Xuất khẩu linh kiện sang EU: Cơ hội từ FTA
Ngay ở bước chạy đà, các DN Việt Nam cần phải nói tiếng Anh, có khả năng linh hoạt tạo dựng nhóm, xây dựng các sản phẩm thích ứng. Với khối lượng sản phẩm nhỏ hơn, chúng ta cần xem cách tiếp cận thị trường của Trung Quốc và chúng ta cần phải suy nghĩ làm gì để nổi tiếng, với phần cứng hay phần mềm trong ngành điện tử…
* Cơ hội mới với thị trường xuất khẩu lớn nhất - EU
Bổ trợ cho phần khuyết
“Nếu không khả thi, không tiềm năng thì dự án đã không được tài trợ”, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Trương Thị Chí Bình khẳng định như vậy tại hội thảo “Khởi động dự án CNHT Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu”.
Liên kết các DN hỗ trợ để hướng tới thị trường lớn
|
Dù chưa sản xuất nổi cái ốc vít cho DN FDI, theo nhiều chỉ trích, nhưng trước cơ hội ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, tính khả thi của dự án về CNHT sang EU cũng thỏa mãn được nhà tài trợ. Và vì vậy, chuyện không tưởng đối với ngành công nghiệp Việt Nam dường như đang có cơ sở để hiện thực - xuất khẩu linh kiện sang EU.
Phó ban Phát triển hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu Bryan Fornari nhìn nhận, với dự án này sẽ có thêm nhiều DN Việt xuất khẩu sang EU, mang thêm giá trị gia tăng về cho Việt Nam. Ngược lại, cũng theo vị này, EU sẽ có lợi ích rất lớn từ sự hỗ trợ phát triển các DN CNHT ở Việt Nam. Đó cũng là lý do chính hoạt động này được đẩy mạnh trước thềm FTA Việt Nam - EU được ký kết, ông Bryan Fornari thừa nhận.
Đã từng làm về CNHT nhiều năm nay, bà Bình cho biết, do chưa nhận được bất cứ nguồn vốn hỗ trợ nào từ Chính phủ Việt Nam nên những gì mà Trung tâm làm cũng chỉ là xây dựng chính sách. Vì thế, với nguồn vốn này Trung tâm có thể giúp các DN Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất.
Nằm trong dự án EU-Muntrap giai đoạn 4, chương trình hỗ trợ này sẽ kéo dài 3 năm, đến 6/2017, chỉ dành cho DN trong lĩnh vực chế tạo nhằm nâng cao năng lực, kết nối DN Việt Nam với khách hàng EU và cải thiện chính sách.
Bà Bình tiết lộ thêm, việc kết nối với thị trường EU sẽ được tăng cường khi nâng cấp trang website Vietnam-manufacturing.com thành cổng thông tin CNHT từ năm 2015. Bên cạnh việc xuất bản thường niên sách về CNHT, dự án sẽ tổ chức cho các đoàn đi hội chợ Hannover hàng năm với việc hỗ trợ 50% phí máy bay cho 20 DN/lần.
Dự án cũng sẽ kết nối các hiệp hội DN cơ khí quốc tế với Việt Nam và cải thiện chính sách liên quan tới CNHT như việc tham gia xây dựng Nghị định về CNHT đã trình Chính phủ. Chính sách cho các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, cũng như tham vấn chiến lược xuất khẩu CNHT vào năm thứ 3 của dự án.
Định lượng giá trị, bà Bình cho biết, dự án sẽ xây dựng cổng thông tin với 500 DN tham gia trong đó 10% là DN EU; đào tạo 100 DN sản xuất linh kiện phụ tùng theo tiêu chuẩn EU và quan trọng hơn là 50 DN tham gia dự án có hiệu quả thực sự áp dụng được những tiêu chuẩn EU vào DN.
Để vượt Trung Quốc
Nhìn nhận về dự án, nhiều chuyên gia đánh giá đây là hoạt động khá tham vọng. Bởi trong 156 DN trả lời khảo sát của dự án, chỉ có 28,4% có sản phẩm xuất khẩu sang EU và phần lớn là xuất khẩu gián tiếp, giá trị gia tăng thấp. Các DN chủ yếu sử dụng máy móc, tiêu chuẩn sản xuất, công cụ quản lý của Nhật Bản, các tiêu chuẩn EU rất ít DN sử dụng. Họ cho rằng chưa thực sự cần thiết.
Điều tra chi tiết hơn, 90% DN chưa có chiến lược xuất khẩu sang EU, chưa xác định được sản phẩm chiến lược có lợi thế cạnh tranh. Con số 0,22% tỷ trọng nhập khẩu linh kiện phụ tùng của DN EU đến từ Việt Nam cũng đáng để suy ngẫm.
Ngoài ra, dù có sự hỗ trợ của dự án này, DN cũng chỉ được tiếp thêm chút sức lực bởi quy mô nhỏ của dự án. Phần còn lại phải là sự tích cực từ chính DN. Ông Guenther Fandrich, người từng hỗ trợ chiến lược cho ngành linh kiện điện tử của Malaysia nhìn nhận, Trung Quốc đã chiếm thị phần cung cấp linh kiện điện tử chi phối từ năm 2003. Họ đã có bước phát triển ngoạn mục và dường như Trung Quốc là động cơ của thị trường điện tử.
Tuy nhiên, khi chia nhỏ thị trường điện tử, ông Guenther Fandrich chỉ ra những mảng thị phần mà Việt Nam có thể tham gia, như với lắp ráp điện tử, ngành tự động hóa hay lắp ráp tích hợp. Hay, biến đổi khí hậu có thể tạo ra xu hướng mới các sản phẩm về tự động hóa động cơ điện…
Ông cũng chỉ ra nhiều việc phải làm để DN Việt Nam đuổi kịp Trung Quốc. Như ngay ở bước chạy đà, các DN Việt Nam cần phải nói tiếng Anh, có khả năng linh hoạt tạo dựng nhóm, xây dựng các sản phẩm thích ứng. Với khối lượng sản phẩm nhỏ hơn, chúng ta cần xem cách tiếp cận thị trường của Trung Quốc và chúng ta cần phải suy nghĩ làm gì để nổi tiếng, với phần cứng hay phần mềm trong ngành điện tử…
Nói sâu hơn về con đường đi đến đích, ông Guenther Fandrich chỉ ra việc áp dụng các tiêu chuẩn châu Âu. Và tùy từng sản phẩm và thị trường mục tiêu, DN sẽ phải tích hợp xây dựng thêm các tiêu chuẩn khác. Thêm vào đó là việc tiếp cận xuất khẩu linh kiện với thị trường Hà Lan, bởi dù là thị trường nhỏ nhưng có nhiều trụ sở công ty toàn cầu. Đây cũng là khu vực đứng đầu về công nghệ tự động hóa ứng dụng công nghệ và viễn thông.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng và chúng tôi cùng đóng góp với các bạn để đuổi kịp Trung Quốc”, ông Guenther Fandrich nói.
Nhất Thanh
thời báo ngân hàng
|