Logistics nhìn từ vận tải của Hà Nội
Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho rằng, muốn phát triển dịch vụ này phải nâng cao năng lực của các DN, cũng như hình thành giá hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt... Muốn làm được như vậy thì các DN, cơ quan quản lý… phải có sự hợp tác, liên kết với nhau đặc biệt là về đào tạo và pháp lý; đồng thời thành phố Hà Nội nên khuyến khích hiệp hội chủ hàng phải thuê dịch vụ của DN trong nước...
* Ngưng cấp phép hoạt động dịch vụ logistics 100% vốn nước ngoài
* Vì sao logistics Việt Nam thua trên sân nhà?
* “Đại đoàn thuyền thúng” trên thị trường logistics
* Doanh nghiệp logistics nội: Phát huy nội lực để cạnh tranh
Manh mún và kém hiệu quả
“Giá thành vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng về Hà Nội đang là gánh nặng đè lên hoạt động logistics”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long cho hay.
Các DN logistics nội vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực
|
Tuyến đường bộ Hải Phòng - Hà Nội là trục giao thương quan trọng của Thủ đô đi ra thế giới. Một đằng là các tập đoàn, tổng công ty lớn của đất nước đặt trụ sở, còn một đằng là cửa mở đến những thị trường rộng lớn với hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu của các DN Hà Nội mỗi năm… Tuy nhiên, giá thành vận chuyển trên tuyến này đang chiếm khá lớn trong cơ cấu chi phí logistics của sản phẩm, làm hạn chế khả năng cạnh tranh, giảm lợi nhuận của các DN…
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam chia sẻ, hệ thống hạ tầng giao thông vận tại rất yếu, bất cập, chưa thống nhất quản lý cầu và đường bộ. Trong khi đường bộ cho phép xe có trọng tải tối đa 46 tấn đi qua thì cầu chỉ cho phép từ 18 - 28 tấn, DN vận tải không thể “làm ăn” được. Cộng thêm hạn chế tốc độ, quá nhiều khu dân cư, trạm kiểm soát… khiến DN vận tải tăng chi phí. Chẳng hạn, tốc độ cho phép tại các tuyến đường bộ của nước ngoài là trên dưới 100km/giờ, tức gấp đôi tại Việt Nam. Vì vậy, vận tải đường bộ trong nước là yếu tố làm tiêu hao thời gian và giá trị vận chuyển.
Trong khi các phân tích cho thấy, Hà Nội có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển hoạt động logistics, gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường sắt, đường không… tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận, hoạt động logistics trên địa bàn thành phố chưa được phát triển toàn diện, nguồn cung lớn nhưng DN của địa phương và DN trong nước chưa đáp ứng được…
Để hạn chế những khó khăn này thành phố Hà Nội có thể phát triển các đầu mối giao thông vận tải khác để giảm gánh nặng cho vận tải như ga Yên Viên - một đầu mối vận tải đường sắt, các cảng sông thì hiện nay chưa được chú trọng đến vấn đề đó. “Tất nhiên Hà Nội không thể làm được mà đây là quy hoạch chung ngành giao thông vận tải, hạ tầng đó rất quan trọng nếu không cải thiện thì không thể phát triển được dịch vụ logistics”, bà Hà cho biết thêm.
Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho các DN logistics, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà về vấn đề hạ tầng giao thông vận tải cần có kế hoạch dài hơi của toàn ngành giao thông vận tải. Nếu Hà Nội muốn phát triển thành trung tâm thì thành phố cũng phải cùng Bộ Giao thông Vận tải phát triển các đầu mối, các điểm trung chuyển. Về hạ tầng pháp lý, thủ tục nên tham gia vào các diễn đàn mà các DN hiện nay đang quan tâm, tổ chức các diễn đàn khi có văn bản mới thì phải biết người ta đang muốn cái gì. Nếu có diễn đàn DN được chia sẻ sau đó DN sẽ thấy điểm cần thay đổi ngay và các văn bản chính sách cũng cần phải thay đổi, giải quyết nhanh.
Thiếu độ tin cậy xuyên suốt
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, lý do chính các hoạt động logistics tại Việt Nam tương đối thiếu hiệu quả hơn so với các nước khác là vì thiếu độ tin cậy xuyên suốt trong chuỗi cung ứng kết nối với phần còn lại của thế giới. Mà nguyên nhân chính ở đây, theo ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội DN logistics Việt Nam là việc thiếu hiệu quả trong kỹ thuật và tổ chức các hoạt động logistics.
Việc phát triển loại hình này tương đối khó khăn, hơn nữa cơ chế chính sách chưa được quan tâm đầy đủ. Nhưng, vận tải đường bộ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến hoạt động logistics của Thủ đô hạn chế về khả năng đáp ứng nhu cầu chủ hàng.
|
Cũng bởi DN logistics tại Hà Nội chủ yếu là các DNNVV, cho nên khả năng cung cấp dịch vụ logistics chưa được đầy đủ mà chỉ làm từng phần như vận tải nội địa, khai báo hải quan, kho bãi… Gần như rất ít DN cung cấp dịch vụ logistics trọn gói. Những hạn chế đó bao gồm luật pháp liên quan điều chỉnh logistics thường không dễ hiểu, gây trở ngại cho DN; chi phí “bôi trơn” trong công tác vận chuyển lớn và phổ biến…
Một DN logistics cho hay, hiện nay thủ tục hải quan đã được cải thiện, đã thông quan tự động nhưng còn rất nhiều những văn bản pháp luật trước đó của hải quan chưa thay đổi. Ví dụ như thông quan điện tử trên hệ thống đã thông, nhưng phần giám sát và các phương pháp quản lý ở các đầu mối chưa thay đổi cho nên tạo độ trễ…
Về cơ bản, hoạt động logistics hiện có 3 bộ phận: quản lý Nhà nước, DN cung cấp dịch vụ logistics, và người quản lý dịch vụ logistics. Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho rằng, muốn phát triển dịch vụ này phải nâng cao năng lực của các DN, cũng như hình thành giá hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt... Muốn làm được như vậy thì các DN, cơ quan quản lý… phải có sự hợp tác, liên kết với nhau đặc biệt là về đào tạo và pháp lý; đồng thời thành phố Hà Nội nên khuyến khích hiệp hội chủ hàng phải thuê dịch vụ của DN trong nước...
Còn theo ông Nguyễn Tương, mong muốn Hà Nội phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước toàn diện. Trước hết Hà Nội phải làm tốt vấn đề xây dựng chiến lược phát triển logistics của thành phố từ nay đến 2020 và định hướng 2030, sau khi xây dựng đề án đó phải xây dựng kế hoạch từng năm để phát triển.
Hà Nội cần phải cải tiến công tác quản lý, đặc biệt Sở Công Thương thành lập một bộ phận giúp lãnh đạo thành phố phát triển logistics, chính sách kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển DN cung cấp dịch vụ logistics. Ban này giúp do Sở Công Thương làm trưởng ban và các sở ban ngành khác làm thành viên, ban này làm cầu nối giữa chính quyền thành phố với các DN cung cấp dịch vụ logistics từ đấy xây dựng lên chương trình hành động và giải quyết khó khăn cho các DN logistics.
Bên cạnh đó, Hà Nội phải tăng cường công tác đào tạo cán bộ, công tác đào tạo này không chỉ có những người làm dịch vụ logistics, mà trước hết cho những người quản lý có nhận thức đầy đủ về logistics.
Trường Sơn
thời báo ngân hàng
|