Ưu tiên doanh nghiệp Việt, nhưng...
“Samsung đang đặt cứ điểm quan trọng nhất tại VN” - tổng giám đốc tổ hợp Samsung VN Shim Won Hwan khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.
* Không dễ vào chuỗi LG, Samsung...
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH điện tử SEV Bắc Ninh
|
Theo ông Shim, Samsung sẵn sàng đặt hàng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của VN nhưng hiện ít doanh nghiệp đáp ứng.
Ông Shim nói:
- Trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Samsung, đặc biệt về lĩnh vực điện thoại thông minh, các nhà máy ở VN sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong tất cả các nhà máy sản xuất của Samsung trên toàn cầu (khoảng 40 nhà máy).
Năm 2013, sản lượng điện thoại thông minh được sản xuất tại VN chiếm khoảng 30%, các dòng máy tính bảng chiếm 70-80% tổng sản lượng của Samsung. Năm 2014 khi nhà máy Samsung Thái Nguyên đi vào hoạt động thì tỉ trọng này sẽ còn lớn hơn.
* Ông giải thích như thế nào trước ý kiến cho rằng các nhà máy của Samsung tại VN vẫn chỉ là cơ sở lắp ráp, chưa phải là cứ điểm sản xuất thật sự vì tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng không?
- Tôi đã được nghe những câu chuyện rằng Samsung không có nỗ lực nào trong việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa tại VN. Họ cho rằng Samsung vào VN đơn giản là để tận dụng nguồn nhân công giá trẻ. Điều này không đúng. Mỗi quốc gia có một cách tính tỉ lệ nội địa hóa khác nhau. Theo cách tính của Chính phủ VN thì tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm Samsung tại VN đã khoảng 39%.
Có một số nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài không có kế hoạch làm ăn lâu dài tại VN, dây chuyền nhà máy của họ kém hiện đại. Thậm chí, khi đã tận dụng xong nguồn nhân công giá rẻ hay có việc gì bất thường, họ dễ dàng rút khỏi VN. Nhưng đối với Samsung thì không phải như vậy.
Nếu được trực tiếp chứng kiến quy mô và sự hiện đại của các dây chuyền sản xuất mà Samsung đã đặt tại VN, bất cứ ai cũng sẽ hiểu ngay Samsung đã chọn VN để ở lại lâu dài.
* Nhưng tỉ lệ nội địa hóa 39% mà ông vừa nêu có phải bao gồm cả các doanh nghiệp FDI tại VN. Họ là những doanh nghiệp nước ngoài theo Samsung vào VN? Những doanh nghiệp 100% vốn của VN chỉ tham gia được một số khâu như đóng gói sản phẩm, bao bì, in ấn?
- Đúng là trong con số 39% này tính cả các doanh nghiệp FDI tại VN. Các doanh nghiệp “thuần” Việt cung cấp sản phẩm cho Samsung không có nhiều. Với một tập đoàn toàn cầu như Samsung thì thật ra việc quản lý về mặt tỉ lệ nội địa hóa như vậy không mang lại nhiều ý nghĩa. Chỉ khi đến VN chúng tôi mới gặp các câu hỏi như vậy.
Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là ngay cả với các đối tác FDI đang cung cấp phụ kiện cho Samsung thì nhân viên làm việc ở đó cũng đều là người VN.
* Được biết, Samsung vừa chuyển cho Bộ Công thương danh sách hơn 170 linh kiện mà các doanh nghiệp VN có thể tham gia cung cấp cho Samsung. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp VN vẫn chưa thể làm được, từ cái sạc pin... Ông có khuyến nghị điều gì cho VN để cải thiện tình trạng này?
- Theo tôi, Chính phủ VN cần có các chính sách để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Chẳng hạn các ưu đãi về thuế, về mức giá cho thuê đất để doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh. Mục đích là làm thế nào để ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện ra đời. Và điều này lại tùy thuộc vào việc VN đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề hay không.
Nếu như xung quanh khu vực nhà máy Samsung có nhiều nhà cung cấp linh kiện VN thì đó là lợi ích của cả Samsung và VN. Có ba yếu tố quan trọng để Samsung lựa chọn doanh nghiệp VN trở thành nhà cung cấp chính thức của mình. Đó là điều kiện về chất lượng sản phẩm, thời gian vận chuyển và giá cả.
Nếu thật sự VN có những doanh nghiệp đáp ứng được ba điều kiện trên thì Samsung luôn xác định ưu tiên doanh nghiệp đó làm nhà cung cấp cho mình.
* Ông nói VN sẽ là cứ điểm quan trọng nhất, nhưng có chuyên gia nói thật ra nhà máy của Samsung ở Trung Quốc mới là cứ điểm quan trọng nhất?
- Trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh, nhà máy của Samsung ở Trung Quốc không ưu tiên xuất khẩu mà phục vụ nội địa, còn ở VN chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Nhiều người cứ nghĩ rằng nhà máy Samsung ở Trung Quốc lớn hơn ở VN, nhưng thật ra các nhà máy của Samsung tại VN có vai trò quan trọng hơn rất nhiều.
Tính gộp hai nhà máy Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên có quy mô lớn hơn hẳn nhà máy ở Trung Quốc. Từ VN, các sản phẩm của Samsung đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trải dài từ châu Âu đến châu Phi, châu Á và trong năm 2014 đã thâm nhập vào thị trường Mỹ.
Năm 2014, hai nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỉ USD.
* Muốn làm được công nghiệp hỗ trợ, cần đội ngũ nhân lực. Ông đánh giá như thế nào về trình độ nguồn nhân lực VN và VN nên làm gì để có đội ngũ cho công nghiệp hỗ trợ?
- Theo tôi, VN có một nguồn nhân lực ưu tú, có nhiều đặc điểm phù hợp với ngành công nghiệp công nghệ thông tin, nếu xét về tính cách và trí tuệ. Điều chúng tôi thấy hơi đáng tiếc là mặc dù nguồn nhân lực VN có tư chất thông minh, nhưng có thể vì nền giáo dục và cơ sở hạ tầng ở VN chưa phát triển, nên các bạn nhân viên VN còn thiếu thực hành và kinh nghiệm.
Samsung đã khảo sát các bạn du học sinh VN tại Hàn Quốc. Chúng tôi nhận ra rằng nếu có kế hoạch dài hơi và có chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, để làm thế nào thu hút lực lượng này về nước làm việc thì trong tương lai nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của VN có thể sánh ngang được Trung Quốc, Ấn Độ...
* Samsung đang tiếp tục mở rộng sản xuất tại VN bằng dự án trên 1 tỉ USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM, bao gồm cả việc sản xuất màn hình LCD thế hệ mới. Sẽ có thêm một trung tâm R&D?
- Hiện nay Samsung có một dự án đang hoạt động tại TP.HCM sản xuất tivi và các loại màn hình (monitor), nhà máy đã hoạt động từ năm 1995. Qua hoạt động của mình, Samsung thấy rằng đã đến lúc cần thiết mở rộng nhà máy này. Chúng tôi đang tìm kiếm một vị trí đất mới để mở rộng nhà máy và tiến hành các công việc chuẩn bị cho quá trình đó.
Chúng tôi xác nhận phía Samsung đã bàn bạc với UBND TP.HCM. Tuy nhiên, vì kế hoạch đang trong quá trình chuẩn bị nên rất khó để đưa ra thông tin cụ thể và chi tiết hơn.
Điều tôi có thể khẳng định là nếu việc bàn bạc và hợp tác với UBND TP.HCM được thuận lợi, chắc chắn Samsung sẽ đầu tư và chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng một trung tâm R&D với quy mô nhất định tại đây.
Trung Quốc: hỗ trợ mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ
Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm khung màn hình tinh thể lỏng (LCD), vốn trước đây còn phụ thuộc vào các nguồn phụ trợ của nước ngoài. Tân Hoa xã cho biết trong gần hai năm qua, các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất LCD đã thể hiện khá tốt vai trò phụ trợ của mình.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc nhằm phục vụ mục tiêu nội địa hóa sản phẩm trong ngành sản xuất tivi và điện thoại di động của nước này. Trong đó có IRICO và Đông Húc là hai tập đoàn chuyên sản xuất chất nền thủy tinh cho ngành công nghiệp sản xuất màn hình LCD.
Hai tập đoàn này đã không ngại cho nhân viên của mình đi tập huấn ở nước ngoài để học hỏi về kỹ thuật sản xuất công nghệ trên, cũng như chiêu mộ nhân tài cả trong và ngoài nước chuyên về lĩnh vực này. Chỉ trong hai năm, hai doanh nghiệp này đã tự sản xuất được lớp kính nền chất lượng cao và bắt đầu cung cấp cho thị trường nội địa.
Mỹ Loan
|
V.V.Thành - Cầm Văn Kình thực hiện
tuổi trẻ
|