Cấm nhập máy móc cũ: Doanh nghiệp FDI "dọa" bỏ đầu tư?
Quy định "cấm cửa" máy móc cũ có thời gian sử dụng quá 5 năm của Bộ Khoa học và Công nghệ đang gây "sóng gió" trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI.
* Không để công nghệ lạc hậu vào Việt Nam
* DN phản ứng thông tư hạn chế nhập máy cũ
Công chức Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Lạng Sơn kiểm tra máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc.
|
Làm thế nào để chứng minh?
Một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên "than vãn" về Thông tư Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc NK máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ là Nokia Việt Nam.
Thông tư 20/2014/TT-BKHCN ban hành ngày 15-8-2014 và có hiệu lực vào ngày 1-9-2014.
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ gia hạn hiệu lực thi hành (quy định hiện tại 1-9-2014 Thông tư có hiệu lực) cho đến khi có quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện phù hợp của Thông tư này. Đồng thời, đề nghị thiết lập địa chỉ liên lạc tại Bộ Khoa học và Công nghệ, nhanh chóng thành lập bộ phận rà soát lại chi tiết nội dung của Thông tư này.
|
Công ty này đang thu hút sự chú ý của dư luận khi hé lộ kế hoạch dịch chuyển hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc, Mexico, Hungary sang nhà máy ở Bắc Ninh, Việt Nam. Tuy nhiên, như Báo Hải quan đã đưa tin, theo phản ánh của Nokia Việt Nam đến Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan hữu quan, việc chuyển giao bị gián đoạn là do vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 20/2014/TT-BKHCN.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng vừa có văn bản gửi đích danh ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Thông tư 20.
Theo Hiệp hội DN Nhật Bản, Thông tư 20 có nhiều điểm chưa rõ ràng, hiệu lực thi hành gấp chỉ sau 1 tháng kể từ khi ban hành khiến doanh nghiệp không có đủ thời gian chuẩn bị, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Nếu Thông tư này được áp dụng như đã quy định sẽ không chỉ gây trở ngại cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mà còn gây cản trở cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản còn gửi kèm theo bản tổng hợp các vấn đề liên quan đến Thông tư 20 bao gồm: "Ảnh hưởng khi Thông tư này được áp dụng theo nội dung đã ban hành"; "Một số nội dung yêu cầu xem xét lại" và "ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản".
Trong phần "Ý kiến, câu hỏi của các doanh nghiệp Nhật Bản", nhiều câu hỏi "hóc búa" đã được các DN Nhật Bản đưa ra. Có DN vận tải hỏi rằng: "Làm thế nào để chứng minh được chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên?".
Một doanh nghiệp về xây dựng khác thì thẳng thắn: "Hiện tại, công ty đã thành lập văn phòng đại diện và có kế hoạch sau đó chuyển sang thành lập công ty. Tuy nhiên nếu không được phép mang thiết bị, máy móc cũ sang phục vụ hoạt động thì công ty sẽ không đầu tư nữa".
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng: Khi Thông tư này được áp dụng, với những doanh nghiệp có ý định đầu tư mới vào Việt Nam thì đây cũng là một lí do để họ từ bỏ ý định đầu tư.
Cho biết ý kiến của mình tại buổi họp hồi giữa tháng 8 của Cộng đồng doanh nghiệp máy thiết bị xây dựng, máy nông nghiệp về Thông tư này, GS. TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi: Tại sao lại quy định 80% mà không phải là 70 hay 60%? Làm thế nào để biết được chất lượng còn 80%?
GS.TS Nguyễn Mại cho rằng, nội dung Thông tư đặt ra như vậy là không phù hợp với thực tiễn.
Khe hở để lách luật?
Phản hồi những ý kiến của doanh nghiệp, bà Trần Tuyết Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Lý do của việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản này là để kiểm soát tình trạng thời gian qua nhiều doanh nghiệp nhập khẩu máy móc quá cũ không thể sử dụng được, không vận hành hay thay thế được.
Chia sẻ với phóng viên, TS Phạm Hùng Tiến, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Khi Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 20 mà vẫn để một loạt trường hợp ngoại lệ như “không áp dụng với các trường hợp máy móc quá cảnh, chuyển khẩu, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được hay nhận chuyển giao từ các khu chế xuất trong nước...” thì thực tế đã chứng minh đó là khe hở để lách luật.
"Nếu như công nghệ đã là 7 năm mà vẫn tạo ra được các sản phẩm có khả năng cạnh tranh hàng đầu trên thế giới thì ta có cho nhập không?" - TS Phạm Hùng Tiến hỏi, và giả định: "Nếu có, vậy thì các nhà làm luật cần phải thay đổi lại tư duy. Bởi, vòng đời sản phẩm có thể là 5 năm, nhưng vòng đời thiết bị, công nghệ thì lâu hơn thế".
"Thông tư 20 có hiệu lực từ 1-9 là không phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp Việt, họ vốn đã mong manh thì đừng bắt họ liên tục phải chịu đựng quá sức!" - TS Phạm Hùng Tiến nhấn mạnh.
Lương Bằng
hải quan
|