Cải cách thủ tục hành chính : mới “cắt, tỉa” ở phần ngọn!
Đến nay, việc cải cách thủ tục hành chính bằng những cuộc “ra quân” rầm rộ chỉ là những “cuộc rượt đuổi” không có hồi kết.
* Bãi bỏ 12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan
* “Ma trận” thủ tục hành chính
Những đợt “ra quân” rầm rộ
Từ năm 2000 tới nay đã có những cuộc ra quân rầm rộ nhằm cải cách thủ tục hành chính. Trước hết, ngay sau khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực, từ năm 2000, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp đã rà soát và kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã cắt giảm gần 140 giấy phép con. Đây được coi là thắng lợi bước đầu của “cuộc chiến” tấn công vào các thủ tục hành chính, các giấy phép con mang tên “Luật Bộ”.
Tiếp theo, ngày 10-1-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2007 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30).
Tháng 10-2009, Thủ tướng Chính phủ công bố bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại bốn cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet, với trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính được thực hiện tại bốn cấp chính quyền.
Kết thúc giai đoạn 2, theo báo cáo của các bộ, ngành, đã có hơn 5.500 thủ tục hành chính được rà soát, trong đó có 453 thủ tục được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ; có 3.749 thủ tục được đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, có 288 thủ tục được đề nghị thay thế. Theo tính toán của các bộ, ngành, sau khi cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đã tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp chi phí tương đương 30.000 tỉ đồng/năm!
Ngày 5-8-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Chỉ thị yêu cầu phấn đấu cuối năm 2014 có 95% số doanh nghiệp khai thuế điện tử, 15/63 địa phương thực hiện nộp thuế điện tử và 63/63 địa phương triển khai trong năm 2015; cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm).
Ngoài ra, chỉ thị cũng yêu cầu công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính thuế, hải quan trên mạng Internet; triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan; tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại và chấn chỉnh, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp mới; Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành quy định về việc phối hợp trong việc thanh tra tại doanh nghiệp đảm bảo tránh trùng lắp, chồng chéo với thanh tra thuế, hải quan.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình, thủ tục hành chính thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đến cuối năm 2014 cắt giảm một phần ba số lần và giảm 50% số giờ thực hiện nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế so với hiện nay. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng đã làm việc với Bộ Xây dựng và yêu cầu nghiên cứu cắt giảm những thủ tục không cần thiết trong đầu tư xây dựng.
Những đợt “ra quân” rầm rộ nêu trên đã có kết quả nhất định, tức thời. Song, không ai có thể phủ nhận được rằng, sau khi kết thúc mỗi đợt ra quân, các thủ tục hành chính, các giấy phép con lại mọc lên “như nấm sau mưa”. Các giấy phép con đã bị cắt giảm vào năm 2000 lại đã “tái xuất giang hồ”. Kết quả của Đề án 30 đến nay liệu có ai còn nhớ? Các thủ tục hành chính chẳng những không được đơn giản hóa mà đã và đang ngày càng phức tạp thêm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm lại công việc đã làm cách đây 14 năm, đó là rà soát danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nhưng “cuộc chiến” đã phức tạp hơn nhiều lần!
Vì sao có tình trạng đó? Đó là câu hỏi rất quan trọng cần được trả lời và tìm biện pháp khắc phục từ nguyên nhân cơ bản của nó, nếu không, cải cách thủ tục hành chính bằng những cuộc ra quân rầm rộ sẽ chỉ là những “cuộc rượt đuổi” không hồi kết. Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc cải cách thủ tục hành chính từ trước tới nay, chúng ta mới “cắt, tỉa” ở phần ngọn mà chưa động đến gốc, rễ của nó.
Gốc, rễ là ở đâu?
Trong bài viết về nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011- 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển”. Trong thông điệp đầu năm 2014, người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”.
Tiếc thay, mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển” vẫn chưa hình thành. Có thể khẳng định rằng, sự chậm trễ trong việc thực hiện mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển” là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà; hàng loạt ngành nghề kinh doanh bị cấm (do không quản lý được) và thuộc loại kinh doanh có điều kiện.
Chính vì vậy, Nhà nước đang “ôm” quá nhiều việc, trong đó, có không ít việc hoàn toàn có thể giao cho thị trường quyết định. Vì “ôm” quá nhiều việc nên để “an toàn”, Nhà nước phải đặt ra những quy định để kiểm soát.
Thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà, các giấy phép con phát sinh từ đó. Hơn nữa, với mục đích chối bỏ trách nhiệm, tạo môi trường cho việc kiếm thêm thu nhập, các cơ quan quản lý nhà nước đã “sáng tạo” thêm vô vàn thủ tục và giấy phép con ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ.
Để xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, một đội ngũ công chức, viên chức giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và hết lòng phục vụ nhân dân là điều kiện đặc biệt quan trọng. Điều đó liên quan chặt chẽ tới chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Chúng ta sẽ không thể có một Nhà nước kiến tạo phát triển với đội ngũ công chức, viên chức như hiện nay khi việc tuyển dụng, bổ nhiệm bị chi phối bởi hàng ngàn lý do, khi thu nhập của công chức, viên chức (theo bảng lương chính thức) chỉ đáp ứng khoảng 40% mức sống tối thiểu.
Nếu để được tuyển chọn, bổ nhiệm phải bỏ “vốn đầu tư” thì trong quá trình thực thi công vụ công chức sẽ phải tìm cách “thu hồi vốn và có lãi”. Khi thu nhập chính thức không đủ sống, người ta phải tìm mọi cách “tước đoạt để bù đắp”.
Có thể nêu ra nhiều nguyên nhân khác nữa. Song, những nguyên nhân nêu trên là quan trọng hơn cả. Nếu chúng ta chưa có một “phác đồ điều trị” có hiệu quả từ những nguyên nhân nêu trên, việc cải cách thủ tục hành chính vẫn luôn là “cuộc chiến đấu vẫn đang còn tiếp diễn”.
Luật gia Vũ Xuân Tiền (Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam)
tbktsg
|