Thoái vốn: Hàng xấu chớ làm cao!
Câu chuyện thoái vốn nhà nước trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra chậm chạp. Vướng mắc quan trọng nhất có lẽ là mục tiêu định hướng: bảo toàn vốn và tối đa lợi ích, hay là thay đổi cấu trúc quản trị để hoạt động hiệu quả hơn?
Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012-2015 đã đi được gần hết chặng đường nhưng kết quả chưa được bao nhiêu. Theo số liệu báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2014, tiến độ thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới đạt 19% kế hoạch.
Tại một hội thảo hôm 9/10 tại Hà Nội, các thành viên thị trường, tổ chức tư vấn, đại diện doanh nghiệp đã nêu lên nhiều yêu cầu giải thích rõ hơn về việc triển khai, áp dụng hướng dẫn của Quyết định 51 vì thời gian thực hiện chỉ còn rất ngắn
|
Nhiều điểm nghẽn đã được chỉ ra, nhưng cơ bản nhất vẫn là tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để hoạt động bán phần vốn nhà nước có thể thành công. Chính vì vậy, việc ra đời Quyết định 51/2014/QĐ-TTG có hiệu lực từ tháng 11 tới đây được đánh giá là bước đột phá đúng vào những vướng mắc đang cản trở tiến độ thoái vốn.
Thay đổi định hướng
Bán bớt phần vốn nhà nước không phải là vấn đề khó, nếu có một mức giá phù hợp. Nguyên tắc thị trường chi phối các giao dịch và trong đa số trường hợp, mong muốn chủ quan thường thất bại khi cố gắng vượt qua những nguyên tắc này.
Chưa bao giờ thị trường “gây khó dễ” đối với hoạt động bán bớt phần vốn nhà nước ở những doanh nghiệp làm ăn tốt. Vinamilk chẳng hạn, nhà nước muốn thoái vốn bao nhiêu cũng được. Khó khăn chỉ nằm ở những doanh nghiệp làm ăn bết bát khi nguyên tắc bảo toàn vốn, tối đa lợi ích được đặt cao hơn nguyên tắc thị trường.
Chính vì vậy khi Quyết định 51 cho phép thoái vốn nhà nước dưới mệnh giá, điều quan trọng nhất chính là thay đổi về định hướng khi mục tiêu hàng đầu của hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp là thay đổi cấu trúc quản trị.
Quyết định 51 đã cho phép bán phần vốn nhà nước dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách sau khi đã trừ đi những khoản dự phòng theo quy định. Theo đánh giá của các tổ chức tư vấn, đây là một bước tiến lớn của cơ quan quản lý khi lần đầu cho phép doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách - vốn được xem là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình thoái vốn hiện nay.
Một điểm nữa thể hiện sự tôn trọng với thị trường, là không cứng nhắc một mức giá đối với các giao dịch bán vốn không thành công. Quy định mới cho phép các doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, khi không bán hết phần vốn thì sau 3 tháng được điều chỉnh giảm giá bán tối đa 10% so với giá bình quân 15 ngày trước đó.
Đối với doanh nghiệp chưa niêm yết, đăng ký giao dịch, khi đấu giá cổ phần dưới mệnh giá mà vẫn “ế”, được phép chuyển sang bán thỏa thuận. Nếu vẫn không bán hết sẽ được giảm giá tối đa 10% để bán đấu giá lần hai.
Thúc doanh nghiệp lên sàn
Việc gắn cổ phần hóa với niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch tập trung đã có định hướng từ lâu, đặc biệt Quyết định 51 yêu cầu trong thời hạn 90 ngày kể từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa nhận được giấy chứng nhận đăng ký mới, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký công ty đại chúng; đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom.
Như vậy, thay vì một khoảng thời gian chờ đợi khá dài tới một năm để có thể niêm yết, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện lên sàn UpCom trước để làm bước đệm, sau đó có thể hoàn thiện thủ tục niêm yết ở HSX hoặc HNX.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch sẽ giúp thúc đẩy sức cầu đối với các đợt phát hình cổ phần lần đầu để cổ phần hóa (IPO). Thực tế đã cho thấy sức hút đối với các đợt IPO thấp do nhà đầu tư không thấy doanh nghiệp có lộ trình niêm yết cụ thể, điều này dẫn tới việc kém minh bạch trong công bố thông tin cũng như giảm tính thanh khoản của cổ phiếu.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nói nếu doanh nghiệp cổ phần hóa muốn niêm yết ngay thì rất hoan nghênh, nhưng thực tế đã cho thấy thời gian chuẩn bị thủ tục cũng như điều kiện niêm yết chặt chẽ hơn, chẳng hạn phải thực hiện đại hội cổ đông, có 1-2 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, tính đại chúng tối thiểu 15%... Trong khi đó, điều kiện để đăng ký lên thị trường UpCom thuận tiện hơn và có thể thực hiện trong thời gian ngắn, 90 ngày như quy định.
Ông Dũng cũng cho biết hiện sàn UpCoM mới sử dụng khoảng 2% năng lực, nên hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thì nhấn mạnh doanh nghiệp không nên coi UpCoM là “bé, không xứng tầm” vì trên thế giới có nhiều doanh nghiệp lớn vẫn giao dịch trên loại thị trường này.
“Tôi cho rằng UpCoM có điều kiện thông thoáng để chúng ta có thể đưa cổ phiếu vào giao dịch và tạo thanh khoản, thu hút nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần. Đây là bước đệm để doanh nghiệp làm quen, tập dượt công bố thông tin. Hệ thống giao dịch hoàn toàn giống như trên niêm yết. Đây cũng là cách để chúng ta minh bạch công khai hóa và sau khi doanh nghiệp đã quen sẽ chuyển lên niêm yết sẽ tạo một bước nhảy đối với thị trường cũng như đối với các nhà đầu tư và giá cả của cổ phiếu”, ông Bằng nói.
Nhiều kiến nghị
Tại một hội thảo hôm 9/10 tại Hà Nội, các thành viên thị trường, tổ chức tư vấn, đại diện doanh nghiệp đã nêu lên nhiều yêu cầu giải thích rõ hơn về việc triển khai, áp dụng hướng dẫn của Quyết định 51 vì thời gian thực hiện chỉ còn rất ngắn.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho rằng Quyết định 51 tập trung việc thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng vào đầu mối là ngân hàng nhà nước nên cơ hội để SCIC tham gia mua lại các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này là rất hạn chế.
Cụ thể, SCIC nằm cuối “chuỗi” giao dịch bán cổ phần và chỉ khi triển khai thoái vốn theo quy định hiện hành và thoái vốn dưới giá trị sổ sách, hoặc dưới mệnh giá nhưng không thành công đối với những khoản đầu tư có giá trị nhỏ hơn 5% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại, SCIC mới được đề nghị xem xét mua lại. Do đó, có thể hình dung các phần vốn khi đến được với SCIC phần nhiều là những khoản đầu tư có hiệu quả kinh doanh thấp và không thực sự hấp dẫn đối với thị trường.
SCIC kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể hơn, tạo điều kiện cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng thương mại cũng như mua lại vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm. Ngoài ra, cũng cần xác định rõ khoản đầu tư của SCIC thông qua việc mua cổ phần phát hành lần đầu có nằm trong tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà nước tại doanh nghiệp hay không để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, rất nhiều các thắc mắc liên quan đến việc áp dụng Quyết định 51 cũng như những chi tiết thủ tục, quy định mang tính kỹ thuật đã được đại diện doanh nghiệp đặt ra.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cho biết, sẽ sớm bố trí một cuộc họp nội bộ giữa Bộ Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp với Ủy ban Chứng khoán, hai sở giao dịch, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, SCIC để bàn tất cả những ý kiến để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đại diện HNX cũng cho biết sẽ đưa những nội dung trả lời lên website của Sở và Bộ tài chính để doanh nghiệp có thể theo dõi.
Khánh Hà
vneconomy
|