Rủi ro sau thông quan của doanh nghiệp nhập khẩu
Cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra sau thông quan khiến cho rủi ro bị phạt, truy thu thuế đang là thách thức nếu các doanh nghiệp (DN) không nắm bắt đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan.
* Thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tính theo phút
* Bãi bỏ 12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan
* 500 tờ giấy cho năm phút thông quan
DN cần hiểu đầy đủ, nâng cao ý thức tuân thủ và chủ động tìm hiểu quy định hải quan
|
Chia sẻ với DN tại hội thảo “DN với xu hướng thanh tra thuế và kiểm tra sau thông quan” ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte VN cho biết, các DN nên thực hiện thường xuyên soát xét, kiểm tra các nội dung liên quan đến hồ sơ, chứng từ xuất, nhập khẩu trước khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan. Ngoài mục đích chính là kiểm tra, soát xét và giúp DN tăng cường tính tuân thủ cao trong hoạt động xuất, nhập khẩu; công tác kiểm tra sau thông quan cũng đang dần trở thành công cụ trợ giúp đắc lực để cơ quan hải quan bổ sung tăng nguồn thu cho ngân sách từ các DN chưa thực hiện đầy đủ tính tuân thủ. Năm 2013, ngành hải quan thực hiện 2.430 cuộc kiểm tra sau thông quan, truy thu khoảng 1.400 tỷ đồng. Đại diện Deloitte nhận định, năm 2014, cũng như những năm tới, hoạt động thanh tra, kiểm tra của cả cơ quan hải quan sẽ được tăng cường đối với DN có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thực tiễn làm việc với DN cho thấy, rủi ro phổ biến mà nhiều DN đang đối mặt là hồ sơ, chứng từ nhập khẩu không đáp ứng đầy đủ các quy định của cơ quan hải quan, dẫn đến DN bị truy thu thuế, phạt chậm nộp khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan. Một rủi ro điển hình là DN khi kê khai đã áp mã số hàng hóa (HS) không đúng với chủng loại hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan phát hiện và yêu cầu DN áp lại mã với thuế suất cao hơn. Điều này đã làm tăng số thuế phải nộp lên khá nhiều do bị truy thu và phạt chậm nộp.
Rủi ro phổ biến mà nhiều DN đang đối mặt là hồ sơ, chứng từ nhập khẩu không đáp ứng đầy đủ các quy định của cơ quan hải quan.
Rủi ro khác mà các DN đang đối mặt, đó là trên cơ sở hồ sơ hưởng ưu đãi thuế mà DN đã kê khai, cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan sẽ yêu cầu các DN chứng minh các điều kiện để đáp ứng yêu cầu được miễn, giảm thuế. Nếu DN không đưa ra được các loại hồ sơ, chứng từ liên quan, cơ quan hải quan cho rằng DN không đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế. Nếu DN không có động thái đưa ra bằng chứng, giải trình đối với cơ quan hải quan thì “điều này đồng nghĩa với việc DN được hưởng ưu đãi nhưng đã tự từ bỏ quyền được miễn giảm thuế. Do đó, tất yếu cơ quan hải quan yêu cầu thu thuế, dẫn đến việc truy thu thuế, phạt chậm nộp thuế” – ông Tuấn nói.
Với mảng sản xuất xuất khẩu, liên quan tới vấn đề định mức nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu đã đăng ký thống nhất với cơ quan hải quan, khi kiểm tra không đúng thì ngay lập tức DN cũng bị truy thu thuế. Ví dụ, DN thông báo với cơ quan hải quan định mức nhập 2 mét vải sẽ sản xuất được 3 chiếc áo, có nghĩa là khi nhập 2 mét vải thì đầu ra cơ quan hải quan sẽ kiểm soát DN phải xuất khẩu 3 chiếc áo. Nhưng trên thực tế do trong quá trình sản xuất có thể do may hỏng, do công nghệ sản xuất kém, sai sót chuyên môn… nên DN chỉ xuất khẩu 2 chiếc áo mà không phải là 3 chiếc. Nếu DN không có giải trình và không thông báo cập nhật dữ liệu định mức mới cho cơ quan hải quan thì việc thiếu hụt một chiếc áo sẽ bị tính là tiêu thụ nội địa. Có nghĩa là, chiếc áo đó sẽ bị truy thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng vì coi như DN không xuất khẩu. Ông Tuấn cho biết, đây là rủi ro khá phổ biến mà các DN dệt may hay gặp phải và Deloitte đã có những tư vấn rất kịp thời về vấn đề này.
Do vậy, DN cần hiểu đầy đủ, nâng cao ý thức tuân thủ và chủ động tìm hiểu quy định hải quan, thường xuyên rà soát các hồ sơ thủ tục để nhằm giảm rủi ro và chi phí khi cơ quan hải quan thanh, kiểm tra. Từ đó, giúp DN quản lý tốt hơn, tăng cường hiệu quả hoạt động và đảm bảo mục tiêu kinh doanh của DN.
Nam Phương
dđdn
|