Xuất khẩu gạo: vẫn bỏ trứng vào một giỏ
Việc tập trung xuất khẩu gạo cho các thị trường lớn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thời gian tới.
* Xuất khẩu gạo năm 2015 sẽ khó khăn
* Trung Quốc là ẩn số với xuất khẩu gạo Việt Nam
* Xuất khẩu gạo: Tăng dần về chất
Tính đến hết tháng 9-2014, tổng lượng gạo xuất khẩu
đã ký hợp đồng đạt 6,5 triệu tấn.
|
Một nguồn thông tin cho biết, tính đến hết tháng 9, tổng lượng gạo xuất khẩu đã ký hợp đồng đạt 6,5 triệu tấn, trong khi mục tiêu trong năm nay đã được điều chỉnh xuống chỉ còn 6,3 triệu tấn. Do vậy, dù vẫn còn một quí cuối năm nhưng hiện đã có những căn cứ để đánh giá những mặt được và tồn tại trong xuất khẩu gạo cả năm nay.
Những điểm sáng
Xét trên phương diện giá gạo xuất khẩu, có thể cho rằng, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng năm nay là năm xuất khẩu gạo khá thành công.
Thứ nhất, theo các số liệu thống kê và ước tính của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta chín tháng đầu năm nay chỉ mới đạt 5,1 triệu tấn, giảm 3,8% so với cùng kỳ, nhưng tổng kim ngạch đã đạt hơn 2,3 tỉ đô la Mỹ, chỉ giảm không đáng kể 0,1%.
Thực tế đó có nghĩa là, giá gạo xuất khẩu lũy kế chín tháng đầu năm nay đạt 456 đô la Mỹ/tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Đây là kết quả đáng mừng. Bởi lẽ, số liệu thống kê cho thấy, giá gạo thế giới từ đầu năm đến nay đã giảm so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của FAO cho thấy duy nhất chỉ có giá gạo trắng 25% tấm xuất khẩu bình quân của nước ta trong chín tháng qua là tăng từ 358 đô la Mỹ/tấn lên 376 đô la Mỹ/tấn, trong khi của ba đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan đều giảm lần lượt là 29,9%; 6,6%; và 1,5%.
Thứ hai, những tháng gần đây giá gạo xuất khẩu của ta đang tăng và hy vọng rằng, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm còn cao hơn giá bình quân đã đạt được từ đầu năm đến nay.
Thứ ba, giá lúa trong nước cũng đã được đẩy lên cao hơn. Các kết quả tính toán theo các số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá lúa thường bình quân từ đầu năm đến nay đã đạt gần 5.500 đồng/ki lô gam, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa dài cũng đạt hơn 5.700 đồng/ki lô gam, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Những khoảng tối
Cho dù vậy, bức tranh xuất khẩu gạo của nước ta năm nay vẫn còn hai điểm đặc biệt đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, cho dù giá gạo xuất khẩu đã tăng, nhưng chúng ta cũng đã bán hớ lô hàng lớn nhất trong năm cho Philippines hồi giữa tháng 4 vừa qua, cho nên đã kéo giá gạo xuất khẩu bình quân xuống, thay vì có thể đẩy lên cao thêm.
Bởi lẽ, như các số liệu do Philippines công bố cho thấy, trong khi giá trần cho lô hàng 800.000 tấn được ấn định ở mức 479 đô la Mỹ/tấn (giá giao tại kho của NFA), nhưng Vinafood I và II chỉ chào giá 438 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn tới 31 đô la Mỹ/tấn so với giá chào thấp nhất của Louis Dreyfus Commodities Asia Pte. Ltd. trong số bốn đối thủ cạnh tranh trong cuộc thầu này.
Kết quả là, tuy thắng thầu toàn bộ lô hàng, nhưng giá bình quân của 639.000 tấn gạo đã xuất khẩu sang thị trường Philippines trong bốn tháng (từ tháng 5-8) chỉ là 438 đô la Mỹ, trong khi giá của hơn 1,8 triệu tấn gạo còn lại xuất khẩu sang các thị trường khác trong khoảng thời gian này đã đạt 454 đô la Mỹ.
Thứ hai, cho dù tăng mạnh được lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu trong khu vực là điều rất đáng mừng, nhưng tình trạng “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ” vốn đã rất nghiêm trọng của chúng ta sẽ còn nghiêm trọng hơn trong những tháng tới.
Bởi lẽ, trong khi tỷ trọng về lượng gạo xuất khẩu sang bốn thị trường chủ yếu khu vực châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia năm 2009 chỉ mới là 39%, năm 2013 đã tăng rất mạnh lên 49,7%, và tám tháng đầu năm nay tiếp tục tăng lên 65,5%.
Thực trạng và triển vọng đó cũng có nghĩa là, những kết quả đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường khác trước đây đã không được duy trì.
Trong khi đó, thực tế cho thấy, việc nhập khẩu gạo của Philippines và Indonesia trong mấy năm gần đây rất thất thường, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta lao đao, còn thị trường Trung Quốc thì đang bị hai cường quốc xuất khẩu gạo lăm le giành giật là Thái Lan và Ấn Độ.
Trong điều kiện như vậy, việc chuyển hướng thị trường để phân tán rủi ro cần phải được tính đến.
Nguyễn Đình Bích
tbktsg
|