Chủ Nhật, 29/06/2014 22:00

Tiềm năng lớn từ “kinh tế chia sẻ”

Kinh tế chia sẻ (sharing economy) - mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau - được đánh giá là mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng cũng như những doanh nghiệp kinh doanh kiểu truyền thống. Việt Nam được xem là một trong những thị trường tiềm năng của mô hình này.

Trên đường hối hả đưa con đi học và đến cơ quan mỗi sáng, nhìn thấy những phụ huynh chở con đi học bằng ô tô rộng thênh thang, chị T.N tự hỏi liệu có thể nào gửi con đi nhờ chiếc xe ấy đến trường, nếu nó đi đúng lộ trình mà chị cần. Nếu được như thế và người chở là người đáng tin cậy, chị sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí chấp nhận được cho việc chia sẻ này, mà bên chở cũng không mất thêm chi phí hay công sức gì ngoài chỗ trống trên xe.

Đối với chị T.N, đó là một ý tưởng. Nhưng tại nhiều nước, việc các cá nhân cho thuê những tài sản không dùng đến, hoặc chưa được khai thác hết đã trở thành mô hình kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Trong một bài viết vào năm ngoái, tờ Forbes (Mỹ) dự báo tổng doanh thu chảy trực tiếp vào túi của những người tham gia mô hình kinh doanh chia sẻ có thể lên hơn 3,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2013, với tốc độ tăng trưởng 25%.

Phát triển không ngừng

Theo tờ The Economist, cũng vào năm 2013, chỉ trong một đêm có đến 40.000 người thuê chỗ ở từ một dịch vụ cung ứng 250.000 phòng tại 30.000 thành phố ở 192 nước, và họ thanh toán tất tần tật qua mạng. Điều đáng nói là những căn phòng hay chỗ ngủ này không phải do một chuỗi khách sạn nào đó cung cấp, mà do các cá nhân. Những người cần thuê và chủ cho thuê được “mai mối” nhờ Airbnb - một công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ).

Từ khi Airbnb được thành lập vào năm 2008 cho đến đầu năm 2013 đã có hơn 4 triệu người sử dụng dịch vụ của công ty này, trong đó, chỉ riêng năm 2012 đã có 2,5 triệu người dùng. The Economist cho đây là một ví dụ điển hình về mô hình kinh tế chia sẻ mới mẻ và khổng lồ.

Mô hình này được biết đến với nhiều cách gọi như sharing economy, peer economy, collaborative consumption. Một cá nhân có thể cho người lạ thuê bất cứ thứ gì họ đang không sử dụng, như xe cộ, nhà cửa, chỗ để xe... thông qua Internet và những công ty kết nối cung - cầu. Các công ty này cũng đưa ra các mức xếp hạng hay các đánh giá để bên thuê và cho thuê có thể tin tưởng nhau. Với sự phổ biến của các dịch vụ này, nhiều người trên thế giới sẽ không cần phải mua khi đã có thể thuê bất cứ thứ gì mình cần.

Trong năm ngoái, tờ Forbes cũng điểm ra 14 công ty được xem là đi đầu trong việc tận dụng mô hình kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn như SnapGoods, một trang web chuyên cho mượn và mượn các thiết bị công nghệ hiện đại trong gia đình, như máy quay phim, vật dụng nấu ăn và các dụng cụ âm nhạc; hay RelayRides cho mượn xe theo giờ, theo ngày. Hoặc như Zaarly - một chợ trên mạng, cho phép các cá nhân cung cấp dịch vụ, từ sửa nhà đến sửa điện thoại di động. Người ta cũng lên trang web này để bán những món bánh do mình tự làm.

Ngoài ra, theo tờ The Economist, kinh tế chia sẻ còn được hiểu rộng hơn, giống như việc tận dụng triệt để nguồn lực. Chẳng hạn một người lắp đặt tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà nhưng không sử dụng hết năng lượng và bán phần thừa để hòa vào lưới điện.

Mô hình này cũng không giới hạn giữa các cá nhân với nhau, bởi lẽ nhờ có mạng Internet, các công ty cũng dễ dàng cho thuê văn phòng còn trống, hay máy móc không dùng đến.

Ngoài việc chủ sở hữu có thể kiếm tiền từ những tài sản chưa tận dụng hết, mô hình kinh tế chia sẻ còn có ý nghĩa tích cực đối với môi trường. Chẳng hạn một người có thể thuê xe ô tô mỗi khi cần thay vì sở hữu nó. Theo đó, thị trường sẽ không cần nhiều ô tô, đồng nghĩa với không cần khai thác nhiều tài nguyên để sản xuất ô tô. Việc sử dụng dịch vụ của nhau còn giúp con người trở nên cởi mở hơn.

Nhưng mô hình này cũng có những trở ngại. Chẳng hạn những cá nhân cho thuê nhà, liệu có phải tuân theo quy định về thuế áp dụng cho khách sạn? Tại Amsterdam (Hà Lan), các nhà chức trách vào trang Airbnb để truy tìm những khách sạn chưa được cấp phép. Tại một số thành phố ở Mỹ, các dịch vụ taxi chia sẻ đã bị cấm sau các cuộc vận động hành lang của các hãng taxi truyền thống.

Theo The Economist, một số luật lệ sẽ phải được cập nhật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sử dụng hình thức này, nhưng trở ngại nằm ở chỗ sẽ có những người có quyền thế tìm cách cản trở, hủy hoại sự cạnh tranh. Tất nhiên, những người cho thuê phòng nên đóng thuế, nhưng họ không thể bị quản lý như một khách sạn.

Dù có gặp những trở ngại nhưng kinh tế chia sẻ là một ví dụ cho thấy giá trị của Internet đối với người tiêu dùng. Mô hình kinh doanh đang nổi này đã đủ lớn để đánh thức các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.

Tiềm năng cho Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, động thái mới nhất liên quan đến kinh tế chia sẻ là việc Công ty Uber cung cấp dịch vụ chia sẻ xe vừa đặt chân vào thị trường với việc cho nhiều người dùng thử. Uber kết nối các chủ xe, tài xế với người có nhu cầu sử dụng xe qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Nhìn chung, đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển tại Việt Nam, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít khi dùng hay bán những ổ bánh tự làm đã và đang tồn tại. Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng về mô hình này. 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ. Chỉ có 18% từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy tại Việt Nam, ba sản phẩm hàng đầu được sẵn sàng cho thuê để tăng thu nhập là sản phẩm điện tử, xe gắn máy, trang thiết bị điện. Trong đó, có 42% người được hỏi cho biết sẽ thuê các sản phẩm điện tử.

Thông cáo của Nielsen trích lời ông Vishal Bali, Giám đốc điều hành bộ phận người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương tại Nielsen, cho rằng người tiêu dùng sẽ thường xuyên tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập bằng nhiều cách, và việc chia sẻ hoặc cho thuê các vật dụng mà họ sở hữu là một lựa chọn không tồi. Đa số những vật dụng được cho thuê phổ biến theo mô hình này là những vật dụng nằm ngoài tầm với của người tiêu dùng trung bình trong khu vực Đông Nam Á, ông này cho biết.

Cũng theo Nielsen, nền móng cho sự xuất hiện của mô hình kinh tế chia sẻ là sự phát triển nhanh chóng của Internet, và yếu tố chính của mô hình này là sự kết nối giữa những người tiêu dùng với nhau.

Khảo sát trên được thực hiện từ ngày 14-8 đến 6-9-2013, khảo sát hơn 30.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 60 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ.

Một khi kinh tế chia sẻ thực sự phát triển tại Việt Nam cùng với sự hoạt động mạnh mẽ của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này thì điều mà chị T.N mong muốn ở đầu bài sẽ dễ dàng trở thành hiện thực chứ không chỉ còn là ý tưởng.

Thu Nguyệt

tbktsg

Các tin tức khác

>   HSBC: GDP quý 2 tăng nhờ ngành sản xuất (28/06/2014)

>   WB cam kết hỗ trợ Việt Nam 2 tỷ USD phát triển đô thị (27/06/2014)

>   GDP có thể giảm 10% nếu thương mại Việt - Trung ngưng trệ (27/06/2014)

>   Hà Nội dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,13% (27/06/2014)

>   Kinh tế 6 tháng nhìn từ cân đối lớn (27/06/2014)

>   GDP tăng 5,18% sau 6 tháng (27/06/2014)

>   Vay nợ về trả nợ: Nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt... (27/06/2014)

>   “Tính toán GDP cần được minh bạch hơn” (26/06/2014)

>   “Nền kinh tế chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm” (26/06/2014)

>   Nền kinh tế ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro (26/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật