Tháng 7: Giá hàng hóa khó tăng đột biến
Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước cuối tháng 6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: 6 tháng đầu năm 2014, thị trường hàng hóa diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp...
Theo nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới có diễn biến đan xen tăng và giảm. Trong nước, giá các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng tiếp tục được điều hành theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát. Các mặt hàng thiết yếu khác giá tương đối ổn định, mặt bằng giá của nhiều mặt hàng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Hàng nông sản được mùa, nguồn cung dồi dào...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với một số địa phương tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp phân phối và người sản xuất nhằm giúp tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch rộ.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng 0,3% so với tháng trước. Nguyên nhân là do một số mặt hàng như đồ uống ngoài gia đình, quần áo hè may sẵn, giá tour du lịch trong nước cũng như nước ngoài đều tăng vì đang vào mùa nắng nóng và du lịch; việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá dầu diesel và giá dầu hỏa tăng ngày 22/4/2014 góp phần làm CPI tháng 6 tăng 0,15%; giá dịch vụ y tế tại TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng từ ngày 1/6/2014 cũng kéo CPI cả nước tăng tăng 0,87%.
6 tháng đầu năm 2014, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất
|
Nếu so với tháng 12/2013, CPI 6 tháng đầu năm 2014 tăng 1,38%. Đây là mức tăng khá thấp trong nhiều năm trở lại đây (năm 2010 tăng 4,78%; 2011: 13,29%; 2012: 2,52%; 2013: 2,4%). Còn nếu so với cùng kỳ năm 2013, bình quân 6 tháng đầu năm 2014 CPI tăng 4,77%, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm dịch vụ y tế và giáo dục.
So với các nước ASEAN, CPI Việt Nam ở mức trung bình. Cụ thể, so với cùng kỳ, tháng 5/2014, lạm phát của Philippines là 4,5%; Campuchia là 4,3%; Indonesia là 7,3%; Myanmar là 6,3%. Trong khi đó, lạm phát của Brunei chỉ có 0,2%; Singapore: 2%; Thailand: 2,2%. Vì vậy, không có gì phải lo lắng khi CPI của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm (so với cùng kỳ) ở mức 4,77%.
|
Ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: CPI 6 tháng đầu năm tốc độ tăng không cao, tương đối đồng đều, bình quân mỗi tháng tăng 0,23%, trong đó có 5 tháng tăng, chỉ riêng tháng 3 (tháng sau Tết Nguyên đán) là giảm.
Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, CPI tháng 6 chỉ tăng 0,3% so với tháng trước là mức tăng thấp nhất trong 14 năm gần đây. Nguyên nhân bởi tổng cầu thấp và sự điều hành của Chính phủ. 6 tháng qua, sức mua tăng không cao do xu hướng tiết kiệm chi tiêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 1.439 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%), các năm thông thường tăng trên 20%. Một tín hiệu tốt từ phía thị trường là tăng trưởng tín dụng đã tăng, năng lực sản xuất có tín hiệu phục hồi.
Dự báo trong tháng 7, những bất ổn chính trị tại nhiều nước trên thế giới có thể tác động tới giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác. Bên cạnh đó, thời tiết chuẩn bị vào mùa mưa bão nên có thể sẽ tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa được chuẩn bị tốt, một số mặt hàng nông sản như lúa gạo vào vụ thu hoạch, phân bón, vật liệu xây dựng vào thời kỳ nhu cầu sử dụng không cao… nên giá hàng hóa sẽ khó tăng đột biến, một số mặt hàng sẽ tiếp tục giảm nhẹ.
Thu Phương
công thương
|