cũng không muốn đứng ra làm công trình cụ thể nào. Họ muốn hỗ trợ bằng tiền cho ngân sách quận, họ cũng đồng ý để quận đưa vào ngân sách và dùng theo quy định về chi ngân sách” - ông Bình nói thêm.
Liệu còn công tâm với tiểu thương?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mặc dù UBND quận Ba Đình phê duyệt kết quả trúng thầu từ tháng 3-2012, nhưng đến tháng 10-2014 chủ đầu tư mới triển khai khoan thăm dò địa chất phục vụ thiết kế xây dựng chợ - TTTM. Ngay trong đêm 15-10, khi chủ đầu tư thực hiện khoan khảo sát địa chất đã bị các hộ tiểu thương phản ứng.
Theo UBND quận Ba Đình, sở dĩ sau gần hai năm trúng thầu chủ đầu tư mới bắt đầu thực hiện dự án là do tình hình suy giảm kinh tế và thị trường bất động sản trầm lắng, cộng với khó khăn trong việc bố trí chợ tạm nên tiến độ triển khai bị chậm.
“Mặc dù việc khoan khảo sát là để đảm bảo đủ các điều kiện chuẩn bị đầu tư dự án, nhưng khi các hộ kinh doanh phản ứng không cho các đơn vị vào khoan khảo sát thì UBND quận đã chỉ đạo nhà đầu tư chuyển toàn bộ máy khoan ra khỏi chợ. Hiện nay các hoạt động kinh doanh trong chợ Thành Công vẫn diễn ra bình thường” - ông Bình cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, rất nhiều hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Thành Công cho rằng việc đấu thầu, chọn nhà đầu tư nào làm dự án là việc của quận, nhưng chợ là nơi mưu sinh của hơn 500 hộ gia đình thì bắt buộc phải lấy ý kiến tiểu thương.
“Nếu hỏi chúng tôi có đồng ý xây lại chợ Thành Công không thì không ai phản đối cả. Vấn đề phải nói rõ đây là chợ truyền thống, trong chợ có hơn 500 hộ kinh doanh đủ các ngành hàng, nguyện vọng của bà con muốn giữ lại chợ truyền thống, không đồng ý xây dựng thành TTTM” - bà Loan (một tiểu thương) nói.
“Chủ đầu tư hỗ trợ tiền cho quận thế nào chúng tôi không biết, nhưng để làm được dự án phải công khai, minh bạch, phải được người dân đồng thuận. Còn UBND quận có công tâm với người dân hay không thì chỉ quận mới biết” - một tiểu thương trong chợ nói.
Vẫn duy trì chợ truyền thống?
Theo ông Đỗ Viết Bình, chợ Thành Công hiện có 555 hộ kinh doanh. Ban đầu chủ đầu tư đề xuất xây dựng chợ - TTTM gồm 2 tầng hầm, 1 tầng bán hầm và 9 tầng nổi.
Phần chợ truyền thống dự kiến gồm 555 điểm bán hàng được bố trí tại tầng bán hầm, 2 tầng hầm bố trí làm chỗ để xe, tầng 1 đến tầng 4 làm TTTM, tầng 5 đến tầng 9 làm văn phòng cho thuê.
Tuy nhiên theo ông Bình, mới đây chủ đầu tư đề nghị quận báo cáo UBND TP điều chỉnh quy mô đầu tư dự án xuống còn 6 tầng nổi để cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh của chợ truyền thống. “Hiện nay phương án xây dựng 6 tầng nổi đã được trình TP.
Sau khi TP phê duyệt thì quận và chủ đầu tư sẽ công khai toàn bộ về quy mô, các phương án về việc thực hiện các bước để lấy ý kiến các hộ kinh doanh. Quận Ba Đình vẫn giữ lại chợ dân sinh. Vị trí kinh doanh chợ truyền thống chắc chắn sẽ thuận tiện.
Sau xây dựng lại chắc chắn sẽ khang trang hơn, sạch sẽ hơn, thuận tiện hơn. Khu chợ truyền thống vẫn cho phép người dân đi xe máy vào chợ mua sắm, các hộ tiểu thương vẫn được quay lại kinh doanh thuận tiện” - ông Bình nói.
|
Xuân Long
tuổi trẻ
|