Thứ Sáu, 10/10/2014 09:55

Xuất khẩu qua kênh siêu thị: Lợi nhưng vẫn yếu

XK qua kênh siêu thị là các siêu thị đứng ra giúp DN XK, thâm nhập thị trường quốc tế, quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, dường như số lượng DN biết và tiếp cận hình thức này vẫn chưa nhiều.

Cánh cửa rộng...

Cuối tháng 9-2014, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng hệ thống siêu thị Big C và Tập đoàn Casino (công ty mẹ của Big C) tổ chức “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Pháp” tại siêu thị Casino Saint-Didier (Paris, Pháp). Hơn 20 DN Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ… đã tham gia sự kiện này để giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của mình đến với người tiêu dùng Pháp. Đây là lần thứ 2 chương trình được thực hiện, sau lần đầu tiên diễn ra cách đây 3 năm.

Bên cạnh Big C, các hệ thống siêu thị khác cũng đều có những hoạt động đưa hàng Việt Nam ra thế giới thông qua hệ thống của mình. Tiêu biểu như tuần lễ sản phẩm Việt Nam tại Metro Cash & Carry diễn ra đồng loạt tại 117 trung tâm Metro ở Đức, chương trình triển lãm – truyền thông “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu: Cơ hội mới cho thương mại Việt Nam – Hàn Quốc” với gần 30 DN ngành thủy sản, nông sản, dệt may nhằm mở ra cơ hội XK sang các siêu thị thuộc hệ thống Lotte Mart tại Hàn Quốc… Đặc biệt, phải kể đến sự hợp tác giữa Saigon Co.op và Tập đoàn NTUC Fairprice (Singapore) nhằm tổ chức hội chợ giới thiệu những mặt hàng như cà phê, gạo, hoa quả, mì tôm, hải sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Fairprice.

Theo đại diện hệ thống siêu thị Big C, hàng Việt Nam đã theo chân Big C có mặt ở 9 quốc gia và 12.000 siêu thị, phát triển mạnh nhất ở 3 lĩnh vực: Vải sợi, bách hóa, thực phẩm. Đặc biệt, tại Big C Brazil, 100% mặt hàng quần sooc là hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam cũng chiếm đến 50% số lượng hàng hóa của Big C toàn thế giới.

Nói về thuận lợi của DN khi XK theo hình thức này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội cho rằng, cách làm này giúp DN có được thị trường mang tính ổn định, lâu dài. Bản thân các DN, nhất là DN vừa và nhỏ Việt Nam còn yếu nhiều mặt như thị trường, kinh nghiệm quản trị, thương hiệu… Các siêu thị đứng ra giúp DN XK, thâm nhập thị trường quốc tế, quảng cáo sản phẩm cũng là một cách để DN có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, phát triển cơ sở hạ tầng để đến một giai đoạn nào đó có thể đủ sức tự lập, tự chủ, tự mang hàng đi XK.

“Đây thực sự là một cách làm đôi bên cùng có lợi. DN có được thị trường bán hàng, không phải lo về cạnh tranh hàng hóa, còn siêu thị được mở rộng thêm nhiều chủng loại mặt hàng mà không phải đầu tư nguyên vật liệu, công cụ sản xuất và con người”, ông Mạc Quốc Anh cho biết thêm.

...nhưng không đơn giản

XK qua kênh siêu thị không phải là khái niệm và cách làm mới xuất hiện, nhưng nhiều DN trong lĩnh vực XNK khi được hỏi vẫn tỏ ra khá “mù mờ” và không mấy quan tâm đến hình thức này. Nguyên nhân mà các DN này đưa ra là họ hoặc là chưa có cơ hội được hợp tác, hoặc là đang tiến hành tự nghiên cứu, thâm nhập thị trường.

Bà Vi Thanh Hồng, Chuyên viên đối ngoại, Công ty TNHH XNK nông sản Thăng Long (Agrithanglong) cho biết, các DN Việt Nam rất thích hình thức này vì đưa được mặt hàng ra thị trường quốc tế mà không mất công tìm hiểu thị trường XK và không phải lo về vấn đề thương hiệu. Về phía Agrithanglong, công ty cũng đã tham gia các hội thảo có sự tham dự của các tập đoàn nước ngoài nhưng không kết nối được vì số lượng sản phẩm họ yêu cầu không nhiều, trong khi công ty luôn phân phối với số lượng hàng lớn. “Tuy nhiên, nếu có cơ hội hợp tác với các siêu thị, Agrithanglong cũng sẽ cố gắng nắm lấy cơ hội”, bà Hồng nói.

Thực tế, mỗi một hình thức XK đều có những khó khăn và thuận lợi. Theo ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, dù là XK qua siêu thị thì đều phải qua các khâu kiểm duyệt của nước sở tại, nên sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các mặt hàng XK qua kênh này thường chỉ là những sản phẩm tiêu dùng hoặc là những mặt hàng mà ở quốc gia đó không có.

Mặt khác, khi XK qua kênh này, các DN còn phải gặp khó về vấn đề thương hiệu, bởi hiện nay các siêu thị lớn đều rất tập trung vào việc phân phối theo “nhãn hàng riêng”. Ông Mạc Quốc Anh cho biết, có siêu thị đưa ra cam kết phải XK dưới tên thương hiệu của siêu thị, như thế các DN Việt Nam bán được sản phẩm nhưng sẽ bị mất thương hiệu. Lúc đó, nếu DN muốn quay lại tự đứng ra phân phối sản phẩm sẽ gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Bởi thế, theo ông Nguyễn Văn Nam, đa phần người mua không biết được mặt hàng này là của hãng nào mà chỉ biết xuất xứ từ Việt Nam. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc các đối tác nước ngoài muốn tìm kiếm nguồn hàng để đặt trực tiếp với DN nhưng lại không biết đây là sản phẩm của DN nào.

Hương Dịu

hải quan

Các tin tức khác

>   Tạo vốn xây sân bay Long Thành bằng đất Tân Sơn Nhất? (10/10/2014)

>   Thiếu thông tin về FTA: Doanh nghiệp thiếu chủ động hội nhập (10/10/2014)

>   "Không một cơ chế quản lý nào tốt hơn là sự cạnh tranh" (10/10/2014)

>   Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: ‘Cứ ăn hết thì lấy gì mà tiêu’ (10/10/2014)

>   Tự tin sử dụng quyền phòng vệ thương mại (10/10/2014)

>   Thách thức giữa cải cách và hiệu quả quản lý (10/10/2014)

>   Không đầu tư sau thu hoạch, ngành nông nghiệp mất tiền tỉ (10/10/2014)

>   Bỏ con dấu là cởi trói cho doanh nghiệp (10/10/2014)

>   Nestlé tăng gấp đôi năng lực sản xuất Milo (09/10/2014)

>   Cần lưu ý về chất lượng nhân điều xuất khẩu (09/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật