Khai thác khoáng sản: Thu ít, mất nhiều
Có tỉnh thu ngân sách từ khoáng sản không đủ bù khoản chi để sửa đường bị xe chở khoáng sản cày nát.
* Khai thác khoáng sản ồ ạt: Gánh nặng đè lên "vai" xã hội
* Cấp phép khai thác khoáng sản: Nhiều bất cập
“Việc chỉ chú trọng vào khai thác, xuất khẩu thô tài nguyên chứng tỏ năng lực quản trị chưa tốt. Số lượng doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản tăng nhanh nhưng không đi sâu vào chất lượng, hiệu quả. Tổn thất khoáng sản lớn, không kiểm soát được”. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh như trên tại hội thảo Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản do bộ này và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10-10.
Theo Bộ TN&MT, khai thác dầu khí và khoáng sản đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng những đóng góp này chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất môi trường. Đặc biệt, hệ thống quản lý tài chính vẫn còn nhiều lỗ hổng dẫn tới thất thoát nguồn thu.
Nhiều ý kiến cho rằng ngân sách thu được từ khoáng sản chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất môi trường.
|
Khi khai thác khoáng sản, DN phải đóng góp các khoản như tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế lợi nhuận… Rất nhiều khoản được thu chỉ trên số liệu báo cáo của DN, trong khi chúng ta chưa có cơ chế kiểm chứng hiệu quả các số liệu do DN báo cáo. Nhiều DN đã lợi dụng điều này để khai báo thấp hơn thực tế nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp tài chính.
Mặt khác, cách tính thuế, phí dựa trên sản lượng khai thác cũng dẫn đến việc DN chỉ chú trọng phần tài nguyên có chất lượng cao, vị trí dễ tiếp cận nhằm giảm thiểu phí khai thác và tăng lợi nhuận, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Từ thực tế trên, bà Hoàng Thị Hà Giang - Tổng cục Thuế đề xuất cần tăng cường quản lý việc cấp phép khai thác, kinh doanh khoáng sản; lựa chọn nhà đầu tư có đủ điều kiện, tiềm lực để khai thác, chế biến tài nguyên… “Việt Nam cần sớm tham gia sáng kiến minh bạch, công khai trong khai thác khoáng sản (EITI). Điều này chỉ có tốt cho thu ngân sách, tốt cho người dân và tốt cho địa phương” - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đề nghị.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương:
Cấp 200 giấy phép cũng không đủ nuôi bộ máy
Có tỉnh thu ngân sách từ khoáng sản không đủ tiền để chi cho sửa đường do đơn vị khai thác dùng xe tải nặng vận chuyển khoáng sản phá hết cả đường. Có tỉnh cấp 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng thu từ nguồn này không đủ nuôi bộ máy quản lý trong lĩnh vực. Đây là điều rất đáng nghi ngại!
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn 4,5 tỉ USD so với số liệu thống kê của Việt Nam. Trong số đó phần lớn là tài nguyên khoáng sản. Chúng ta đều biết việc xuất khẩu than lậu, quặng lậu diễn ra khá công khai. Số khoáng sản xuất lậu sang Trung Quốc là rất lớn.
_______________________________________
Trong lĩnh vực khoáng sản, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước dễ bị DN mua chuộc. DN hối lộ để được trúng thầu quyền khai thác, để được đóng thuế thấp đi...
GS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng
|
Hoàng Vân
pháp luật tphcm
|