Thứ Năm, 06/11/2014 09:36

Đoàn 100 DN Ý đến Việt Nam: "Săn" cơ hội hợp tác đầu tư

Trong các ngày 24-26/11 tới đây, một phái đoàn gồm gần 100 DN Ý sẽ sang thăm Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư và thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại song phương.

* Ý sẽ hỗ trợ ODA cho khu vực tư nhân của Việt Nam

Đại sứ Ý tại Việt Nam Lorenzo Angeloni đã trả lời báo giới xung quanh sự kiện này.

Điều mà chúng ta trông đợi nhất của Phái đoàn DN Ý đến Việt Nam lần này là gì thưa Đại sứ?

Đại sứ Lorenzo Angeloni: Chúng tôi kỳ vọng, thông qua các cuộc tiếp xúc giữa DN hai bên sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác giao thương, tiến đến những thỏa thuận về kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh sau đó. Đơn cử ở một sự kiện tương tự diễn ra vào năm 2008 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã ghi nhận tới 1.800 cuộc tiếp xúc giữa các DN hai bên trong những ngày diễn ra sự kiện.

Đồng thời, cũng mong muốn qua sự kiện này, các DN Ý tham gia đoàn sẽ trực tiếp chứng kiến và đánh giá về những tiềm năng hợp tác kinh tế với các DN Việt Nam.

Song song với đó, một cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp kinh tế Việt Nam – Ý với những trao đổi cởi mở sẽ diễn ra và hy vọng qua đó, Chính phủ hai bên sẽ có những hiểu biết nhiều hơn để phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế song phương.

Hợp tác Ý – Việt Nam đang có những bước phát triển rõ nét, trong đó có quan hệ kinh tế thương mại. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 quốc gia sẽ đạt đến 3,5 tỷ Euro. Trước đó, năm 2013 đạt gần 3 tỷ Euro. Như vậy, hoàn toàn có cơ sơ tin rằng, mục tiêu đến năm 2016 đạt 5 tỷ Euro sẽ trở thành hiện thực.

Các lĩnh vực chính mà Phái đoàn lần này quan tâm là gì, thưa Đại sứ?

Các lĩnh vực chủ yếu gồm: Cơ sở hạ tầng (CSHT); Y tế; Năng lượng và Cơ khí. Đây là những lĩnh vực rất then chốt của kinh tế Ý và kinh tế Việt Nam. Đồng thời từ những lĩnh vực này sẽ giúp mở ra hợp tác cho các lĩnh vực khác liên quan nhỏ hơn.

Nhưng dường như sự hiện diện của các DN Ý vào CSHT tại Việt Nam còn rất ít so với DN tại các nước châu Á?

Đúng vậy, sự hiện diện của các DN Ý trong lĩnh vực CSHT của Việt Nam còn nhiều khiêm tốn so với các đối tác khác trong khu vực. Các DN của các quốc gia trong khu vực châu Á hoạt động hiệu quả ở Việt Nam một phần vì Chính phủ của họ có các chính sách hỗ trợ ODA rất lớn nên các DN này sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực của mình. Mặt khác, các DN này cũng có được sự gần gũi về địa lý cũng như văn hóa với Việt Nam.

Dù chúng tôi không có được các lợi thế như vậy nhưng các DN Ý hoạt động trong lĩnh vực CSHT có thể nói là một trong những “tinh tú” (ý nói thế mạnh – phóng viên) của kinh tế của Ý. Vì các DN này không chỉ khẳng định tên tuổi tại Ý mà trên thế giới, họ cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công trong hàng chục năm trở lại đây.

Vậy ông lý giải vì sao đầu tư của các DN Ý vào các lĩnh vực khác tại Việt Nam cũng còn hạn chế?

Đúng là đầu tư của DN Ý vào Việt Nam còn hạn chế. Tuy nhiên, có lẽ cũng nên tách biệt hai sự so sánh. Một bên là so sánh giữa các NĐT Ý đến Việt Nam với tất cả các đối tác, đặc biệt là các đối tác trong khu vực châu Á thì quả thực là khó vì các yếu tố như địa lý, văn hóa… như tôi đã nói ở trên. Nhưng nếu chỉ so sánh trong các đối tác đến từ liên minh EU với Việt Nam thì về mặt tổng kim ngạch thương mại, Ý cũng đang đứng trong tốp đầu đấy chứ. Còn về phần đầu tư thì đúng là cũng còn hạn chế và cần cải thiện.

Như vậy thì cần làm gì để khuyến khích tăng cường đầu tư của DN Ý vào Việt Nam?

Tôi cho rằng, một mặt, các cơ quan chức năng của Ý cần giới thiệu nhiều hơn nữa với các DN Ý về các tiềm năng hợp tác trong kinh tế thương mại với các DN Việt Nam. Từ phía Việt Nam thì cũng cần làm sao đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực.

Chúng tôi cũng kỳ vọng trong thời gian sớm nhất tới đây, FTA Việt Nam –EU sẽ được ký kết. Trong hiệp định này có một chương chuyên về đầu tư của châu Âu vào Việt Nam và như vậy chúng tôi tin rằng sẽ có một làn sóng các NĐT châu Âu, trong đó có Ý vào Việt Nam.

Các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, xe máy… của Ý được người tiêu dùng tại Việt Nam ưa chuộng. Nhưng một câu hỏi là đã có nhiều DN của Việt Nam nằm trong chuỗi sản xuất của các thương hiệu trên chưa? Các DN Ý có dự định đưa (hoặc đưa thêm) các DN của Việt Nam vào trong chuỗi sản xuất của họ không?

Các DN Ý đã hoạt động ở Việt Nam, chẳng hạn như công ty Piaggio, Ariston, công ty sản xuất vải thể thao Carvico… thì đều là các DN sản xuất. Đã là DN sản xuất thì tất nhiên họ không thể không sử dụng đến các DN cung cấp các sản phẩm phụ trợ. Về mặt con số cụ thể thì tôi không nắm rõ được nhưng tôi khẳng định là, DN Ý đang dựa rất nhiều vào các DN Việt Nam trong cung cấp các sản phẩm phụ trợ.

Bên cạnh đó, một số DN Ý đầu tư vào Việt Nam cũng có các DN chuyên cung cấp hàng phụ chợ cho DN mẹ ở bên Ý. Đơn cử như Carvico Hưng Yên (một DN dệt nhuộm được Công ty Carvico Ý mở ra hoạt động tại Việt Nam – phóng viên). Ở Ý thì Carvico là một DN rất lớn, chuyên về các sản phẩm vải thể thao. Carvico ở Việt Nam sẽ sản xuất các mặt hàng cung cấp cho công ty mẹ Carvico bên Ý trong hoàn thiện sản phẩm.

Như vậy, quá trình các DN Ý hoặc sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, hoặc mang tính chất gia công để rồi hoàn thiện sản xuất sản phẩm ở Ý thì đều sử dụng rất nhiều các DN đối tác ở Việt Nam để cung cấp hàng phụ trợ hoặc gia công một phần sản phẩm. Tất nhiên, sự kết hợp này không phải chỉ diễn ra trong một sớm một chiều mà là một quá trình lâu dài và cùng với quá trình đó sẽ giúp các DN Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực của mình.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Đỗ Phạm (lược ghi)

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Chuyển giao công nghệ chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng (06/11/2014)

>   Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm (06/11/2014)

>   Cuối năm, hàng không dồn dập mở đường bay quốc tế (06/11/2014)

>   Ý sẽ hỗ trợ ODA cho khu vực tư nhân của Việt Nam (06/11/2014)

>   Đừng biến mỏ vàng thành đống rác (05/11/2014)

>   Mới có khoảng 1.000 thương hiệu Việt Nam đăng ký ở nước ngoài (05/11/2014)

>   Italy coi Việt Nam là cửa ngõ lý tưởng để thâm nhập thị trường ASEAN (05/11/2014)

>   “Cán cân thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam” (05/11/2014)

>   Hàng Việt ngày càng lan tỏa tại Hàn Quốc (05/11/2014)

>   Xóa tan nỗi lo thiếu vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu (05/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật