Đừng đem người Việt mình ra thử thuốc!
Thị trường thuốc giờ “thượng vàng hạ cám”.
* Thuốc nội tốt đa số đi đấu thầu… đều rớt
* Ma trận thuốc giá rẻ
Bà Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Mekophar, đã nói như trên tại buổi làm việc của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM với Sở Y tế TP ngày 15-10 về chuyên đề phát triển ngành hóa dược trên địa bàn. Mặc dù vấn đề đấu thầu thuốc không phải là chủ đề chính nhưng nhiều đại biểu quan tâm đề cập tại cuộc làm việc này, bởi theo họ hiện nó có nhiều bất cập.
Doanh nghiệp dược trong nước sẽ… lụi dần
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho rằng cơ chế đấu thầu theo giá rẻ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại. Nó giống như một đề thi không lựa chọn được thí sinh giỏi nên rất khó phân biệt được những công ty kỹ thuật cao và trung bình, hàng tốt và hàng chấp nhận được.
“Không thể kết luận thuốc rẻ là thuốc kém chất lượng nhưng thuốc rẻ thì khó có chất lượng tốt. Các doanh nghiệp TP đầu tư làm gì những dây chuyền đạt GMP châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ, Úc, Nhật… để khi đấu thầu thì thuốc của họ rớt hết. Hệ thống BV TP và bệnh nhân thì không được sử dụng các loại thuốc này. Do vậy, phải thống nhất trong đấu thầu là phải có thuốc chất lượng và giá cả hợp lý, không thể có thuốc chất lượng mà giá rẻ” - PGS-TS Phong Lan nói. Theo PGS-TS Phong Lan, nếu không sửa đổi thì những doanh nghiệp làm đàng hoàng sẽ từ từ lụi dần.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Huỳnh Thị Lan đặt vấn đề: “Trong hồ sơ đấu thầu, một nhà máy với 150 chuyên gia giỏi được đánh đồng kỹ thuật với một nơi chỉ có năm dược sĩ. Tôi xin hỏi có hợp lý hay không? Tôi thấy không hợp lý chút nào!”. Bà Huỳnh Thị Lan đề nghị trong đấu thầu phải làm sao để người dân có thuốc chất lượng cao nhưng giá hợp lý. Theo bà, những chính sách vừa qua là lỗ hổng phải sửa chữa.
Thuốc trong nước được đầu tư tốn kém nhưng các doanh nghiệp chưa liên kết tạo thế mạnh trong nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh.
|
“Nhưng tôi rất buồn, tôi đã kiến nghị nhiều lần là đừng để thuốc mới vào Việt Nam và người Việt thành người thử thuốc, tức phải đi kiểm tra nhà máy của nơi xuất khẩu xem có đạt tiêu chuẩn không. Có ý kiến phản hồi là không đủ người đi. Nếu Cục Quản lý Dược không đủ người đi thì phải mời chuyên gia. Chỉ có cách đó thì thuốc vào Việt Nam mới gọi là tốt. Trong khi sản phẩm của công ty trong nước xuất đi nước nào thì nước đó sẽ vào kiểm tra dây chuyền sản xuất của công ty 7-10 ngày và công ty phải trả tiền”, bà Huỳnh Thị Lan chia sẻ. Cũng theo bà Huỳnh Thị Lan, thị trường thuốc giờ “thượng vàng hạ cám”, thuốc gì cũng vào được vì giá của một số thuốc vào Việt Nam quá rẻ so với thuốc ở nước ngoài cùng loại.
Trùng lắp và “đấu giá” lẫn nhau
Không chỉ đấu giá với thuốc nước ngoài, các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc trùng lắp và “đấu giá” với nhau. Điều này sẽ thúc đẩy việc nhập nguyên liệu giá rẻ, kém chất lượng về để sản xuất thuốc giá rẻ. Chẳng hạn như có doanh nghiệp trong nước xuất bán nguyên liệu ra nước ngoài với giá 80.000 đồng/kg, sau đó mua về với giá… 30.000 đồng/kg.
Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Sở sẽ có báo cáo Bộ Y tế về cơ chế đấu thầu thuốc theo giá rẻ hiện nay. Nhưng nếu nói thuốc trúng thầu giá rẻ đi đôi với kém chất lượng thì trong thời gian vừa qua người bệnh điều trị bằng thuốc không chất lượng...? “Tất cả loại thuốc trúng thầu lần đầu chúng tôi sẽ cho kiểm nghiệm lại để khẳng định thuốc đưa vào sử dụng phải đảm bảo chất lượng. Chúng tôi đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm TP.HCM làm cái này và có báo cáo” - PGS-TS Bỉnh nói.
Cũng theo PGS-TS Bỉnh, nếu so với đấu thầu riêng lẻ thì đợt đấu thầu tập trung vừa qua lợi rất nhiều, hàng biệt dược chỉ còn chiếm 30%, còn lại là hàng Việt. Trong 3.800 tỉ đồng tiền thuốc generic (thuốc hết hạn bảo hộ) thì thuốc Việt chiếm 2.196 tỉ đồng. Thuốc Ấn Độ trước đây tràn ngập thì đợt đấu thầu này chỉ có 269 tỉ đồng và thuốc Trung Quốc chỉ có 6 tỉ đồng, thuốc Hàn Quốc chỉ trúng thầu có 142 tỉ đồng. Sở Y tế sẽ thống kê tất cả BV đã sử dụng thuốc các năm trước để biết họ đã sử dụng thuốc thế nào, xem hiệu quả đấu thầu tập trung có mặt lợi và chưa được như thế nào. “Các công ty Việt Nam, các nhà máy lớn phải liên kết với nhau để sản xuất những mặt hàng có tính cạnh tranh, chất lượng” - PGS-TS Bỉnh khuyến cáo.
Trong đấu thầu tập trung nên chọn những doanh nghiệp dược đủ năng lực cung ứng thầu (có thể các doanh nghiệp liên kết) tại TP. Theo đó, cái được là nhà sản xuất có đơn vị phân phối đủ năng lực về tài chính, năng lực đấu thầu và cung ứng.
Dược sĩ Trịnh Đào Cung, Tổng Giám đốc Công ty Yteco
|
Duy Tính
pháp luật tphcm
|