Thấy gì khi lạm phát quá thấp?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2014 chỉ tăng 0,3% so với tháng trước. So với tháng 12/2013, CPI tháng 6/2014 chỉ tăng 1,38%, mức tăng này thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Đây là diễn biến đang được giới chuyên gia và các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.
Tại các phiên họp Chính phủ từ đầu năm đến nay, nhất là mấy tháng gần đây, các thành viên Chính phủ cũng ít nhắc hơn tới cụm từ “phải nỗ lực kiểm soát lạm phát” mà thay vào đó là nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Lâu lắm rồi, lạm phát mới được kiểm soát ở mức thấp như hiện nay.
Về hiệu ứng tích cực, khi chỉ số CPI được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô có thêm yếu tố hạt nhân để ổn định, tiếp tục tạo điều kiện cho việc ổn định giá trị và tăng niềm tin cho người dân nắm giữ VND. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lạm phát ổn định tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.
Tính đến tháng 5/2014, lãi suất huy động VND kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,8 điểm phần trăm so với đầu năm, từ mức 7,2%/năm xuống 6,4%/năm. Xu hướng này đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng khi tính đến tháng 5, tiền gửi bằng VND vẫn tăng 7,1% so với đầu năm. Còn thông tin mới cập nhật đến hết tháng 6 từ NHNN, hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,3%/năm.
Lãi suất huy động giảm nhưng lượng tiền gửi không giảm là cơ sở quan trọng để các NHTM giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ ở mức 7-8%/năm, với dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm.
TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong năm nay, chúng ta đã chuyển từ lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu 6,5-7%, nhưng nhiều khả năng kết quả đạt được thấp hơn mục tiêu.
Tuy nhiên, nếu mức lạm phát năm nay thấp quá cũng không hẳn là tích cực. Trên các diễn đàn kinh tế, mức CPI quá thấp ngày càng trở thành vấn đề khiến các học giả quan tâm. Bày tỏ lo ngại vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, 6 tháng cuối năm 2014 chúng ta phải có sự linh hoạt hơn nữa trong điều hành CSTT và chính sách tài khóa. Đặc biệt là cần có chính sách mạnh mẽ hơn nhằm khơi thông thị trường để tăng tổng cầu nền kinh tế.
Mặc dù thông thường vào nửa cuối năm, CPI bao giờ cũng tăng mạnh hơn bởi yếu tố mùa vụ, mùa mưa bão, giá nguyên liệu đầu vào tăng do DN đẩy mạnh sản xuất hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Song, với sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, DN chưa đẩy mạnh sản xuất thì rất khó đột biến về giá cả. Chính vì vậy, hiện nay đang có khá nhiều dự báo của các tổ chức, chuyên gia ở trong nước và quốc tế cho thấy, lạm phát năm nay ở mức khá thấp.
Theo Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, nếu không có những biến động về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ vào khoảng 5%. Còn theo công bố mới đây của HSBC, lạm phát ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhẹ trong quý III, từ mức 5% so với cùng kỳ của tháng 6 do giá năng lượng và các dịch vụ xã hội có thể tăng lên.
Tuy nhiên, “sang quý IV, tình hình có thể dịu bớt và lạm phát có thể duy trì ở 5,5% trong cả năm”, HSBC dự đoán. Không chỉ đưa ra kịch bản lạm phát năm nay nhiều khả năng sẽ ở mức từ 3 - 4%, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính còn đưa ra kịch bản lạm phát cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2016. Theo ông, tốc độ tăng của lạm phát trong các năm 2015 và 2016 cũng sẽ chỉ dao động trong khoảng 3 - 4%, thậm chí mức 2% cũng chưa thể bị loại trừ.
Chí Kiên
Thời báo ngân hàng
|