Khu vực tư nhân là “chìa khóa” tăng trưởng
Để không bị các nước vốn từng ở “thế yếu” hơn vượt qua, Việt Nam không còn cách nào khác phải tận dụng tối đa nguồn nội lực. “Hiến kế” cho chặng đường phát triển 10 năm tới, các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh đến việc dồn lực cho khu vực tư nhân.
* Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp
Lĩnh vực thủy sản đang được khu vực tư nhân dẫn dắt.
|
Tụt hậu
|
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài:
Ngân hàng BIDV không được cấp phép hoạt động ở Myanmar vì vốn sở hữu 28 tỉ USD, chỉ bằng 5-10% vốn sở hữu của 1 trong 9 ngân hàng được lựa chọn. Nên nhớ rằng, cũng như nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như Huyndai, LG, Posco, cách đây 30-40 năm, Samsung là DN nhỏ, có được quy mô lớn và vị thế toàn cầu như ngày nay chỉ mất một thế hệ mà thôi. Ý chí phấn đấu vươn lên tầm thế giới, tinh thần lao động sáng tạo, chiến lược kinh doanh khôn khéo của DN cộng với chính sách đúng đắn của Nhà nước đã làm cho Hàn Quốc có nhiều tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Các chủ DN trẻ Việt Nam có ưu thế về tiếp cận ý tưởng và triết lý kinh doanh hiện đại cần có hoài bão tiến vững chắc trên con đường đi đến mục tiêu trở thành DN lớn như cách mà người Hàn Quốc đã thành công.
|
“Trong thời gian tới không có động lực mới Việt Nam sẽ tụt hậu. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người chúng ta chỉ còn hơn hơn Myanmar, Lào, Campuchia. Tôi e rằng cứ trong tình trạng này trong vòng 3-5 năm tới các nước này vượt mình. Lúc đó có nguy cơ Việt Nam đứng chót trong khu vực Đông Nam Á” - lời cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngay lập tức thu hút sự chú ý của công luận. Bởi đây là một trong những lần hiếm hoi, vị lãnh đạo của một Bộ quan trọng nhìn thẳng vào thực tế “tụt hậu”.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: Hiện nay chúng ta không còn dư địa để mở rộng đầu tư, cho nên phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Nguồn lực cho phát triển kinh tế gồm 3 thành phần chính là khu vực DNNN, khu vực tư nhân và FDI. Nhưng tôi thấy tiềm năng lớn nhất và nguồn lực cần chú ý nhất là khu vực tư nhân trong nước. Cùng với việc phát huy vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế, DN tư nhân sẽ có môi trường tốt để phát triển” - ông Vũ Viết Ngoạn chia sẻ.
TS Đoàn Hồng Quang, chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho rằng: Việt Nam hiện có cơ cấu khu vực kinh tế Nhà nước lớn, chiếm 33% GDP. Đây là điều khá lạ. Nếu khu vực này còn hoạt động không hiệu quả thì đây là lực cản rất lớn cho quá trình phát triển của Việt Nam. Do đó cần chuyển dịch từ Nhà nước sang tư nhân, bởi tư nhân là động lực quan trọng cho phát triển. Thực tế tư nhân từng đóng góp lớn cho GDP, nhưng 10 năm qua sự đóng góp này vẫn không có nhiều thay đổi đáng kể. Nếu DN tư nhân vẫn hoạt động phi chính thức sẽ không lớn lên được, không tiếp cận được với cơ hội phát triển.
Đại diện một DN tư nhân chia sẻ rằng: Cơ quan Nhà nước thấy DN Việt tới là nghĩ xin gì, chứ không phải là đem dự án gì tới, trong khi DN nước ngoài rất được chào đón. Do đó, lãnh đạo địa phương, bộ ngành rất ít gặp DN trong nước, trong khi gặp gỡ và trao đổi với DN nước ngoài thường xuyên. Nếu không tập trung cho DN tư nhân thì những vấn đề về tăng trưởng bền vững sẽ đến giới hạn, sẽ hết.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Khu vực tư nhân thực sự là động lực cho tăng trưởng kinh tế và là lực lượng có thể vực dậy nền kinh tế. Thực tế, tại nhiều hội thảo, có ý kiến đang rất nghi ngờ về vai trò khu vực tư nhân. Các ý kiến này thường nhấn mạnh vào việc DN nào nộp thuế nhiều nhất, nhưng không so sánh với nguồn lực mà những DN ấy đã nhận được. Nếu so sánh, số thuế các DN đó nộp vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nhận được do DN lớn đóng góp thuế nhiều nhưng chúng ta cũng sẵn sàng miễn thuế hàng nghìn tỉ đồng.
“Khu vực tư nhân có hiệu quả hơn hẳn về nhiều mặt so với các khu vực khác, nhưng tại sao mọi thứ ưu đãi, mọi nguồn lực cứ đổ dồn cho DNNN, cho FDI. Đó là những thứ cần phải điều chỉnh và chúng ta hoàn toàn có cơ hội điều chỉnh, từ đó mang lại cho nền kinh tế một cách phát triển khác, hiệu quả, năng suất được nâng lên. Nếu không điều chỉnh, chúng ta không thể có gì thay đổi được” - bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Đến lúc dồn lực cho khu vực tư nhân
Bà Phạm Chi Lan bộc bạch: Chúng ta ban hành nhiều luật pháp, chính sách. Trong đó chúng ta không thấy sự phân biệt đối xử nhưng trên thực tế, sự phân biệt đối xử ấy thể hiện rất rõ. Tuy chúng ta nói thừa nhận vai trò khu vực tư nhân và cũng nói đến chính sách hỗ trợ, nhưng thực chất vẫn quan tâm nhiều hơn đến DNNN với tư cách nằm trong khu vực kinh tế chủ đạo. Vì vậy mọi thứ ưu tiên, ưu đãi dành cho khu vực này. Đầu tư nước ngoài cũng vậy, chúng ta đã quá ưu ái, ưu đãi cho FDI để đến mức chèn lấn với khu vực tư nhân trong nước. Những điều đó phải thay đổi, phải biết hướng đến nội lực của mình nhiều hơn, phải biết quý trọng nguồn lực trong nước hơn là dựa vào bên ngoài. Thành tích dựa vào FDI, XK vẫn là bệnh thành tích thích tăng trưởng hơn là thực chất mang lại lợi ích bao nhiêu cho nền kinh tế, cho người dân, cho đất nước mình.
Dù vậy, bà Phạm Chi Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận: Bản thân khu vực tư nhân cũng có nhiều vấn đề, chưa thực sự trưởng thành. Các DN tư nhân lớn hầu hết nằm trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực đòi hỏi phải có “quan hệ” tốt với lãnh đạo địa phương. Bản thân cấu trúc DN vẫn là cấu trúc gia đình, chưa theo kiểu cấu trúc chuyên nghiệp, không sẵn sàng dùng cấu trúc quản trị chuyên nghiệp để phát triển. Bản thân DN tư nhân cũng còn phải cố gắng nhiều.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng: Hiện nay FDI gần như làm chủ cuộc chơi. Việc FDI đóng góp 45% vào giá trị ngành công nghiệp, 65% kim ngạch XK, đóng góp ngân sách chiếm 20% là rất tốt nhưng không nên coi là hợp lý. Khác với Singapore, chúng ta là một nước có 90 triệu dân và đến năm 2020 là 100 triệu dân thì không thể dựa chủ yếu vào nguồn lực bên ngoài như ODA và FDI để phát triển, mà phải từ đó bồi dưỡng nguồn lực trong nước. Trong đó cần bồi đắp để DN tư nhân trở thành động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, có hiệu quả kinh tế - xã hội và bền vững. Chính sách của Nhà nước cần khuyến khích mạnh mẽ DN trong nước phát triển để đạt được mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu DN, trong đó phần lớn là DN vừa và nhỏ có quy mô trung bình gấp 2, 3 lần hiện nay, hình thành một số tập đoàn lớn có vốn sở hữu hàng chục, hàng trăm tỉ USD, có năng lực cạnh tranh cao và có vị thế trong khu vực.
Lương Bằng
hải quan
|