May mặc trở lại sân nhà
Nếu được nhà nước quan tâm hỗ trợ, ngành may mặc sẽ có nhiều cơ hội phát triển và lớn mạnh ngay trên sân nhà.
Vừa qua, tại Hội chợ Thời trang VIFF 2014, nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc lớn trong nước đã giới thiệu tới người tiêu dùng nội địa nhiều bộ sưu tập, thương hiệu thời trang mới. Tín hiệu này cho thấy các DN đã bắt đầu quan tâm, đầu tư cho thị trường hơn 90 triệu dân.
Rục rịch trở về
Gây ấn tượng khá mạnh với khách tham dự VIFF 2014 là bộ sưu tập thời trang dành cho nam nữ, trẻ em của Công ty May Việt Tiến. Các tổng công ty may lớn như Nhà Bè, Phong Phú, May 10, Đức Giang... cũng mang đến hội chợ những thương hiệu mới.
Tổng Công ty Phong Phú có thương hiệu Style với chất liệu dệt kim; Tổng Công ty Đức Giang có thương hiệu mới HeraDG với chất liệu chính là lụa; Tổng Công ty May Nhà Bè tiếp tục phát triển nhiều mẫu mã mới mang thương hiệu Mattana cho cả nam và nữ…
Những sản phẩm này đều do DN tự thiết kế, với tỉ lệ nguyên liệu nội địa hóa cao. Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhận xét đây là bước đột phá lớn của các DN nội.
Theo đánh giá của Vinatex, các DN hiện chỉ dành 20%-25% năng lực để phục vụ trong nước, còn lại là xuất khẩu. Chủ trương phát triển ngành dệt may đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 xem xuất khẩu là trọng yếu nhưng thị trường trong nước cũng quan trọng, không thể bỏ quên. Doanh thu nội địa của Vinatex năm nay dự kiến đạt 22.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 30% nhu cầu và tổng doanh thu ngành dệt may cả nước.
Dù tình hình kinh tế còn khó khăn, người dân giảm chi tiêu cho thời trang nhưng tăng trưởng của ngành may mặc nội địa vẫn duy trì được mức 15%-20%. Do đó, một số DN đã thay đổi quan điểm, tham gia thị trường nội địa để quảng bá thương hiệu và nhìn thấy cơ hội thành công tại sân nhà. Cạnh tranh thị trường vì thế cũng gia tăng.
Những đơn vị nắm được xu thế, có sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thì có cơ hội thành công nhiều hơn. Tuy nhiên, Vinatex hiện có hơn 70 công ty song chỉ khoảng 10 DN phát triển được ở thị trường nội địa, có thương hiệu mạnh và có lãi.
Với không ít DN, thị trường nội địa vẫn chỉ là “cuộc dạo chơi” và họ chưa có ý định mở rộng thêm thị phần. Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn (Garmex Saigon), cho biết DN này đang sản xuất hàng mùa đông cho thị trường miền Bắc, miền Trung nhưng doanh thu nội địa chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu.
Theo ông, lợi nhuận từ thị trường nội địa thấp nhưng lại cạnh tranh khá gay gắt. DN muốn bán hàng được phải có sản phẩm chất lượng, giá tốt, mẫu mã phong phú; phải xây dựng được thương hiệu và hệ thống phân phối bán hàng rộng khắp.
Nâng dần nguyên phụ liệu nội
Cùng với sự gia tăng đầu tư của các DN nước ngoài trong lĩnh vực nguyên phụ liệu may mặc, tỉ lệ nội địa hóa đã tăng. Ông Hoàng Vệ Dũng cho biết ở phân khúc thấp, tỉ lệ nội địa rất cao (đồng phục học sinh, bảo hộ lao động, sợi hoặc vải thô đạt đến 80%-90%) hay như chỉ, phụ liệu dệt may có thể đạt đến 100%.
Riêng vải thời trang còn hạn chế, đặc biệt ở phân khúc cao cấp thì phải tiếp tục đầu tư. Nhìn chung, tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu của các đơn vị thuộc Vinatex và một số DN khác đạt khoảng 50%.
Theo các DN may mặc, hiện đã có nhiều DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm tại Việt Nam nên tỉ lệ nội địa hóa được nâng lên. Tuy nhiên, nguyên liệu cho may mặc xuất khẩu vẫn phải nhập đến 80% do sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Với các loại áo polo, áo khoác nữ… cho thị trường nội địa, DN có thể sử dụng 100% từ nguồn trong nước vì chất lượng có nhiều tiến bộ nhưng về chủng loại, giá bán thì nguyên phụ liệu may mặc nội vẫn chưa cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.
“Nhiều mặt hàng Trung Quốc sau khi chịu thuế nhập khẩu 12% vẫn còn rẻ hơn hàng nội. Vì vậy, chỉ DN nào muốn ủng hộ hàng Việt thì sử dụng nguồn trong nước” - ông Nguyễn Ân cho biết.
Về giải pháp tăng nội địa hóa, ông Hoàng Vệ Dũng cho rằng nếu DN chọn thời điểm đầu tư không cẩn thận thì sản phẩm sẽ có giá thành cao, không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Việc nội địa hóa, sử dụng vải “made in Vietnam” có tăng lên hay không tùy thuộc vào sự quan tâm của nhà nước, của các bộ, ngành… vì liên quan nhiều đến vấn đề môi trường. Những năm gần đây, các DN đã có đầu tư nhưng gặp khó, đặc biệt là ở khâu hoàn tất vải.
“Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao xây dựng được những khu công nghiệp dệt may riêng, có hệ thống xử lý nước thải do nhà nước đầu tư, các DN sẽ trả phí xử lý. Khi đó, các DN có thể tập trung đầu tư cho công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh” - ông Dũng đề xuất.
Năng suất còn quá thấp
Năng suất lao động trung bình tại các DN may mặc Việt Nam hiện chỉ bằng 50% so với Trung Quốc. Theo Vinatex, nguyên nhân chính là do sự quản lý, phối hợp giữa công nghệ và con người còn bất cập. Một số DN đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ, như: tiếp cận công nghệ may mới nhất, máy móc thiết bị, môi trường... nhưng chưa bố trí dây chuyền hợp lý, chưa tăng sáng tạo cho người lao động để theo kịp các nước... Đầu năm 2015, lương và bảo hiểm sẽ tăng, nếu DN không tăng năng suất lao động thì sẽ phá sản.
|
Thanh Nhân
người lao động
|