Bài toán hướng tới tự chủ kinh tế trong "một thế giới phẳng"
Tự chủ kinh tế trong “một thế giới phẳng” trở thành đề tài nóng bỏng và được “nhắc” với tần suất liên tục trong thời gian gần đây, khi mà những rủi ro về địa chính trị đang xảy ra với Việt Nam.
Rủi ro về địa chính trị
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), “độc lập” có nghĩa là nói đến quyền lực và bảo đảm chủ quyền quốc gia. Trong đó bao gồm việc chủ động con đường đi và quyền quyết định các chính sách, thực thi và giám sát chính sách.
Sáu tháng đầu năm 2014, xuất siêu cả nước ước đạt 1,3 tỷ USD
|
Tuy nhiên ông Thành cho rằng, hội nhập cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp các khái niệm về “quyền” để hướng tới các luật chơi chung. Bên cạnh đó, con đường hội nhập của mỗi quốc gia phải phù hợp với xu thế thời đại.
Hội nhập, ngoài những yếu tố tích cực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển thì cũng đem tới những rủi ro.
Trên bản đồ kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế nhỏ do đó sẽ không tránh được ảnh hưởng từ những biến động bất thình lình của dòng vốn quốc tế. Bên cạnh đó là những rủi ro về địa chính trị (cả gián tiếp và trực tiếp) mà chúng ta đang thực sự cảm nhận từ vụ việc tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trên thực tế, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2013, Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Đáng chú ý, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14 tỷ USD.
Sáu tháng đầu năm 2014, xuất siêu cả nước ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục xuất siêu khá cao với 8,5 tỷ USD đồng thời khu vực trong nước vẫn nhập siêu với 7,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Báo cáo phân tích từ Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, việc nhập siêu khu vực doanh nghiệp trong nước tăng chưa thể khẳng định sản xuất trong nước phục hồi vì phần lớn hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hoạt động gia công, lắp ráp của khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về thị trường, trong năm 2013, Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, song lại nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này 36,8 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD, song châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 24,4 tỷ USD (tương đương 4,1 tỷ USD); tiếp đến là khu vực Đông Nam Á đạt 18,5 tỷ USD; Nhật Bản đạt 13,6 tỷ USD; Hàn Quốc 6,7 tỷ USD.
Sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là 7,4 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lại lên tới 20,4 tỷ USD (với một số mặt hàng đạt giá trị tăng là máy móc tăng 30,3%; điện thoại tăng 11,3%; vải tăng 25,6%; sắt thép tăng 35,5%.) Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn trên đà gia tăng với giá trị ước tính đạt 13,1 tỷ USD.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, sự phụ thuộc một chiều, quá lớn và kéo dài vào dòng hàng nhập siêu từ một nước, dù với cơ cấu và lý do nào, đều ẩn chứa những yếu tố không bình thường. Lợi bất cập hại, điều này làm tăng độ rủi ro và tính dễ tổn thương của nền kinh tế, thậm chí có thể bị áp đặt những điều kiện kinh tế, chính trị gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc.
Sáu tháng đầu năm 2014, xuất siêu cả nước ước đạt 1,3 tỷ USD. (Ảnh minh họa. Nguồn: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Tăng tự chủ trong cuộc chơi đa phương
Đánh giá tác động 2 chiều của quá trình hội nhập lên nền kinh tế đã được nhìn nhận từ rất sớm và khá toàn diện, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) đã xác định nhiệm vụ, “tạo bước ngoặt về hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại" và chỉ ra "từng doanh nghiệp phải khẩn trương đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh."
Gần đây nhất, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg (ngày 14/6/2014), Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, ngành và địa phương cần tính đến các nhân tố gây căng thẳng và bất ổn khu vực khi xây dựng các kịch bản kế hoạch phát triển cho thời gian tới, với mục tiêu tăng tính tự chủ về kinh tế và giảm thiểu các thiệt hại do phụ thuộc quá nhiều và một chiều vào một thị trường, một đối tác…
Mặc dù các chủ trương đã được đưa ra rất sớm và toàn diện, song tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng các biện pháp thực hiện lại chưa được xác định cụ thể.
Ông Doanh cho rằng, bước vào “thế giới phẳng,” có quốc gia hội nhập chủ động và tất nhiên cũng có các quốc gia hội nhập thụ động.
Khái quát về “sức khỏe” của nền kinh tế, ông Doanh chỉ ra, Việt Nam đã tự chủ lương thực nhưng nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhập khẩu giống lúa… Trong ngành năng lượng, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu, điện, than, nhiên liệu cho điện nguyên tử (sau khi xây dựng).
"Bên cạnh đó, VND chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, nợ công tăng cao và theo đó là nghĩa vụ trả nợ. Ngoài ra, nền khoa học-công nghệ trong nước rất lạc hậu và chậm đổi mới, phụ thuộc vào công nghệ, trang thiết bị nước ngoài. Công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cũng phát triển kém, khi mà nguyên phụ liệu cho dệt-may, da-giày, linh kiện điện thoại, điện tử, ôtô... đều phải nhập khẩu," ông Doanh phân tích.
Do đó, để tránh phụ thuộc và vào nguồn hàng từ một quốc gia duy nhất, ông Doanh đề xuất, “chính sách nhập khẩu cần phải cân đối tỷ lệ từ 8%-10% đối với kim ngạch xuất-nhập khẩu của từng nước, điều này nhằm tạo ra các đối trọng trong các mối quan hệ thương mại quốc tế.”
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Minh Phong kiến nghị, giải pháp hạn chế nhập siêu cũng như giảm ảnh hưởng nhập khẩu từ một vài thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hơi. Vì vậy, chính sách cần phải ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và cần có chính sách hợp lý đối với xuất- nhập khẩu qua đường biên mậu để gia tăng hoạt động chính ngạch.
“Các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch khai phá thị trường mới, tận dụng lợi thế của những thị trường đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu,” ông Phong nhấn mạnh.
Đồng tình với những phân tích trên, song ông Thành cũng chỉ ra, hiện Trung Quốc đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị đó.
“Hiện nay, ‘trò chơi’ không chỉ còn giới hạn giữa hai quốc gia, mà nó đã có rất nhiều bên tham gia, đó là các tập đoàn xuyên quốc gia cũng như các quốc gia khác đang hoạt động đầu tư tại Trung Quốc,” ông Thành nói.
Ông Thành khẳng định, về cơ bản hầu hết những giao dịch thương mại đều được ký kết bằng các văn bản pháp lý mang tính quốc tế, do đó đối tác Trung Quốc cũng không thể tách ra một mình với “luật chơi” riêng.
“Rủi ro về địa chính trị lần này không còn là câu chuyện riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhân thời cơ này, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩu tái cấu trúc nền kinh tế gắn với quá trình hội nhập sâu rộng, bằng cách xây dựng những khung pháp lý toàn diện gắn với sự uyển chuyển của cơ chế thị trường đi cùng các cơ chế phản ứng nhanh...,” ông Thành nhận định.
Hạnh Nguyễn
Vietnam+
|