Tăng trưởng GDP 5,8%: mục tiêu không dễ hoàn thành!
Tăng trưởng GDP trong quí 2 đã có sự cải thiện nhẹ so với quí 1 nhưng sẽ không dễ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho cả năm 2014.
Những tín hiệu khả quan
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm nay đạt mức 5,18%, trong đó GDP quí 2 là 5,25%, cao hơn không nhiều cho với mức tăng 5,09% của quí 1. So với hai năm trở lại đây thì mức tăng 5,18% như trên cũng đã có sự cải thiện (GDP trong sáu tháng đầu năm năm 2012 và năm 2013 chỉ tăng lần lượt ở mức 4,93% và 4,9%). Tuy nhiên, mức độ cải thiện không nhiều, phản ánh đà hồi phục chậm của nền kinh tế kéo dài suốt từ năm 2012 cho đến nay.
Nổi bật trong tăng trưởng GDP hai quí đầu năm là sự đóng góp của khu vực dịch vụ (tăng tới 6,01%). Đặc biệt, khu vực dịch vụ cũng là khu vực duy nhất duy trì được đà tăng trưởng liên tiếp trong ba năm trở lại đây cho dù mức độ tăng của sáu tháng đầu năm nay đã có phần chậm lại. Chỉ riêng khu vực này đã đóng góp gần một nửa vào tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm (43,6%),
Xuất khẩu của khu vực FDI chiếm hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam, do vậy có thể nói động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong hai quí đầu năm đến từ các doanh nghiệp FDI. Khu vực kinh tế này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ trong sáu tháng cuối năm. |
Hai khu vực còn lại là công nghiệp - xây dựng và nông - lâm - thủy sản cũng đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Đáng chú ý, sự cải thiện của khu vực nông - lâm - thủy sản là khá ấn tượng với tốc độ tăng đạt 2,96%, cao hơn hẳn mức 2,07% của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có mức độ khởi sắc khiêm tốn hơn, 5,33% so với mức 5,18% của cùng kỳ năm 2013. Động lực chính của khu vực công nghiệp và xây dựng là ngành chế biến chế tạo đang có xu hướng tăng trưởng khá nhanh và ổn định trong ba năm gần đây (sáu tháng đầu năm 2012, 2013 và 2014 tăng lần lượt là 5,71, 5,83% và 7,89%). Diễn biến này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của các thị trường bên ngoài đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam vì đa phần ngành công nghiệp chế biến chế tạo gắn liền với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện tử, may mặc, da giày, gỗ...
Còn cách đích xa
Trong cuộc họp thường kỳ mới nhất, Chính phủ cho biết sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra cho năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay ở mức 5,8%. Liệu mục tiêu này có khả thi? Cho dù xu hướng cải thiện qua từng quí là khá chắc chắn do quí 3 và quí 4 là thời điểm cao điểm về sản xuất kinh doanh nhưng để đạt mức tăng trưởng 5,8% cho cả năm thì GDP trong sáu tháng cuối năm sẽ phải đạt mức tăng trên 6%. Đây là một thử thách không dễ cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh những căng thẳng từ xung đột biển Đông sẽ dần tác động rõ nét hơn đến nền kinh tế.
Nhìn vào các cấu thành của GDP là tiêu dùng hộ gia đình, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chi tiêu Chính phủ và xuất nhập khẩu ròng thì không có nhiều cơ hội để GDP có thể bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể, tiêu dùng hộ gia đình hiện vẫn chủ yếu trong trạng thái thận trọng, sự hồi phục vẫn diễn ra nhưng tốc độ còn khá chậm khi doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,7% trong sáu tháng đầu năm (tương đương cùng kỳ năm ngoái). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2014 dự kiến ở mức 30% GDP, nhích nhẹ so với mức 29% GDP trong năm 2013 nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư hai quí vừa qua đang mang đến nhiều lo ngại khi mà thu hút vốn FDI sụt giảm mạnh (-35%), giải ngân vốn FDI tăng không đáng kể (0,9%); tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt mức 2,3% (bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong khi đó, chi tiêu Chính phủ tính đến ngày 15-6-2014 đã đạt 44,6% dự toán năm, cao hơn mức 41,8% của cùng kỳ năm 2013. Nhưng đáng tiếc, trong cơ cấu chi thì chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm (đạt 72.600 tỉ đồng so với mức 74.300 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái) nhưng chi cho bộ máy quản lý hành chính và chi để trả nợ lại có dấu hiệu tăng mạnh (tăng lần lượt 12% và 15,2% so với cùng kỳ). Điều này khiến cho tổng mức chi tiêu Chính phủ tăng so với năm ngoái nhưng tác động lan tỏa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lại không lớn.
Riêng cấu thành còn lại là khu vực xuất nhập khẩu đang cho những tín hiệu khá tích cực. Xuất khẩu tăng 15% trong khi nhập khẩu tăng 11% đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu 1,3 tỉ đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm. Khu vực kinh tế nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu khá cao với 8,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 47,5%, còn khu vực trong nước có trạng thái hoàn toàn trái ngược khi nhập siêu tới 7,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,5%. Hiện nay xuất khẩu của khu vực FDI chiếm hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam, do vậy có thể nói động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong hai quí đầu năm đến từ các doanh nghiệp FDI. Khu vực kinh tế này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ trong sáu tháng cuối năm.
Linh Trang
tbktsg
|