Chứng khoán Tháng 8/2014: Khó có thể bứt phá mạnh
Khi đợt công bố kết quả kinh doanh quý 2 qua đi sẽ là lúc thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Đây có thể là yếu tố sẽ tác động mạnh nhất lên thị trường trong nửa cuối tháng 8.
Tháng 7/2014: Bluechip lên ngôi
(1) Nhóm cổ phiếu bluechip lên ngôi. VN-Index đã tăng tổng cộng 3.1% trong tháng 7 và kết thúc tháng ở mức 596.07 điểm, trong khi HNX-Index tăng 1.71% và đứng tại 79.26 điểm.
Các chỉ số Market Cap dịch chuyển ngược chiều trong tháng vừa qua. Trong khi VS-Large Cap và VS-Mid Cap tăng đáng kể lần lượt 3.79% và 2.08% thì VS-Small Cap và VS-Micro Cap lại quay đầu giảm 2.56% và 3.26%.
(2) Giao dịch gia tăng trở lại nhưng biến động mạnh. Giao dịch thị trường tháng 7 đã tích cực hơn, đặc biệt là trên HOSE. Tuy nhiên, giao dịch không thực sự ổn định khi khối lượng các phiên trong tháng biến động khá mạnh. So với tháng trước, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tháng 7 trên HOSE đã tăng mạnh 22.2% tương ứng với 97.2 triệu đơn vị. Trong khi đó, giao dịch trên HNX vẫn tiếp tục trầm lắng khi giảm nhẹ 0.8%, tương ứng với 45.6 triệu đơn vị.
(3) Giao dịch chứng khoán trong tháng 7 chịu ảnh hưởng của các yếu tố:
Kết quả kinh doanh quý 2/2014. Việc công bố kết quả kinh doanh quý 2 đã khiến giao dịch thị trường có sự phân hoá mạnh trong tháng 7.
Với kết quả kinh doanh được công bố vẫn duy trì tích cực, đúng như kỳ vọng, nhóm cổ phiếu bluechip đã thu hút mạnh sự chú ý của dòng tiền. Ở chiều ngược lại, giao dịch ở các nhóm cổ phiếu nhỏ không mấy tích cực khi áp lực bán ra vẫn được duy trì ở nhóm cổ phiếu này.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu bluechip, nhóm cổ phiếu Bất động sản, Xây dựng , Khai khoáng (chủ yếu do tác động từ nhóm cổ phiếu Dầu khí) cũng được chú ý trong tháng 7 với kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Giao dịch thị trường kém ổn định. Tuy được sự hỗ trợ thông tin từ kết quả kinh doanh quý 2/2014, nhưng giao dịch thị trường tháng 7 vẫn không thực sự ổn định. Hoạt động trading ngắn hạn tiếp tục chiếm ưu thế trong tháng vừa qua. Đây là điều có thể hiểu được khi: (1) kết quả kinh doanh tích cực không áp đảo, (2) những căng thẳng trên Biển Đông tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn xuất hiện những thông tin không mấy tích cực, (3) thông tin về các vụ án hình sự xuất hiện trở lại, và (4) hoạt động bán khi thông tin thực xuất hiện cũng được áp dụng triệt để.
Tăng/giảm giá xăng dầu. Giá xăng dầu tiếp tục biến động trong tháng 7 với 2 lần tăng thêm và 1 lần giảm về cuối tháng. Hiệu ứng ngược từ việc tăng giá xăng dầu tiếp tục hiện diện, nhưng yếu tố này không tác động quá mạnh mà chỉ có ảnh hưởng trong phiên giao dịch đón nhận thông tin.
Khối ngoại tiếp tục thu gom vào cổ phiếu. Tính về giá trị, khối ngoại bất ngờ bán ròng 127.1 tỷ đồng trên HOSE, trong khi đẩy mạnh gom vào trên HNX với 307 tỷ đồng trong tháng 7.
Ảnh hưởng của khối ngoại lên thị trường trong tháng 7 có kịch bản khá tương đồng so với tháng 6 khi mức độ ảnh hưởng của khối ngoại lên hai sàn khá đối lập. Cụ thể, tầm ảnh hưởng của giao dịch khối ngoại đã giảm bớt trên HOSE nhưng lại gia tăng mạnh trên HNX.
Trên HOSE, cổ phiếu bị bán ròng mạnh là VIC với gần 757 tỷ đồng và mua ròng mạnh thuộc về GMD với 373 tỷ đồng, nhưng chủ yếu được thông qua giao dịch thỏa thuận. Sức ảnh hưởng của các cổ phiếu được mua vào như MWG, PPC, CSM ... và bán ra như HPG, HAG ... là không mạnh. Trong khi đó, trên HNX họ lại tập trung mạnh vào PVS (280 tỷ đồng), VND (41.2 tỷ đồng) và VCG (38.5 tỷ đồng) và tạo được sự tích cực nhất định đối với chỉ số HNX-Index.
Tháng 8/2014: Khó có thể bứt phá mạnh
Chúng tôi cho rằng các yếu tố sau đây sẽ chi phối xu hướng của TTCK trong tháng 8/2014.
(1) Kỳ vọng từ nhóm cổ phiếu nhỏ. Thời hạn công bố kết quả kinh doanh quý 2/2014 đã gần kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa công bố, đặc biệt là những công ty nhỏ. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo con sóng cho thị trường. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng con sóng sẽ không quá mạnh do áp lực chốt lời khi thông tin thực xuất hiện có thể tiếp tục diễn ra.
(2) Số liệu sau soát xét 6 tháng có tạo những “cú sốc”? Tháng 8 sẽ là thời điểm nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo 6T/2014 sau soát xét. Thông tin này khó có thể tạo đột biến lên giao dịch thị trường, nhưng sai lệch giữa báo cáo của công ty và kiểm toán sẽ tạo những cú sốc nhất định.
(3) Giao dịch tháng 8 thường không tích cực. Thống kê cho thấy giao dịch thị trường trong tháng 8 những năm gần đây thường khá yên ắng và có chút tiêu cực. Đây là yếu tố mang tính chu kỳ và nhiều khả năng sẽ tiếp tục lặp lại.
(4) Thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Khi đợt công bố kết quả kinh doanh quý 2 qua đi sẽ là lúc thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Đây có thể là yếu tố sẽ tác động mạnh nhất lên thị trường trong nửa cuối tháng 8. Với môi trường kinh doanh hiện tại không có nhiều biến động thì nhiều khả năng mức độ tác động từ yếu tố này không quá mạnh. Chúng tôi vẫn cho rằng xu hướng giao dịch ngắn hạn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian này.
(5) CPI tháng 8 xu hướng tăng sẽ tiếp tục. Trong tháng 7, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của yếu tố điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Tháng 8, ảnh hưởng từ giá xăng sẽ không còn nhiều khi giá xăng đã được điều chỉnh giảm trở lại vào cuối tháng 7.
Theo giới chuyên gia, yếu tố mùa mưa bão sẽ tác động mạnh nhất lên CPI tháng 8 và duy trì đà tăng của chỉ số này. Dù vậy, mức tăng vẫn được dự báo khá không qúa mạnh, được ước tính chỉ vào khoảng 0.2% so với tháng trước, tương đương 4.3% so với cuối năm 2013.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Đà tăng vẫn đang tiếp diễn. VN-Index tiếp tục đà tăng điểm trong những tuần gần đây. Các mẫu hình nến xanh dài xuất hiện khá nhiều cho thấy tâm lý của nhà đầu tư trong ngắn hạn đã được cải thiện theo hướng tích cực.
Sau khi cho tín hiệu mua mạnh, chỉ báo MACD liên tục tăng và phá vỡ ngưỡng 0. Chỉ báo này vẫn đang trong quá trình đi lên cho thấy xu hướng ngắn hạn của VN-Index đã chuyển từ giảm điểm sang tăng trưởng. Bên cạnh đó, hai đường +DI và -DI đang gia tăng khoảng cách ngày càng lớn nên rủi ro không quá lớn.
Khối lượng khớp lệnh không có bứt phá đáng kể nhưng vẫn duy trì mức khá và hiện đã ngang bằng với mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 83.7 triệu đơn vị). Điều này cho thấy lực cầu đã được cải thiện trong ngắn hạn và đà tăng có thể tiếp tục được duy trì.
Tuy nhiên, vùng 600 – 630 điểm được đánh giá là vùng kháng cự mạnh nhất trong dài hạn của VN-Index nên dự kiến sẽ có những phiên rung lắc trong giai đoạn sắp tới. Trong trường hợp có giảm mạnh xảy ra, đường SMA 100 (tương đương vùng 575 – 580 điểm). Nếu trạng thái này vẫn tiếp tục được duy trì thì xu hướng tăng trưởng dài hạn sẽ được củng cố vững chắc hơn.
HNX-Index – Liên tục giằng co mạnh. Đà tăng trưởng của HNX-Index vẫn tiếp tục nhưng đang có dấu hiệu yếu đi trong ngắn hạn với nhiều phiên giằng co mạnh. Nếu đà tăng vẫn được giữ vững thì nhiều khả năng HNX-Index sẽ phá vỡ hoàn toàn đường SMA100 (tương đương vùng 79.5 – 80.5 điểm) trong những tuần tới.
Nhóm MA ngắn hạn (tương đương vùng 78 – 78.5 điểm) đã bị phá vỡ hoàn toàn nên đang đóng vai trò hỗ trợ đối với HNX-Index. Vì vậy, dự kiến HNX-Index sẽ tiếp tục đà tăng nếu vẫn duy trì bên trên nhóm này.
Chỉ báo Stochastic Oscillator cũng đã cho mua trở lại, vì vậy, nguy cơ điều chỉnh sâu không quá cao. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình và không ổn định trong thời gian gần đây cho thấy lực cầu đang biến động mạnh.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|