Bán đất Tân Sơn Nhất chẳng đủ xây sân bay Long Thành
Nếu bán đất sân bay Tân Sơn Nhất, số tiền thu được chiếm tỉ lệ rất nhỏ cho việc xây sân bay Long Thành vì cả 3 giai đoạn đầu tư sân bay này lên trên 18 tỉ USD.
* Tạo vốn xây sân bay Long Thành bằng đất Tân Sơn Nhất?
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết như vậy tại buổi trao đổi thông tin về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trưa 10-10.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời báo chí
|
Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: nếu chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua sẽ dấy lên nhiều lo ngại về nợ công tăng trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, chỉ chưa đến 30% ngân sách để đầu tư và trả nợ?
Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ giai đoạn 1 của sân bay Long Thành khoảng 7,837 tỉ USD (tương đương 164.589 tỉ đồng).
Vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) trong giai đoạn này là 84.624 tỉ đồng, dùng cho giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công hạ tầng cơ bản như đường cất hạ cánh, sân đỗ, giao thông đi lại.
Các hạng mục này phải dùng vốn nhà nước vì đây là những hạng mục không sinh lời nên không kêu gọi vốn khu vực ngoài nhà nước.
“Về vay ODA có tăng nợ công không thì báo cáo giải trình ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT đã nêu rõ nếu thực hiện vay vốn ODA thì tỉ lệ tăng nợ công lên chỉ 0,029 %. Đây là tỉ lệ rất thấp. So với huy động nguồn vốn ODA xây dựng các dự án khác, dự án Long Thành chiếm chưa đến 0,1%. Tỉ lệ đó vay bao nhiêu thì tính tới trả bấy nhiêu", ông Trường nói.
Ông Trường khẳng định: "Tất cả những cái này Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Quốc hội về nợ công sẽ có bài toán liên hoàn cho Quốc hội thông qua vay trả theo trình tự từng năm”.
Về ý kiến tạo vốn xây sân bay Long Thành bằng quỹ đất từ Tân Sơn Nhất, ông Trường cho rằng nếu thực hiện phương án này thì tiền từ Tân Sơn Nhất chỉ là tỉ lệ tiền rất nhỏ cho xây dựng sân bay Long Thành vì cả 3 giai đoạn đầu tư của sân bay này là trên 18 tỉ USD, riêng giai đoạn 1 đã 7,8 tỉ USD.
Còn phát triển Tân Sơn Nhất đến giai đoạn 50 triệu khách/năm thì cần giải phóng mặt bằng khoảng 140.000 hộ dân với 500.000 người cần 9,1 tỉ USD chưa kể chi phí mở rộng sân bay. Số tiền này lớn hơn nhiều xây dựng một sân bay ở điểm mới.
Trong khi đó, theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được giữ lại để phục vụ các đường bay nội địa, quân sự và hàng không chung.
Về giả thiết huy động đủ vốn nhà nước hơn để xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 thì phương án hoàn vốn, khả năng trả nợ trong bao lâu, ông Nguyễn Nguyên Hùng – Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư lập báo cáo đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành) và các chuyên gia trong Hội đồng thẩm định Nhà nước cho biết báo cáo đầu tư tương đương với bước nghiên cứu tiền khả thi. Ở bước này tập trung đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội.
Còn đánh giá hiệu quả tài chính sẽ làm rõ hơn ở bước nghiên cứu khả thi khi dự án được Quốc hội thông qua.
Tuấn Phùng
tuổi trẻ
|